Hà Giang: Học sinh nghỉ học sau Tết ở Giàng Chu Phìn giảm nhiều so với năm 2023

20/02/2024 09:21
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong buổi học đầu tiên của năm mới Giáp Thìn, tỉ lệ trẻ và học sinh đến trường tại xã Giàng Chu Phìn cao hơn so với năm ngoái. 

Cách Quốc lộ 4C khoảng 10km, nằm sâu trong dãy núi hùng vĩ đối diện sông Nho Quế, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc, Hà Giang) hiện ra trước mắt. Trên những vách đá tai mèo cheo leo, những người dân địa phương đang cần mẫn làm nương rẫy để tra ngô...

Ngày 19/2, học sinh tại đây trở lại trường sau kì nghỉ Tết Nguyên đán. Trên những con đường, phóng viên bắt gặp cảnh học sinh đi bộ đến trường. Những đứa trẻ thì được bố mẹ đưa đi.

Cô Lùng Thị Vinh- giáo viên Điểm trường mầm non Há Đề 1 (Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc, Hà Giang) có nhà ở thị trấn Mèo Vạc cách điểm trường này khoảng 20 cây số. Trong buổi đến lớp đầu tiên của năm mới, cô dậy sớm để sắp xếp công việc nhà và cho con nhỏ ăn sáng rồi đến lớp.

gdvn_diem-truong-mam-non-ha-de-1.JPG
Điểm trường mầm non Há Đề 1 (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Đến lớp, cô quét dọn lớp học và chuẩn bị đồ đạc cho buổi học đầu tiên của năm mới được suôn sẻ.

Điểm trường mầm non Há Đề 1 có 16 học sinh. Vào ngày 18/2, cô Vinh đã gọi điện cho từng gia đình các em để thông báo về thời gian quay trở lại lớp. Sau các cuộc điện thoại, có một gia đình xin cho con nghỉ vì bị ốm. Tuy nhiên sáng 19/2, lớp vắng 6 em.

“Ngoài một em nghỉ do bị ốm, còn có 5 trường hợp khác nghỉ chưa rõ lý do. Vì vậy, chiều nay (19/2), tôi sẽ đi đến gia đình các em để tìm hiểu lý do vì sao các con nghỉ.

Hiện tại, người dân đang vào vụ tra ngô nên có thể phụ huynh cho con đi nương rẫy…”, cô Vinh chia sẻ.

gdvn_giang-chu-phin-meo-vac (2).JPG
Cô Vinh buộc tóc gọn gàng lại cho trẻ. (Ảnh Mạnh Đoàn)

Trong buổi học đầu tiên đến trường của trẻ ở Điểm trường mầm non Há Đề 1, theo quan sát của phóng viên, các em vẫn khoác trên mình những bộ quần áo cũ, da mặt đỏ ửng do thời tiết hanh khô.

Cô Lùng Thị Vinh chia sẻ, cuộc sống của người dân bản địa chủ yếu làm nương trồng ngô, trồng các loại rau… chăn nuôi bò. Ở đây, bà con không trồng được lúa do khó khăn về nguồn nước.

“Nếu gia đình nào làm ăn được trong năm thì Tết họ mới mua cho con được một đến hai bộ quần áo mới”, cô Vinh nói.

gdvn_giang-chu-phin-meo-vac (1).JPG
Trong buổi đến lớp đầu tiên của năm mới tại Điểm trường mầm non Há Đề 1, đoàn từ thiện Quỹ thiện nguyện sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đến trao quà cho các bé. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
gdvn_giang-chu-phin-meo-vac (3).JPG
Điểm trường mầm non Há Đề 1 cũng như nhiều điểm trường khác tại địa phương chưa có nhà vệ sinh, điều này ảnh hưởng phần nào đến việc học tập, giảng dạy của cô trò (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nữ giáo viên chia sẻ thêm, địa phương thuộc khu vực 3 (vùng đặc biệt khó khăn) nên các trẻ 3-5 tuổi ngoài được hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng ăn trưa, gia đình của các em còn được nhận 150 nghìn đồng x 9 tháng/năm học. Với sự hỗ trợ của nhà nước, bà con yên tâm gửi con em đến trường được chăm sóc, dạy dỗ để đi làm nương.

Nằm cách Điểm trường mầm non Há Đề 1 khoảng vài cây số là Điểm trường tiểu học Tìa Cua Si (Trường tiểu học Giàng Chu Phìn), nơi đây có hai lớp học. Cô Doãn Thị Tuyên cho hay, trong ngày học đầu tiên có một em đến lớp muộn và sĩ số của lớp ngày 19/2 là 10/12 em.

“Khoảng 8h kém, tôi thấy vắng 2 học sinh nên tôi đến nhà của hai em, lái xe máy khoảng vài phút. Đến nơi, tôi nắm được tình hình là có một em ăn tết ở nhà bà ngoại chưa về và một em đi lên nương cùng gia đình”, cô Tuyên chia sẻ.

gdvn_giang-chu-phin-meo-vac (7).JPG
Cô Tuyên hướng dẫn học sinh đánh vần. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Cô Tuyên chia sẻ thêm, với trường hợp nam sinh đi lên nương cùng gia đình, em này còn phải trông đứa em khoảng ba tuổi cho bố mẹ.

Trước đó, giáo viên đã gọi điện cho cán bộ thôn xóm để thông báo cho phụ huynh về thời gian quay trở lại lớp.

“Vào đầu năm học và dịp đầu xuân, chúng tôi đều phải đến vận động gia đình cho con em quay trở lại trường. Khi giáo viên đến nhà vận động, hôm sau phụ huynh cũng cho con đến học”, cô Tuyên chia sẻ.

gdvn_giang-chu-phin-meo-vac (6).JPG
Các em học sinh ôn luyện bài đã học. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo nữ giáo viên, cuộc sống của người dân nơi đây còn khó khăn nhưng nhiều gia đình đã ý thức được việc học của con cái. Họ cố gắng cho con em học hết lớp 12 để sau này con đi làm công ty hoặc học nghề mưu sinh.

Ông Nguyễn Gia Giang, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân xã Giàng Chu Phìn cho biết, trước Tết, các cán bộ tại địa phương cũng đã thông báo về lịch nghỉ Tết cho gia đình học sinh và ngày đi học lại sau Tết là 19/2.

Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, địa phương đã cho các trường, điểm trường rà soát số lượng học sinh quay trở lại học tập và lập danh sách gửi lên Ủy ban nhân dân xã. Đến sáng 19/2, tỉ lệ học sinh tiểu học đến trường đạt khoảng 74,24%, với học sinh trung học cơ sở đạt hơn 60%.

So với kì nghỉ Tết năm ngoái, năm nay tỷ lệ học sinh trở lại trường cao hơn. Để đạt được điều đó, địa phương đã giao các cán bộ phụ trách thôn bản và nhà trường chủ động đến vận động gia đình.

“Năm nay, một số thôn bản được phủ sóng công nghệ thông tin nên việc vận động cũng dễ dàng hơn. Dự kiến đến chiều ngày 20/2, các học sinh sẽ đi học đầy đủ”, ông Nguyễn Gia Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân xã Giàng Chu Phìn chia sẻ.

Mạnh Đoàn