Tâm sự của những người “gieo chữ” ở Trường Sa

18/11/2020 05:54
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở nơi đó thấp thoáng dáng đứng của những giáo viên đang ngày đêm gieo con số, nét chữ cho những mầm non của miền đất biển - đảo.

LTS: Ra đảo từ ngày còn trẻ, giờ tóc đã nhuốm màu nhưng các thầy cô gieo chữ ở Trường Sa vẫn miệt mài với công việc của mình.

Những khó khăn, vất vả nơi đầu sóng ngọn gió đã chẳng thể ngăn những người đưa đò thầm lặng chở ước mơ, khát vọng Trường Sa vươn lên cùng tổ quốc.

Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến gần, chúng tôi xin gửi đến độc giả bài viết của cô giáo Trần Thị Huyền Trang - chuyên viên Quản lý giáo dục, Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) như một tri ân sâu sắc những người gieo chữ nơi đầu sóng.

“Trường Sa - Tiếng gọi thân thương”, mảnh đất của sự khô cằn, nắng gió nhưng rất đỗi gần gũi, yêu thương.

Ở nơi đó thấp thoáng dáng đứng của những giáo viên đang ngày đêm gieo con số, nét chữ cho những mầm non của miền đất biển - đảo.

Những học sinh ở Trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây chào mừng ngày 20/11. Ảnh: HT

Những học sinh ở Trường tiểu học xã đảo Song Tử Tây chào mừng ngày 20/11. Ảnh: HT

Vẫn còn nhớ như in ánh mắt, gương mặt háo hức khi lần đầu tiên đặt chân lên con tàu - điểm kết nối các giáo viên với miền đất cát, nắng và gió.

Bằng niềm tin, ý chí quyết tâm cống hiến hết mình, luôn gắn liền trong tư tưởng phấn đấu của các thầy, nhưng rồi lòng nặng trĩu, lo lắng bắt đầu hiện lên khi họ đặt chân tới nơi “miền đất hứa”.

Những khó khăn họ đã được nghe, được kể, được truyền đạt nó còn quá ít khi được trải nghiệm thực tế.

Tuy nhiên, họ trăn trở không phải vì thực tiễn quá khác lạ với kiến thức, không phải vì họ chùn bước, ngại gian khổ mà chính vì sự lo âu, tâm huyết với nghề.

Đó là nỗi lo của một người giáo viên cho học trò khi phải học tập trong môi trường khó khăn còn nhiều hơn cả thuận lợi, thương cho trò vì cảnh thiếu đi những đồ chơi gắn liền với tuổi thơ.

Cũng là nỗi lòng những đêm không ngủ vì thao thức suy nghĩ các phương pháp dạy học phù hợp cho từng học sinh, phù hợp với môi trường sống nơi đảo xa.

Ngày đầu mới ra đảo công tác các thầy rất nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè, nhớ người vợ hiền mới cưới còn chưa chẵn tháng, nhớ con yêu mới sinh chưa kịp ẵm vào lòng.

Nhưng gác lại trong sâu thẳm tâm hồn nỗi nhớ đó, tập thể giáo viên cùng đoàn kết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, có ý thức tự học, tự rèn để khắc phục những thiếu thốn, khó khăn.

Những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cơ sở vật chất trường học tại các xã đảo, thị trấn được trang bị khá đầy đủ, khang trang.

Những mầm non được thầy cô ươm lên nơi đầu sóng Trường Sa. Ảnh: HT

Những mầm non được thầy cô ươm lên nơi đầu sóng Trường Sa. Ảnh: HT

“Tôi rất vui và rất tự hào được dạy học ở đây. Ở đây tôi có học sinh như những người em, có phụ huynh như các anh, những đồng nghiệp như những người bạn chí cốt. Và nơi đây như là quê hương thứ hai của tôi, thầy giáo Phạm Xuân Quyết - giáo viên Trường Tiểu học xã Song Tử Tây (Trường Sa) chia sẻ.

Sinh sống và công tác tại nơi các xã, Thị trấn xa đất liền nên rất khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển trang thiết bị dạy và học.

Bên cạnh đó, học sinh hầu như không tham gia được các cuộc thi như viết chữ đẹp, giao lưu các môn học, giải toán qua mạng...

Các cuộc họp, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên do Sở tổ chức, giáo viên của huyện Trường Sa ít có cơ hội được tham gia cùng với giáo viên của các huyện trong tỉnh.

