Sĩ số lớp học quá đông sẽ rất khó thực hiện việc đổi mới giáo dục

28/08/2019 06:03
NHẬT DUY
(GDVN) - Nếu các trường không giãn được sĩ số, nếu vẫn còn tình trạng lớp học có từ 50- 60 học sinh như hiện nay thì mục tiêu giáo dục đề ra khó mà thực hiện được.

Bước vào năm học mới, điều khiến nhiều giáo viên choáng ngợp là khi bước vào lớp học thấy sĩ số lớp học của mình dạy quá đông so với quy định của ngành.

Nỗi vất vả trong quản lý, giảng dạy, trong chấm bài cho học trò có lẽ giáo viên không sợ mà chỉ sợ những lớp học quá đông như vậy thì làm sao người thầy có thể bao quát và quan tâm hết được học trò của mình.

Thậm chí để nhớ tên hết học sinh trong lớp cũng là điều không hề dễ dàng đối với những giáo viên dạy các môn ít tiết.

Sĩ số nhiều trường học đang vượt quá quy định (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet.vn)
Sĩ số nhiều trường học đang vượt quá quy định (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet.vn)

Nhiều trường học công lập ở khu vực đô thị hiện nay có sĩ số dao động từ 48-52 học sinh/ lớp, thậm chí có những trường còn lên đến trên 60 em

Trong khi, theo quy định hiện hành ở các trường công lập thì cấp tiểu học tối đa là là 35 em/ lớp, học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông là 45 em/ lớp.

Thế nhưng, thực tế nhiều trường ở thành phố thì lại vượt qua quy định này. Bởi lẽ, lớp học đã được xây dựng gần như cố định mà sĩ số học sinh có chiều hướng ngày càng tăng bởi mật độ dân số ở những đô thị càng ngày càng cao.

Nhất là những năm gần đây thì tình trạng chạy trường vào các trường lớn ngày càng nhiều mà ngành giáo dục chưa có những giải pháp khả thi để chấn chỉnh tình trạng này. Vì thế, nhiều trường học bây giờ có sĩ số lớp nào cũng đông, khối học nào cũng lắm.

Giáo viên tất nhiên sẽ vất vả hơn rất nhiều nhưng sự thiệt thòi đương nhiên thuộc về các em học sinh học ở những lớp có sĩ số đông quá quy định cho phép của ngành.

Với thời gian quy định ở cấp tiểu học là 35 phút/ tiết, cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông 45 phút/ tiết. Trong khoảng thời gian ít ỏi đó thì giáo viên đâu chỉ có mình giảng dạy. Vào lớp còn phải ổn định trật tự lớp, kiểm tra bài cũ, giới thiệu, giảng dạy bài mới.

Sĩ số lớp học quá đông sẽ rất khó thực hiện việc đổi mới giáo dục ảnh 2Các lãnh đạo ơi, lớp vẫn còn đông lắm!

Rồi hệ thống kiến thức, căn dặn học trò làm bài tập, chuẩn bị bài mới cho tiết học sau. Vì thế nên sự quan tâm của thầy cô dành cho tất cả học trò là điều không thể nào thực hiện được.

Em nào nhanh thì tiếp thu được kiến thức bài học, em nào chỉ cần lơ là nói chuyện là mất dần kiến thức, là đuối dần về học tập.

Chúng ta đều biết, khi sĩ số lớp ít, thầy cô dễ dàng trong quản lý và giảng dạy ở trên lớp, chỉ cần một em nói chuyện là thầy cô cũng sẽ phát hiện ra.

Nhưng, lớp có 50 -60 học trò ngồi kín hết lớp chỉ cần mỗi em thì thào một vài từ cũng gây nên tình trạng mất trật tự và đương nhiên những em ngồi sau sẽ khó nghe được những lời giảng của thầy cô.

Hơn nữa, với chừng ấy con người trong một lớp học thì việc duy trì nền nếp, trật tự trong lớp là điều rất khó khăn đối với thầy cô trong quá trình giảng dạy.

Dù có lý tưởng thế nào thì trong một lớp học cũng có những em ham chơi, ham vui, ham nói chuyện. Đương nhiên, nó sẽ gây nên những phản ứng dây truyền trong lớp học.

Những thầy cô dạy các môn nhiều tiết trong tuần thì còn nhớ mặt, nhớ tên học sinh của mình dạy và quán xuyến được lớp dễ dàng hơn.

Những thầy cô dạy mỗi tuần 1-2 tiết thì giỏi lắm chỉ nhớ tên được vài em cán sự lớp, vài em học tốt và vài em hay nói chuyện trong lớp mà thôi. Còn lại, gần như không thể nhớ tên hết được học trò. Nhất là với thầy cô chỉ dạy những môn có 1 tiết/ tuần.

Khi lớp đông, tất nhiên sẽ dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không tiếp thu được kiến thức bài học và chắc chắn một điều là phải đi học thêm để học lại kiến thức đã học trên lớp.

Sĩ số lớp học quá đông sẽ rất khó thực hiện việc đổi mới giáo dục ảnh 370 trẻ trong một lớp mầm non, trông cũng không xuể, nói gì đến chăm sóc

Vì thế, càng trường lớn thì tình trạng học sinh học thêm càng nhiều. Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi, lặp lại từ nhiều năm qua.

Không đi học thêm ở những lớp học đông này thì làm sao nắm được kiến thức để kiểm tra, thi cử ở cuối học kỳ, cuối khóa học?

Nếu như sĩ số lớp  ít thì giáo viên họ có thể quan tâm đến từng học sinh trong học tập, uốn nắn, sửa cho học sinh từ những lỗi nhỏ trong các bài kiểm tra, trong lúc làm bài tập. Nhưng, với tình trạng sĩ số quá đông làm sao giáo viên có thể làm được những điều này?

Chỉ còn 1 năm học nữa là chương trình, sách giáo khoa mới sẽ được áp dụng ở tiểu học, 2 năm nữa đối với cấp trung học cơ sở và 3 năm nữa đối với cấp trung học phổ thông.

Với những mục tiêu, kiến thức và phương pháp dạy học mà Bộ đã và đang hình thành cho đội ngũ giáo viên là điều rất cần thiết để thực hiện hiệu quả lần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, nếu các trường không giãn được sĩ số, nếu vẫn còn tình trạng lớp học có từ  50- 60 học sinh như một số trường hiện nay thì mục tiêu giáo dục đề ra khó mà thực hiện được.

Giáo viên có thể tận tụy, nhiệt tình và tâm huyết đến bao nhiêu cũng sẽ bất lực trước những lớp học trên 50 học trò. Cách tổ chức các hoạt động dạy học sẽ không thể nào phát huy được hiệu quả.

Thời gian áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới không còn nhiều, hy vọng các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng quá tải về sĩ số hiện nay ở nhiều trường học.

Bởi, mục tiêu lớn nhất của chương trình mới là thay đổi cách dạy, cách học để phát triển năng lực cho học sinh mà học sinh các lớp quá đông thì làm sao “phát triển năng lực” cho học trò được?

NHẬT DUY