Giáo viên góp ý nội dung SGK, sách giáo viên Lịch sử và Địa lí 8 - bộ Kết nối

17/09/2023 06:38
Cao Nguyên (ghi)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên cho biết sách giáo khoa và sách giáo viên Lịch sử và Địa lí 8 - phần Lịch sử, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có một số nội dung cần xem lại.

Một giáo viên dạy Lịch sử ở tỉnh Hải Dương phản ánh với người viết rằng, một số nội dung trong sách giáo khoa và sách giáo viên Lịch sử và Địa lí 8 (phần Lịch sử - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Vũ Minh Giang - Tổng Chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam) còn một số nội dung cần xem lại.

Thứ nhất, Bài 4 sách giáo khoa có nội dung: "Du nhập của văn hóa phương Tây làm xói mòn những giá trị văn hóa truyền thống ở các nước trong khu vực, gây ra sự xung đột văn hóa, tôn giáo ở nhiều nước". (Ảnh 1)

Ảnh 1 (NVCC)

Ảnh 1 (NVCC)

Giáo viên góp ý, phải viết: Sự du nhập của văn hóa phương Tây... thì câu văn mới chính xác. Bởi vì, "sự" trong ngữ cảnh Sự du nhập của văn hóa phương Tây... có tác dụng danh hóa (sự vật hóa) một hoạt động, một tính chất.

Thứ hai, Bài 9 sách giáo khoa có nhan đề: Tình hình kinh tế, văn hóa, tôn giáo trong các thế kỉ XVI-XVIII. (Ảnh 2).

Ảnh 2 (NVCC)

Ảnh 2 (NVCC)

Giáo viên góp ý, nhan đề viết như thế này là thừa chữ "tôn giáo", bởi vì trong "văn hoá" đã có "tôn giáo".

Thứ ba, Bài 16 sách giáo khoa chú thích là chùa Tây phương - Hình 16.6 (Ảnh 3) nhưng sách giáo viên lại ghi Hình 16.6 là đền Ngọc Sơn. (Ảnh 4)

Ảnh 3 (NVCC)

Ảnh 3 (NVCC)

Ảnh 4 (NVCC)

Ảnh 4 (NVCC)

Thứ tư, Bài 17 sách giáo khoa có nội dung: "Ngày 20/11, quân Pháp tiến lên Sơn Tây, qua khu vực Cầu Giấy. Quân triều đình phối hợp với quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích địch ở đây, giết chết tên chỉ huy là Ph. Gác-ni-ê...". (Ảnh 5)

Ảnh 5 (NVCC)

Ảnh 5 (NVCC)

Nhưng, sách giáo viên lại viết: "Ngày 21/12, quân Pháp tiến lên Sơn Tây, qua khu vực Cầu Giấy. Quân triều đình phối hợp với quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích địch ở đây, giết chết tên chỉ huy là Ph. Gác-ni-ê...". (Ảnh 6)

Ảnh 6 (NVCC)

Ảnh 6 (NVCC)

Như thế, sách giáo khoa và sách giáo viên ghi ngày quân Pháp tiến lên Sơn Tây không thống nhất. Theo giáo viên phản ánh, sách giáo viên viết "ngày 21/12, quân Pháp tiến lên Sơn Tây..." là đúng, còn sách giáo khoa viết không chính xác.

Thứ năm, sách giáo viên viết: "Ở Phi-líp-pin: sau khi bị thực dân Tây Ban Nha xâm nhập đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của nhân đảo Mác-tan (1521); khởi nghĩa Nô-va-lét (1823); khởi nghĩa Khơ-rút-xơ (1844),..." (Ảnh 7)

Ảnh 7 (NVCC)

Ảnh 7 (NVCC)

Giáo viên khẳng định, câu văn trên viết sai cả ngữ pháp lẫn ngữ nghĩa, diễn đạt lủng củng, không ai hiểu các tác giả sách nói gì.

Phải chăng các tác giả sách giáo khoa muốn diễn đạt: Nhân dân đảo Mác-tan ở Phi-líp-pin cùng với các cuộc khởi nghĩa như: Nô-va-lét, Khơ-rút-xơ... đã nổi dậy chống lại sự xâm lược của thực dân Tây Ban Nha?

