Mẹ tảo tần nuôi con học giỏi

02/04/2012 12:00
Theo Báo Thái Bình
Cứ rậm rịch bước vào mùa thi cao đẳng đại học, nhà nhà của xã Thụy An (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) lại tăng cường nhắc nhở con cháu mình: “Hãy học, hãy thi như hai đứa con nhà Yến ấy!”.
Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Chị Lại Thị Yến 46 tuổi, sinh ra và trưởng thành tại thôn An Ninh - xã Thụy Bình trong một gia đình có người cha làm cán bộ CNVC, người mẹ là nông dân.

Năm 1987, là năm 22 tuổi, chị mới xây dựng gia đình cùng anh Mai Đức Hiều ở xã Thụy An. Vào những năm này, xã Thụy An đang thực hiện chủ trương chia làng An Cố (xã xưa nay chỉ có một làng) thành 4 thôn: An Cố Bắc, An Cố Trung, An Cố Nam và An Cố Tân. An Cố Tân là thôn mới được thành  lập ở ngoài cánh đồng phía nam của xã.

Bởi thế, những hộ nào ở diện tự nguyện, hay được vận động ra đây, tuy được chia nhiều ruộng đất, nhưng phải xây dựng cơ ngơi “từ mặt nước” mà lên.

Tháng 12-1987, anh Hiều, chị Yến xin bố mẹ ở riêng, ra thôn mới. Đất ở được 1 sào 2 thước, và 7 sào ruộng để cày cấy. Những ngày đầu, anh chị phải tự đóng gạch, tự xây 2 gian nhà nho nhỏ ở tạm, để sau này thành nhà dưới. Thời kỳ lập nghiệp còn đang khó khăn, chật chội, anh chị sinh 2 cháu trai: Cháu Mai Đức Long (1988) và cháu Mai Đức Hùng (1991). Trong 7 sào ruộng, chỉ có 1 sào anh chị cố lập cao để có thể trồng được hành và thuốc lào - là nguồn ra tiền hơn lúa của dân Thụy An.

Nhờ vậy, vào những năm 1994-1997 với phương châm “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, anh chị tiếp tục vừa đóng gạch, vừa tự xây và đã xây được một nửa ngôi nhà trên, với thiết kết 4 gian. Nhưng không may đến năm 1998 anh Hiều mắc bệnh ung thư phổi. Năm 1999 anh ra đi để lại gánh nặng 2 con cho chị Yến phải tảo tần.

Với vóc dáng nhỏ nhắn, đức tính khiêm nhường ít nói, cam chịu để làm gương, làm chỗ dựa cho con, chị Yến chẳng những không quản ngại ngày đêm làm thật tốt việc nông gia như cấy lúa, trồng hành tỏi, thuốc lào, nuôi lợn, nuôi gà vịt... mà mẹ con chị còn tranh thủ đóng gạch vào lúc thời vụ cho phép để giữ vững ý chí xây nhà trên cho bằng xong. Chị còn nghĩ ngợi, tìm tòi những việc nào có thể ra tiền một cách chính đáng và bền vững.

Bởi thế chị đi  liên hệ việc móc sợi không chỉ để cho mình làm mà còn có việc cho chị em hàng xóm cùng làm. Năm 2001, chị đã xây xong ngôi nhà trên đàng hoàng. Khi thị trường hết thời móc sợi, chị lại liên hệ việc đan mây tre để mọi người tiếp tục có việc làm.

Với đức tính biết sống vì mọi người, và đã có hàng chục năm là phụ nữ xuất sắc, năm 2005, phụ nữ thôn An Cố Tân bầu chị là chi hội phó. Cũng hàng chục năm nay, chị còn tham gia vào tổ vệ sinh môi trường của thôn, với mức lương ban đầu chỉ có 70 ngàn đồng/ 1 tháng.

Những buổi tối ngồi móc sợi, đan mây tre bên hai con chong đèn học, hay những lúc ba mẹ con cặm cụi ngoài đồng, lúc đóng gạch xây nhà... chị Yến đều thủ thỉ kể về gương những người “có chí làm quan, có gan làm giàu” và “Thời nào thì người có học vẫn giúp đời được nhiều hơn!”. Bởi thế hai con của chị nuôi chí ăn học thành người ngay từ những ngày đầu cắp sách tới trường.

Trong cả quá trình học phổ thông, năm nào hai con của chị Yến cũng là học sinh giỏi. Cháu lớn Mai Đức Long thi đỗ Đại học Quân sự, đến tháng 9-2011 này sẽ ra trường. Cháu Mai Đức Hùng cũng chỉ thi lần đầu là đỗ Đại học Bách Khoa và sắp xong sinh viên năm thứ 2.

Gia cảnh “Đứt gánh giữa đường” nhưng mẹ quyết tâm, tần tảo, sáng kiến; con có chí học hành tự giác, nên hiệu quả về mặt kinh tế, đạo đức và văn hóa xã hội của gia đình chị Yến cả xã ai cũng nhìn thấy rõ ràng. Vì vậy từ năm 2006 tới nay, gia đình chị Yến được bầu là 1 trong 4 gia đình văn hóa cấp huyện của xã Thụy An. Chị Yến là tấm gương về nuôi dạy con ăn học thành người.

Tấm gương này có nét riêng là sáng dịu, có sức  hút, dễ gần gũi, dễ học theo.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Theo Báo Thái Bình