Vợ chồng thầy Nước bám trường, nuôi trẻ dưới chân núi Pu Si Lung

16/12/2020 06:40
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ tình yêu đôi lứa thuở học trò, vợ chồng thầy Nước, cô Dòn cùng đưa nhau lên miền biên cương gieo chữ cho những em bé người La Hủ

Điểm trường mầm non Sín Chải A (trường Mầm non Pa Vệ Sử, Mường Tè, Lai Châu) nằm trên một mỏm đồi dưới chân đỉnh núi Pu Si Lung.

Những ngày cuối năm, khi những nhánh đào đầu tiên của núi rừng Tây Bắc chuẩn bị “nứt mày” cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân mới sắp về.

Giữa miền man miền đá của con đường độc đạo từ trung tâm xã Pa Vệ Sử đến với điểm trường Sín Chải A, tiếng hát ê a cất lên trong điểm trường mầm non của những đứa trẻ người La Hủ, dù chưa tròn vành tiếng phổ thông nhưng đủ phá vỡ sự im lặng của miền cao nguyên lạnh ngắt xám màu đá.

“Bây giờ có đường đi cũng khá hơn rất nhiều rồi, chỉ đôi năm trước đây, các thầy cô giáo đến với điểm trường Sín Chải A đều phải vượt qua những con dốc đá dựng đứng”, thầy giáo Nguyễn Đình Tình, Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Vệ Sử (Mường Tè, Lai Châu) cho biết.

Điểm trường Sín Chải A nhìn từ một mỏm đồi. Ảnh: LC

Điểm trường Sín Chải A nhìn từ một mỏm đồi. Ảnh: LC

Thầy giáo Tình cũng là người cùng chúng tôi đến khắp các điểm trường xa xôi, mù sương khắp xã Pa Vệ Sử.

Xã Pa Vệ Sử là một trong 6 xã vùng biên của huyện Mường Tè, nơi có đỉnh Pu Si Lung, nóc nhà cao thứ 3 của cả nước.

Cả xã Pa Vệ Sử có đến 13 điểm trường lẻ nằm dải rác trong các bản trải đều trên diện tích 244 Km2 của xã, nơi mà mật độ dân số chỉ có 6 người/km2.

Phòng học sơn màu kem còn mới nổi bật trên triền đá, phòng học của Mầm non, còn bên cạnh, căn nhà gỗ tuềnh toàng hun hút gió của trường Tiểu học.

Biết có khách đến, thầy giáo Mào Văn Nước cho các em ổn định chỗ ngồi rồi ra đón những vị khách bất ngờ.

Lúc này, cô giáo Lù Thị Dòn đang đưa một học sinh về để đưa xuống trung tâm y tế khám. Vài ngày trước, bé đã đạp phải mảnh thủy tinh vỡ...

Khi vừa có khách, cô Dòn phải đưa học sinh về nhà

Khi vừa có khách, cô Dòn phải đưa học sinh về nhà

Điểm trường mầm non Sín Chải A có 30 cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, phụ trách lớp học này là cặp vợ chồng thầy Nước, cô Dòn.

Sau những gượng gạo ban đầu vì bất ngờ gặp vị khách đến từ phương xa tới, thầy Nước cũng dần dần chia sẻ câu chuyện của đôi vợ chồng thầy giáo mầm non.

Đến năm 2020, thầy Mào Văn Nước cũng đã có 9 năm làm thầy giáo mầm non, 9 năm ấy cũng là 9 năm thầy Nước gieo tiếng hát, điệu múa trên khắp các sườn non của xã Pa Vệ Sử.

Người bạn đời của thầy Mào Văn Nước, cô Lù Thị Dòn đồng thời cũng là đồng nghiệp của thầy Nước.

Cặp vợ chồng thầy cô giáo Mầm non này 2 năm nay đã được về chung một mối, cùng công tác tại điểm trường Sín Chải A.

Chia sẻ về quyết định chọn nghề mầm non của mình, thầy Nước chỉ cười và nói ngắn gọn: “Thì mình cũng yêu trẻ rồi đến mến rồi chọn nghề thôi, lý do thì cũng không có gì lớn cả”.

Tình yêu trẻ, mến nghề mầm non của thầy Nước cũng được “lây” sang cho cho cô Dòn, người yêu thuở “thanh mai trúc mã” của mình.

Hai người cùng ở xã Bum Nưa (Mường Tè), bản có rất nhiều người Thái, hai người yêu nhau từ thủa cắp sách tới trường.

Hai vợ chồng thầy cô Mào Văn Nước và Lù Thị Dòn. Ảnh: LC

Hai vợ chồng thầy cô Mào Văn Nước và Lù Thị Dòn. Ảnh: LC

Thế rồi thầy Nước, chọn cho mình nghề mầm non, đi học trước, sau đó ra nghề, đi làm rồi “rủ” thêm người yêu mình chọn nghề.

Trước lo lắng của người yêu về sự vất vả của nghề mầm non, thầy giáo mầm non tỏ ra quyết tâm hơn: “Chồng còn làm được thì vợ cũng sẽ làm được thôi”.

Sự quyết tâm của thầy giáo mầm non trẻ, Dòn cũng vững tin hơn, rồi 2 người thành vợ thành chồng, thầy giáo Nước lên non cao dạy trẻ, lấy tiền nuôi vợ đi học mầm non.

Sau khi ra trường, Dòn lại theo chồng lên non cao làm cô giáo mầm non.

Những năm đầu, tùy lượng học sinh, mỗi người mỗi bản. Tuy cùng xã nhưng cũng phải cuối tuần vợ chồng họ mới có thể xum họp.

Từ 2017, được Ban giám hiệu tạo điều kiện, 2 người được về Sín Chải A công tác từ đó đến nay.

Nói về việc vợ chồng được cùng một bản, cô Dòn bảo mình có cảm thấy may mắn khi hai vợ chồng được gần nhau, cùng làm công việc mà cả hai đã lựa chọn.

Chỉ một chút gợn giữa họ khi phải để con ở nhà để ông bà chăm, hàng ngày được chăm cả 30 đứa con nhưng con mình không chăm được, nhất là khi cả 2 con của cô Dòn, thầy Nước cũng trong độ tuổi mầm non.

Các con ở Sín Chải A lúc giao mùa cũng ốm, cũng sốt cũng ho… tụi trẻ ở nhà cũng thế nên nhiều lúc thầy Nước phải động viên vợ cố gắng để vượt qua.

Bên trong lớp học của cặp vợ chồng Nước - Dòn.

Nói về khó khăn của nghề mầm non trên dẻo cao này, thầy Nước bảo, khó khăn thì vô vàn, từ vận động học sinh, phụ huynh đưa ra lớp, đến việc bất đồng ngôn ngữ giữa thầy và trò…

Các trẻ ở Sín Chải A hầu như ngày đầu ra lớp mới biết đến tiếng phổ thông, chưa hề biết đến lớp học hay trò chơi nào cả.

Để biết được tiếng phổ thông, nói sõi đã khó, những bài hát cho đúng nhịp còn khó hơn và đặc biệt là những bài học đầu tiên về chữ cái phổ thông.

Thế nhưng, theo chia sẻ của cô thầy, thấy các trẻ trên này còn vất vả, cùng với sự nỗ lực của 2 vợ chồng, các con đều ngoan, khỏe mạnh và tiến bộ cả 2 đều mừng. Đó không chỉ là kết quả của công việc mà là niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng nhiều con nhất Sín Chải A.

Lại Cường