Những đợt giao lưu được diễn ra khi giáo viên được về nghỉ phép và cũng chỉ giới hạn các giáo viên của các trường huyện Trường Sa được giao lưu với nhau.

Địa lý các đảo xa nhau, thông tin liên lạc còn hạn chế, việc trao đổi chuyên môn và rút kinh nghiệm giữa các giáo viên không thực hiện được.

Giáo viên của các trường phải kiêm nhiệm nhiều việc, đồng thời dạy lớp ghép, dạy cả 2 bậc mầm non và tiểu học nên công tác giảng dạy còn gặp nhiều bất cập.

Thời tiết thất thường, tiếng ồn bên ngoài cũng ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. Môi trường sống còn hạn hẹp, tác động đến kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống của các em.

Do điều kiện đặc thù nên môn học ngoại ngữ, tin học chưa được triển khai hoặc có triển khai nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Các giáo viên dạy thêm trong khả năng của mình và có sự hỗ trợ của các chiến sĩ biên phòng. Vì vậy chất lượng môn học chưa khả quan.

Bên cạnh đó, hằng năm học sinh theo gia đình về đất liền nghỉ phép nên ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành chương trình và chất lượng học tập.

Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học thiếu thốn rất nhiều, nhất là về máy móc và đồ dùng học tập, trường, lớp xuống cấp, đèn và quạt cũng bị rỉ sét, hư hao nhiều do hơi nước muối mặn, khuôn viên trường học chưa đáp ứng, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện học sinh…

Học sinh ở Trường Sa luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc của các thầy cô. Ảnh: HT

Học sinh ở Trường Sa luôn nhận được sự yêu thương, đùm bọc của các thầy cô. Ảnh: HT

Do điều kiện đặc thù của biển đảo nên điện và nước còn hạn chế, nhiều đêm không có điện các thầy phải thắp nến ngồi coi bài cho ngày hôm sau dạy.

Ngoài việc dạy ngày 2 buổi ra, các thầy tận dụng những thời gian ngoài giờ dạy để trồng rau, nuôi gà, đánh bắt cá, dạy võ, dạy năng khiếu cho trẻ…

Khó khăn chồng lên khó khăn nhưng không làm ý chí của họ lay chuyển. “Không cực khổ…không có sung sướng; Không cố gắng…sẽ không có thành công”.

Sự quyết tâm của từng cá nhân, tinh thần đoàn kết của tập thể giúp thầy và trò vượt qua những chông gai.

Luôn yêu nghề, yêu trẻ, yêu cái nắng chói chang, cái mặn rát của muối, cát nơi đây. Ngoài nhiệm vụ thực hiện theo chương trình kế hoạch năm học, các lớp dạy võ, thổi sao, múa hát…đã và đang hình thành, nhân rộng.

Yêu nghề, yêu luôn cả con trẻ nên họ luôn công hiến hết mình, giúp cho các cháu rèn luyện sức khỏe, giảm bớt sự cách biệt quá xa giữa đất liền và hải đảo.

Vì quá yêu trẻ nên muốn làm tất cả những gì tốt nhất cho bọn nhỏ, kể cả việc phải bỏ chi phí của cá nhân ra mua từng bộ quần áo, dụng cụ dạy võ, từng cây sáo, cắt dán những bông hoa…

“Dù bạn làm công việc gì...bạn ở nơi đâu trên khắp mọi miền tổ quốc. Mỗi việc bạn làm dù chỉ là nhỏ nhất . Cũng mang lại cho quê hương thêm tươi đẹp.

Chuẩn bị rèn luyện sức khỏe để phòng chống dịch bệnh nào các bạn nhỏ”, thầy Nguyễn Bá Ngọc – giáo viên Trường Tiểu học Song Tử Tây tâm sự.

Hay những lần kết thúc kỳ nghỉ phép, các thầy lại mang ra từng món quà mà lúc đang ở đất liền họ đi quyên góp được. Nào là quần áo, đồ chơi, sách vở và có cả những cây mía, quả bưởi, buồng chuối, rau xanh, hạt giống, cây giống…

Làm việc không ngừng nghỉ, học hỏi không ngừng thôi, vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

Mong các thầy luôn vững tư tưởng là một nhà giáo “có tâm, có chí” để giúp trình độ dân trí của huyện đảo đi lên, tất cả vì “ Trường Sa thân yêu”.

TRẦN THỊ HUYỀN TRANG