HV Báo chí và Tuyên truyền cơ bản hoàn thành tiêu chí trở thành trọng điểm ngành

18/01/2024 06:25
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo lãnh đạo nhà trường, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, có đề xuất sẽ có khoảng 18 - 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Hiện, danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030 đang nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều cơ sở giáo dục đại học. Ở lĩnh vực Báo chí, truyền thông hiện đang có Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đề xuất trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Lộ trình phát triển thành cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền thông tin: Ngày 15/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công khai “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" để các cơ sở góp ý. Đây là một trong những văn bản quan trọng của ngành giáo dục nhằm tiếp tục phát triển căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của của Ban Chấp hành Trung ương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: website nhà trường)

Ở lĩnh vực Báo chí, truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đề xuất trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia. Theo Phó Giám đốc Học viện điều này không phải mới mà thực tế đây là sự kế thừa, tiếp nối tất yếu của Quyết định 910/TTg-KGVX ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý phê duyệt Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào danh sách các trường đại học xây dựng thành trường đại học trọng điểm của mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Cũng theo cô Giang để chuẩn bị cho lộ trình này, trong thời gian qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tập trung làm tốt các nội dung:

Rà soát bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo của nhà trường;

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đặc biệt chất lượng đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông nói riêng. Trong hai lần về thăm Học viện, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đều nhấn mạnh điều này. Đặc biệt, trong lần làm việc riêng về đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực báo chí, truyền thông của Học viện (vào tháng 9/2023), đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh Học viện là cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông trọng điểm của Đảng, Nhà nước và ngành;

Nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống xã hội;

Chủ động kiểm định các chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đào tạo lần 2 (đạt kết quả xuất sắc), đặc biệt là các ngành thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông. Các năm tiếp theo, Học viện xây dựng kế hoạch để kiểm định khu vực và quốc tế đối với một số ngành trọng điểm của nhà trường, trong đó có nhóm ngành thuộc lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Bên cạnh đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chú trọng đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ dạy, học: Đảm bảo diện tích, không gian của nhà trường theo quy định của Luật Giáo dục đại học; cảnh quan, môi trường sư phạm theo quy định hiện hành; tiện ích cho người học (căng tin, phòng đọc, nhà gửi xe, thư viện số...); trang thiết bị, cơ sở vật chất; chương trình, giáo trình phục vụ học tập; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chuyển đổi số trong tổ chức quản trị và liên kết đào tạo cả trong nước và quốc tế; hợp tác quốc tế trên cả hai lĩnh vực là đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đề xuất tới năm 2030 phát triển thành trường trọng điểm ngành quốc gia. (Ảnh: website nhà trường)

Học viện Báo chí và Tuyên truyền được đề xuất tới năm 2030 phát triển thành trường trọng điểm ngành quốc gia. (Ảnh: website nhà trường)

Sáp nhập Viện Báo chí và Khoa Phát thanh và Truyền hình thành Viện Báo chí - Truyền thông

Ngày 12/01/2024, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tổ chức Lễ Công bố và trao Quyết định sáp nhập hai đơn vị Viện Báo chí và Khoa Phát thanh - Truyền hình thành Viện Báo chí - Truyền thông.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, việc sáp nhập Viện Báo chí và Khoa Phát thanh và Truyền hình thành Viện Báo chí – Truyền thông cũng là một trong những nội dung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn trường trọng điểm ngành quốc gia.

“Sáp nhập 2 đơn vị để có một nguồn lực mạnh, đủ năng lực để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo lĩnh vực này. Ngoài ra còn tham mưu cho Đảng, Nhà nước chính sách về báo chí, truyền thông, công tác tư tưởng trong thời gian tới.

Xu hướng tích hợp trong đào tạo đang được các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế tích cực triển khai nhằm đảm bảo về nguồn lực, tính bao quát trong mỗi chương trình đào tạo. Viện Báo chí – Truyền thông sau khi được thành lập là căn cứ quan trọng để rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chương trình đào tạo hiện nay”, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang phụ trách Viện Báo chí – Truyền thông đến khi kiện toàn vị trí viện trưởng. (Ảnh: website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang phụ trách Viện Báo chí – Truyền thông đến khi kiện toàn vị trí viện trưởng. (Ảnh: website nhà trường)

Cũng theo cô Giang, đây là cơ hội để nhà trường tiếp tục hoàn thiện chương trình đào tạo bằng cách khắc phục những hạn chế của chương trình hiện nay, tích hợp những ưu thế của xu hướng đào tạo và nhu cầu thị trường lĩnh vực báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.

Quy hoạch các trường trọng điểm là cần thiết để tạo bước đột phá, tiên phong trong giáo dục

Dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.

Theo Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nếu tính theo nguồn lực hiện tại, Học viện có thể đào tạo gần 4.000 chỉ tiêu tuyển sinh 1 năm cho các lĩnh vực, riêng lĩnh vực báo chí, truyền thông trên 1.500 sinh viên. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Học viện giữ ổn định quy mô đào tạo các ngành mỗi năm là 2.500 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, trong đó lĩnh vực báo chí, truyền thông ổn định khoảng 1.000.

Quy mô đào tạo này đảm bảo cho chất lượng đào tạo, nguồn lực chung và cùng lúc thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ khác nhau mà nhà trường có chức năng, nhiệm vụ.

Trong thời gian tới, Học viện tiếp tục giữ vững quy mô đào tạo như hiện nay, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo, kiểm định các chương trình trong đó có các chương trình lĩnh vực báo chí, truyền thông để tiến tới kiểm định khu vực và quốc tế.

So với hướng phát triển của bản “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", Học viện đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn đề ra.

Theo xu hướng đào tạo hiện nay của thế giới, các trường luôn mong muốn mình có một thứ hạng nào đó để cạnh tranh tuyển sinh.

“Tôi cho rằng một sự cạnh tranh lành mạnh là xu hướng tốt để các trường cùng nâng cao chất lượng đào tạo. Còn với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cơ sở đào tạo với 62 năm truyền thống, với sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, công tác tư tưởng cho Đảng, Nhà nước thì đây sẽ là cơ hội để Học viện tiếp tục vươn lên khẳng định những giá trị cốt lõi của mình trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực báo chí, truyền thông, công tác tư tưởng.

Bản Dự thảo này là một trong những văn bản quan trọng của ngành giáo dục nhằm tiếp tục phát triển căn bản, toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của của Ban Chấp hành Trung ương. Việc quy hoạch các trường trọng điểm như trên là cần thiết để tạo bước đột phá, tiên phong trong giáo dục, đúng với tính chất trọng điểm”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang nêu quan điểm.

Danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030. (Ảnh chụp màn hình)

Danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia đến năm 2030. (Ảnh chụp màn hình)

Bên cạnh đó, theo cô Giang cùng với việc quy hoạch này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kiến nghị về cơ chế, chính sách để các trường thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Nhật Lệ