Người học có nhu cầu, nên không cấm được dạy thêm học thêm?

27/12/2014 07:57
Anh Minh
(GDVN) - Việc dạy thêm học thêm là do nhu cầu của người học, cũng xuất phát từ chương trình học quá tải, nặng nề... như thế thì có cấm được dạy thêm học thêm không?

Dạy thêm chính thống hay chèn ép?

Chia sẻ về câu chuyện dạy thêm học thêm, thầy Đỗ Tấn Ngọc – Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) chia dạy học thêm làm hai loại: dạy học thêm chính thống và dạy học thêm tràn lan, chèn ép học sinh.

Theo thầy Ngọc, nếu mà dạy học thêm chính thống, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và học sinh thì việc dạy học thêm đó là điều tốt. Bởi vì mục đích, ý nghĩa của việc dạy học thêm là cung cấp kiến thức, củng cố cho học sinh những kiến thức và kĩ năng cần thiết ở những môn học mà học sinh thấy có nhu cầu. Thầy Ngọc cũng đưa ra một thực tế hiện nay là chương trình học nặng, quá tải, và nhiều em học sinh cần có người chỉ dẫn cho, bày chỉ cho để các em có thể tiếp cận và hiểu được kiến thức tốt hơn, củng cố kiến thức tốt hơn.

"Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng phải đi học thêm thì mới tranh đua được, mới có cơ hội đậu được vào các trường đại học tốp trên..."
"Nhiều phụ huynh học sinh cho rằng phải đi học thêm thì mới tranh đua được, mới có cơ hội đậu được vào các trường đại học tốp trên..."

Theo chia sẻ từ thầy Ngọc, thầy ủng hộ việc dạy học thêm chính thống. Bộ Giáo dục từng ban hành quy định về dạy thêm học thêm theo Thông tư 17, đến nay các địa phương, các Sở giáo dục đều có quy định về dạy thêm rồi, cứ theo thế mà làm, còn với tình trạng dạy học thêm tràn lan, chèn ép học sinh thì phải ngăn chặn.

Thầy Ngọc cho biết thêm: “dạy học thêm cần nhìn đa chiều, nhìn từ hai phía”. Việc dạy học thêm mục đích chính của người thầy là cung cấp kiến thức cho học sinh. Qua việc dạy học thêm bản thân người thầy có thêm chuyên môn tốt, tay nghề vững vàng hơn; và thầy càng cần phải cố gắng hơn, do công sức của anh cũng được học sinh, phụ huynh trả một khoản học phí nào đó rồi”.

Nói về nguyên nhân của việc học thêm, thầy Ngọc cho rằng xuất phát từ việc thi cử còn nặng nề. Phổ biến ở các thành phố, thị trấn, thị xã lớn… đi học thêm mới đi thi được đại học. Do đại học yêu cầu cao hơn so với đề của các thầy cô giáo ra trong bài kiểm tra, nếu không học thêm thì không đậu được.

Theo kinh nghiệm của thầy thấy rằng: “phụ huynh học sinh cho rằng phải đi học thêm thì mới tranh đua được, mới có cơ hội đậu được vào các trường đại học tốp trên hoặc các trường đại học được được. Nên bây giờ phụ huynh đầu tư lắm, đầu tư hết cho con. Họ sẵn sàng học thêm hết thầy này cô kia hoặc mời thầy về tận nhà dạy kèm cho con để lấy kiến thức thi cho được. Một xã hội vào guồng thi cử, nên làm sao cải thiện được việc thi cử nhẹ nhàng, không còn áp lực nữa, đến một lúc nào đó thấy rằng chỉ cần học ở trường thôi mà không cần phải đi học thêm mà vẫn thi được thì sẽ giảm tải được tình trạng dạy thêm học thêm như hiện nay”.

