Từ câu chuyện khó góp ý tới Khung trình độ quốc gia

21/02/2016 08:05
TS. Lê Viết Khuyến
(GDVN) - Theo ông Lê Viết Khuyến, những sai lầm trong trật tự ban hành văn bản khiến chuyên gia rất khó góp ý kiến cho dự thảo của từng văn bản pháp quy cụ thể.

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) liên quan tới nội dung góp ý cho Khung trình độ quốc gia mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra dự thảo.

Theo TS. Khuyến, việc góp ý càng trở nên khó khăn hơn khi trật tự ban hành văn bản không theo một quy tắc nào.

Tòa soạn xin gửi tới bạn đọc bài viết này.

Thứ tự ban hành văn bản phải qua 6 bước

Thứ nhất, định hướng cơ bản cho toàn hệ thống giáo dục (Thí dụ: Nghị quyết 29).

Thứ hai, các nghị quyết cụ thể của Chính phủ liên quan tới đổi mới hệ thống giáo dục tổng thể.

Thứ ba, thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục tổng thể để đưa vào Luật Giáo dục.
Thứ bốn, ban hành Luật Giáo dục (tổng thể).

Thứ năm, thiết kế các hệ thống giáo dục con để đưa vào các Luật (hay Đạo luật) cho các hệ thống giáo dục con (Đại học, Phổ thông, Dạy nghề,…).

Thứ sáu, ban hành các Luật (hay Đạo luật) cho từng hệ thống giáo dục con (hay phân hệ giáo dục).

Thực tế Việt Nam, trật tự ban hành các văn bản pháp quy về giáo dục rất lộn xộn, thể hiện ở hai điểm.

Thứ nhất, Luật Giáo dục đại học và đặc biệt, Luật Giáo dục nghề nghiệp đã rất tùy tiện sửa lại cơ cấu hệ thống giáo dục tổng thể vốn đã được xác lập tại Luật Giáo dục. Lý ra nếu thấy cần chỉnh sửa lại hệ thồng giáo dục cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 thì trước hết phải sửa lại chính Luật giáo dục.

Thứ hai, bản thân các Luật về Giáo dục đã chưa chuẩn, còn nhiều nhầm lẫn cần sửa ngay (vì trái với tinh thần của Nghị quyết 29; cụ thể:

Không hội nhập quốc tế, không mang tính mở) mà lại lấy những luật này để áp đặt cho Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì làm sao có thể mong có được một hệ thống giáo dục quốc dân đổi mới → ảnh hưởng tới hoạt động của hoàn hệ thống.

TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Viết Khuyến. Ảnh Xuân Trung

Tôi kiến nghị Thủ tướng chưa vội ban hành ngay khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mà nên lấy ý kiến chuyên gia rộng rãi thêm (hiện tại đã có 4 hội và hiệp hội không đồng thuận với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Bộ GD&ĐT chuẩn bị). 

Khi đã có được dự thảo hợp lý, Chính phủ cần có văn bản trình Quốc hội sửa lại cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trước hết ở Luật Giáo dục.

Tiếp theo cần chỉnh sửa tiếp nội dung ở các Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và tất cả các văn bản dưới luật khác cho phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được xác lập tại Luật Giáo dục.

Khung trình độ quốc gia của Việt Nam

Phải khẳng định việc ban hành khung trình độ Việt Nam là cần thiết, xác lập chỷ yếu theo tay nghề.

Tôi thấy quá trình chuẩn bị xây dựng khung trình độ quốc gia được hơn 2 năm. Tuy có tổ chức một số hội thảo nhưng để ra được dự thảo văn bản trình Thủ tướng thực chất chỉ tập trung cố gắng ở một số ít chuyên viên ở một số ít vụ chuyên môn, vụ bậc học. 

Nếu kỳ vọng việc xây dựng khung trình độ quốc gia phải có sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan, đại diện giới tuyển dụng, các cơ sở giáo dục – đào tạo để có sự đồng thuận cao  trong cả nước, như kinh nghiệm của nhiều nước đã làm, thì rõ ràng yêu cầu này chưa đạt. 

Từ câu chuyện khó góp ý tới Khung trình độ quốc gia ảnh 2

Dữ liệu giáo dục đang bị giấu giếm từ cấp trường đến Bộ, phản biện bằng gì?

(GDVN) - Tôi muốn nhấn mạnh một ý khác về khó khăn ở Việt Nam trong việc phản biện. Đó là tình trạng thiếu dữ liệu nghiêm trọng, không chỉ riêng ở giáo dục...

Do đó thật khó hy vọng một văn bản về khung trình độ quốc gia được soạn thảo như vậy sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Thực tế Khung trình độ quốc gia do Bộ GD&ĐT trình chủ yếu xuất phát từ hệ thống các luật và văn bản dưới luật về giáo dục hiện hành nên có chăng chỉ giúp quốc tế hiểu được mục tiêu mà Việt Nam đã và đang nhắm tới về trình độ của các văn bằng chứng chỉ. 

Không nên vội so sánh các bậc trình độ ở khung này với các cấp trình độ ở khung ASEAN, lại càng không thể so sánh với các cấp độ giáo dục ở ISCED.2011, bởi vì cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân của ta (ngay cả ở văn bản được Bộ GD&ĐT chuẩn bị) có phù hợp với ISCED 2011 đâu.

 Kinh nghiệm ở các nước, ngoài việc Nhà nước ban hành khung trình độ quốc gia, các cơ quan quản lý còn phải ban hành hàng loạt các văn bản pháp quy khác nữa để hướng dẫn các cơ sở giáo dục đào tạo triển khai khung này (có thể lấy Thái Lan là một ví dụ).

Tôi có kiến nghị, nếu chính phủ vẫn quyết định ban hành khung trình độ quốc gia do Bộ GD&ĐT trình thì trước khi ban hành cần sửa chữa những lỗi kỹ thuật.

Cùng với đó là các lỗi trong quan niệm (như các chuyên gia đã góp) và phải chấp nhận thường xuyên thay đổi nội dung của khung này cho phù hợp với thay đổi  nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và giới tuyển dụng trong nước.

TS. Lê Viết Khuyến