Cần sửa lại: "Ngay khi xâm nhập Philippin, thực dân Tây Ban Nha đã vấp phải sự chống trả quyết liệt..."

Thứ sáu, sách giáo viên viết: "Học sinh nêu được kế sách "vườn không nhà trống", rút lui khỏi Thăng Long của quân Tây Sơn, xây dựng phòng thủy - bộ vững chắc, sau đó Quang Trung lên ngôi vua và tiến quân thần tốc ra Thăng Long trong dịp tết Kỷ Dậu...". (Ảnh 8)

Ảnh 8 (NVCC)

Ảnh 8 (NVCC)

Giáo viên góp ý, phải viết là: Nguyễn Huệ lên ngôi vua chứ không phải Quang Trung lên ngôi vua. Viết Tết Kỷ Dậu, không viết tết Kỷ Dậu.

Giáo viên cung cấp thêm thông tin, ngày 25/11 năm Mậu Thân (22/12/1788), trên đất Phú Xuân (Huế) đã diễn ra một sự kiện trọng đại: Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung.

Sau lễ đăng quang một ngày, ngày 26/11 năm Mậu Thân (23/12/1788), Quang Trung ra lệnh xuất quân tiến ra Bắc, đại phá quân Thanh lập nên chiến công mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 vang dội, giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Thứ bảy, sách giáo viên viết: "Các công ty độc quyền đã lũng đoạn thị trường và nền kinh tế, chi phối đời sống chính trị, xã hội các nước đế quốc... Các nước đế quốc đẩy mạnh xâm lược, khai thác và bóc lột thuộc địa. Chủ nghĩa đế quốc ra đời". (Ảnh 9)

Ảnh 9 (NVCC)

Ảnh 9 (NVCC)

Giáo viên cho biết, khi chủ nghĩa đế quốc ra đời thì mới được gọi là các nước đế quốc. Còn trước đó phải gọi là các nước tư bản.

Vậy nên phải viết: "Các nước tư bản đẩy mạnh xâm lược, khai thác và bóc lột thuộc địa. Chủ nghĩa đế quốc ra đời".

Thứ tám, sách giáo viên Bài 14 ghi nhầm mục tiêu của Bài 1. Cụ thể, Bài 14 có nội dung: Trung Quốc và Nhật Bản từ nửa sau thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX. (Ảnh 10). Còn Bài 1 là Cách mạng tư sản Anh và chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. (Ảnh 11)

Ảnh 10 (NVCC)

Ảnh 10 (NVCC)

Ảnh 11 (NVCC)

Ảnh 11 (NVCC)

Thứ chín, sách giáo viên viết: "Sau khi triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước Nhâm Tuất đồng ý giao ba tỉnh miền Đông Nam Kì cho thực dân Pháp." (Ảnh 12)

Ảnh 12 (NVCC)

Ảnh 12 (NVCC)

Giáo viên nói rằng, câu văn "Sau khi triều đình nhà Nguyễn kí hiệp ước Nhâm Tuất đồng ý giao ba tỉnh miền Đông Nam Kì cho thực dân Pháp." thiếu vị ngữ nên người đọc không thể hiểu được sự việc xảy ra sau đó là gì.

Thứ mười, sách giáo viên viết: "Trong quá trình xâm lược, triều đình không những không cùng nhân dân chống Pháp mà còn tìm mọi cách ngăn cản, đàn áp các phong trào chống Pháp của nhân dân". (Ảnh 13)

Ảnh 13 (NVCC)

Ảnh 13 (NVCC)

Giáo viên chỉ ra lỗi sai: Sách viết "Trong quá trình xâm lược, triều đình không những không cùng nhân dân chống Pháp..." thì người đọc sẽ hiểu là triều đình xâm lược.

Viết đúng phải là: "Trong thời gian bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình không những không cùng nhân dân chống Pháp...".

Giáo viên phản ánh mong rằng, các tác giả viết sách giáo khoa và sách giáo viên hãy rà soát lại những lỗi đã được góp ý để lần tái bản sau nội dung trong sách được chỉnh lí cho chính xác.

Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện góc nhìn của một giáo viên dạy Lịch sử ở Hải Dương, được tác giả Cao Nguyên ghi lại. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Cao Nguyên (ghi)