Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp?

29/09/2017 07:17
Duyên Hà
(GDVN) - Lên chức đấy mà bị hụt lương, lên sở, phòng thì mất phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Lên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì mất thu nhập từ dạy thêm…

LTS: Trước những nghịch lý đang diễn ra tại nơi mình trực tiếp giảng dạy, tác giả Duyên Hà - một thầy giáo công tác tại tỉnh Đồng Nai đã có bài viết phản ánh về tình trạng giáo viên giỏi không "mặn mà" trong việc lên làm quản lý.

Theo thầy, đó chỉ là tảng băng nổi, còn bao nhiêu tảng băng chìm của vấn đề chưa bị đụng tới và rất cần có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một nghịch lý đang diễn ra ở nơi tôi dạy và không ít địa phương là tình trạng giáo viên giỏi không muốn và sợ phải lên làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chuyên viên phòng, sở.

Và chính điều này đã để lọt những người có chuyên môn nghiệp vụ quản lý yếu kém và tiếp tay cho tình trạng chạy chức trong giáo dục.

Vì thế, đầu năm học này, hàng loạt trường học, hàng loạt hiệu trưởng để xảy ra tình trạng lạm thu tiền trường đến mức phải đình chỉ, làm kiểm điểm. Đó cũng chỉ là số tảng băng nổi và còn bao nhiêu tảng băng chìm chưa bị đụng tới?

Lương bất cập, khó trọng dụng người tài

Sở dĩ có thực tế này là vì chế độ lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập.

Cùng làm ngành giáo dục, nhưng chế độ lương của cán bộ quản lý, giáo viên khác nhau một trời một vực.

Vấn đề tiền lương và phụ cấp cho người giáo viên cần phải được giải quyết tốt (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn).
Vấn đề tiền lương và phụ cấp cho người giáo viên cần phải được giải quyết tốt (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn).

Lên chức đấy mà bị hụt lương, lên sở, phòng thì mất phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên. Lên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì mất thu nhập từ dạy thêm… Tính ra, người ít cũng vài ba triệu đồng, có người hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Lương một phó giám đốc Sở chưa tới 10 triệu đồng! Vậy là được lên chức, nhưng nhiều giáo viên lại tìm mọi cách để “né”. Và những người đang làm thì muốn trở về với bục giảng, bảng đen.

Anh bạn tôi được cất nhắc lên làm chuyên viên ở Phòng Giáo dục và Đào tạo cách nay chưa lâu đã một mực từ chối, xin ở lại trường tiếp tục làm phó hiệu trưởng cho bằng được.

Một người tôi quen biết khác đang làm hiệu trưởng, để xảy ra sai phạm nhỏ, không ngần ngại xin thôi chức.

Hỏi chuyện, chị cười: “Sai thì xuống, văn hóa từ chức mà!”. Cái văn hóa từ chức ấy sau này tôi mới ngộ ra là làm giáo viên, chị có tổng thu nhập gấp 3, 4 lần khi còn làm hiệu trưởng.

Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp? ảnh 2

Hiệu trưởng dùng tiền của giáo viên để tổ chức tiệc, mua quà xin từ chức

Bạn tôi đang làm phó hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long thì chọn con đường học lên cao để được ra dạy tại một trường trung học phổ thông.

Thế là thoát làm quản lý, trở lại đứng lớp.

Không ít lần, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở địa phương tôi đã thốt lên rằng:

Tìm giáo viên giỏi làm cán bộ quản lý khó quá vì chẳng ai chịu nhận, chịu làm”.

Để có người làm cán bộ quản lý, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỗ tôi không hỏi ý kiến giáo viên hoặc hỏi mà không nhận, đưa ngay quyết định ra “ép” luôn mà giáo viên vẫn thẳng thừng từ chối, không thực hiện việc điều động.

Làm đủ cách nhưng có trường năm, sáu năm vẫn khuyết phó hiệu trưởng. Cả thành phố các trường đều khuyết 1 phó hiệu trưởng là chuyện thường.

Và thế là phòng đành chữa cháy bằng việc đưa hàng loạt tổng phụ trách đội lên làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, thậm chí đưa cả người không đủ tiêu chuẩn quy định của Điều lệ trường tiểu học, mới ra trường 2 năm đã bổ nhiệm.

Và chuyện những người yếu chuyên môn, kém tay nghề quản lý tìm thời cơ “chạy chức” đã gây ra bao hệ lụy khó lường.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã từng băn khoăn, về khó khăn trong chế độ thâm niên mà các Sở nêu không chỉ xảy ra ở cấp Sở, Phòng mà ngay ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thế.

Bộ điều một cán bộ, giảng viên dạy giỏi ở các trường lên công tác ở Bộ cũng rất khó khăn như lương giảm, thâm niên cắt, gây thiệt thòi rất lớn cho những người làm công tác quản lý.

Vì thế, thời gian qua, việc chọn người thật giỏi để làm công tác quản lý nhưng không chọn được, đây là một bất cập”. [1]

Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục yếu kém và những hậu quả

Trình độ yếu kém, chạy chức chạy quyền đã gây ra hậu quả thảm hại, khó lường.

Chưa trực tiếp giảng dạy, không nắm chuyên môn, thiếu năng lực lãnh đạo nên nhà trường cứ ì ạch, chất lượng giáo dục không đảm bảo, nhiều công tác chỉ đạo sai nguyên tắc, tầm nhìn chiến lược về phát triển giáo dục bị hạn chế...

Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp? ảnh 3

Hiệu trưởng nắm quyền bổ nhiệm dân chủ sẽ không còn

Có nhiều trường hợp còn tổ chức dạy thêm cho học sinh học 2 buổi/ngày ngay tại trường, làm trái với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. [2]

Việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở địa phương tôi thật chẳng giống ai.

Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tiểu học có chuyên môn tiếng Anh, Âm nhạc mà lại dự giờ Toán, tiếng Việt, Sử, Địa… của giáo viên thì biết gì về chuyên môn.

Không nắm vững chuyên môn, yếu quản lý nên chỉ đạo sai, thiếu thuyết phục giáo viên, giáo viên không nghe nên chất lượng cứ ì ạch.

Có trường chỉ có hiệu trưởng không ai chịu làm phó hiệu trưởng, hiệu trưởng chuyên môn là tiếng Anh và thế là mọi hoạt động nhà trường về chuyên môn hầu như chẳng có.

Thực tế cho thấy, những hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chạy chức bằng mọi cách ắt sẽ gây tai hại cho nhà trường, ngành giáo dục.

Nhiều người mỉa mai rằng, "không tiêu cực thì sao lấy lại cả vốn lẫn lời của phi vụ chạy chức". Nghe mà đắng lòng, buồn thê thảm.

Làm hiệu trưởng mà không rành rẽ luật, muốn làm gì thì làm, “coi trời bằng vung” thì hậu quả nhãn tiền là điều đương nhiên.

Có không ít hiệu trưởng bảo thủ, áp công việc bắt giáo viên phải làm. Khi được góp ý một cách chân tình, thẳng thắn thì lấy quyền uy ra làm bình phong: “Tôi làm sai tôi chịu”.

Vậy đó, nhưng tới khi chỉ đạo chuyên môn sai, thu chi sai, lạm thu tiền trường lại đổ hết trách nhiệm lên giáo viên hay phụ huynh. Yếu kém là ở chỗ đó.

Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp? ảnh 4

Cần mạnh tay nếu Hiệu trưởng không tôn trọng quyền của giáo viên

Trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu khi xảy ra sự việc như trong bài viết Hiệu trưởng phải biết luật chứ không phải cứ thích là dự thu những thứ trên trời:

"Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường có báo cáo rằng, một số khoản thu trong đó có cả khoản thu bất hợp lý, là do giáo viên đưa ra, chứ không phải tự ý hiệu trưởng áp đặt.

Cho dù giáo viên đó có đề nghị bổ sung các khoản thu, nhưng nếu hiệu trưởng không thông qua thì cũng chịu.

Là hiệu trưởng anh phải biết và tuân thủ quy định chứ không phải thích là dự thảo ra những khoản thu không đúng.

Bên cạnh việc dự thảo thu sai gây bức xúc cho dân, có thể có nguyên nhân từ phát ngôn của hiệu trưởng nhà trường khiến người dân không hài lòng.

Phòng Giáo dục đã yêu cầu đơn vị tổ chức toàn thể hội nghị cán bộ giáo viên nhà trường. Kiểm điểm nghiêm túc những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong việc triển khai thực hiện các khoản thu ngoài ngân sách năm học 2017-2018.

Riêng hiệu trưởng phải nộp bản kiểm điểm cá nhân và kết quả kiểm điểm những cá nhân vi phạm trước ngày 27/9".

Vì vậy, bức xúc của phụ huynh là lẽ thường, đòi đuổi hiệu trưởng là đương nhiên. Có ai còn dám cho con mình vào học, còn tin tưởng vào cách quản lý của hiệu trưởng?

Cán bộ quản lý trường học không biết làm, yếu kém chuyên môn nên gây ra nhiều hệ lụy là điều tất yếu phải đến.

Vì sao giáo viên giỏi “sợ” lên làm sếp? ảnh 5

Đổi mới giáo dục - chuyện tử tế của những người "gieo mầm văn hóa"

Chính vì lẽ đó mà chuyện trường lớp quá tải, chạy trường, để tình trạng dạy học thêm tràn lan, lạm thu tiền trường, chất lượng giáo dục kém xảy ra triền miên…

Bên cạnh đó, bổ nhiệm tổng phụ trách đội làm cán bộ quản lý còn vướng các chuẩn của Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định Tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

Vì vậy, có không ít trường không đạt chuẩn do có cán bộ quản lý là tổng phụ trách chưa từng đứng lớp dạy học ngày nào. Vỡ chuẩn là hậu quả của việc bổ nhiệm sai quy định.

Không mặn mà làm quản lý là một thực tế không còn xa lạ với ngành giáo dục. Làm sao những bất cập trong chính sách, chế độ được giải quyết nhằm thu hút được nhiều giáo viên có tài, có tầm, tâm huyết làm cán bộ quản lý giáo dục.

Đây có lẽ là vấn đề mà cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà lần này cần phải tính tới.

Nếu không thực trạng giáo viên giỏi “sợ” làm quản lý vẫn còn diễn ra dài dài và những yếu kém của đội ngũ cán bộ quản lý thiếu chuẩn hiện nay sẽ còn gây ra nhiều nghịch lý trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/luong-phu-cap-giam-doc-so-it-hon-giao-vien-1404853705.htm

[2]http://tuoitre.vn/bac-mat-vi-hoc-them-582021.htm

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/pho-giam-doc-so-chua-toi-10-trieu-giao-vien-khong-muon-len-sep-344851.html

http://baothuathienhue.vn/dang-sau-chuyen-giao-vien-khong-muon-lam-can-bo-quan-ly-a45664.html

http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201202/Khong-man-ma-lam-quan-ly-2131503

Duyên Hà