Người học có nhu cầu, nên không cấm được dạy thêm học thêm? ảnh 2Một thầy giáo ở Hải Dương tổ chức dạy thêm ngay tại nhà

Lớp học thêm được tổ chức công khai và ngang nhiên ngay tại nhà riêng của một giáo viên THCS tại Hải Dương suốt bao tháng nay.

Thầy Ngọc chia sẻ: “câu chuyện dạy thêm học thêm là câu chuyện muôn thuở rồi. Nhiều giáo viên cứ nghĩ đến thu nhập, mưu sinh dẫn đến việc chèn ép học sinh học sinh nên gây bức xúc trong phụ huynh học sinh. Còn quy định của Bộ về dạy thêm học thêm thì phải thực hiện nghiêm túc, không có lí do gì mà không thực hiện hết.

Hiện nay có nhiều người có suy nghĩ như anh bác sĩ sao anh mở được phòng mạch, phòng khám tư, còn tôi là giáo viên sao không được mở lớp dạy thêm? Đó là bởi bác sĩ không bị ràng buộc đối tượng, bởi vì người ta ốm đau, người ta có nhu cầu khám chữa bệnh thì họ bỏ tiền ra chữa bệnh và anh thu tiền. Nhưng giữa giáo viên và học sinh luôn có sự ràng buộc nhất định, khi anh dạy nó lại chịu ràng buộc sức ép ngòi bút của thầy. Chẳng hạn nếu không học thêm thì tôi cho điểm thấp, hù dọa hoặc bằng hình thức nào đó. Do đó không thể so sánh được.”

Không thể cấm được dạy thêm học thêm

Cũng chia sẻ về vấn đề dạy thêm học thêm hiện nay, GS.TS Nguyễn Xuân Hãn – giảng viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội có đưa ra các nguyên nhân của tình trạng này.

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Hãn, nguyên nhân thứ nhất và quan trọng nhất là do chương trình nặng. Chương trình của chúng ta nặng hơn so với thế giới, lệch từ 1 đến 3 năm. “Với chương trình như hiện nay khẳng định nếu không học thêm thì không hiểu được, bố mẹ cũng không thể dạy hiểu được con”.

Nguyên nhân thứ hai được GS.TS Nguyễn Xuân Hãn đưa ra là do tham nhũng trong giáo dục, đặc biệt là xuất phát từ tiêu cực trong việc tuyển giáo viên. Đây là một vấn đề nhạy cảm, không phải ai cũng nói ra. Cần phải nói thêm một vấn đề là lương giáo viên hiện nay còn thấp. Một điều nữa, việc dạy thêm ở nhà trường còn gắn liền với tiền nong, với quản lý thu chi… Giáo viên trực tiếp giảng dạy chỉ được 60% tiền thu của học sinh, còn đâu nộp lại nhà trường chi cho công tác quản lý, cơ sở vật chất…

Đưa ra các nguyên nhân của việc dạy thêm học thêm hiện nay, GS.TS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng: “Từ xưa đến nay có nhiều nghị quyết về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm, tuy nhiên vẫn không khắc phục hoàn toàn được việc này. Ông khẳng định: “khẳng định không thể cấm được dạy thêm học thêm”.

“Con người ta đi học cần phải kèm cặp, ở nước ngoài họ cũng kèm cặp, chuyện đó là bình thường làm sao mà cấm được. Nhưng đó là trong sạch, còn ép học thêm lại là chuyện khác…” – GS.TS Nguyễn Xuân Hãn lí giải thêm về điều này.

Việc học thêm phải là tự nguyện chứ không phải ép buộc. Nếu như vậy thì “Dạy thêm không có gì xấu nếu dạy nghiêm túc, bởi mình cấm có được đâu”.

Đề xuất một giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm học thêm như hiện nay, GS.TS Nguyễn Xuân Hãn cho rằng: “Cần làm chương trình gọn nhẹ, tinh giản đi, giống như các nước và nên tăng lương cho các thầy cô giáo”.

Anh Minh