Trong khuôn khổ Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025 tại khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, có gần 160 gian tư vấn trực tiếp của các cơ sở giáo dục. Tại đây, các em được gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với đại diện trường mà mình quan tâm.

Theo ghi nhận của phóng viên, các gian tư vấn của những trường có khối ngành khoa học công nghệ, vi mạch bán dẫn luôn chật kín thí sinh đến tìm hiểu, cho thấy sức hút mạnh mẽ của những lĩnh vực đang được nhà nước ưu tiên đầu tư.

gdvn-cmc2.jpg
Gian tư vấn của Trường Đại học CMC đông kín học sinh, phụ huynh đến tìm hiểu. Ảnh: Ngọc Huyền

Ghi nhận tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025, gian tư vấn của Trường Đại học CMC thu hút đông đảo học sinh và phụ huynh đến tìm hiểu thông tin, đặc biệt là về các nhóm ngành công nghệ, thiết kế vi mạch bán dẫn và digital marketing - những lĩnh vực đang có sức hút mạnh mẽ và là xu hướng nhân lực tương lai.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC bày tỏ, thầy khá bất ngờ khi số lượng thí sinh quan tâm đến các khối ngành khoa học công nghệ, vi mạch bán dẫn lại đông đến vậy. Rất nhiều học sinh chủ động đặt câu hỏi chi tiết về chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp, tổ hợp xét tuyển và điểm chuẩn dự kiến của từng ngành. Một trong những mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh và học sinh là làm sao chọn được ngành học vừa phù hợp, vừa có tiềm năng nghề nghiệp ổn định trong tương lai.

gdvn-cmc5.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học CMC chia sẻ tại gian tư vấn. Ảnh: Ngọc Huyền

Dự đoán về điểm chuẩn năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng cho biết, điểm chuẩn năm nay có thể thấp hơn năm ngoái một chút. Tại Trường Đại học CMC, với các khối ngành công nghệ, khi xét tuyển sử dụng tổ hợp có môn Toán thì môn Toán sẽ nhân đôi. Ở những khối ngành khác, nhà trường áp dụng nhân đôi điểm môn Toán hoặc Văn, tùy theo tổ hợp. Nhìn chung, đa phần các ngành/chương trình đào tạo đều liên quan tới môn Toán.

"Chúng ta đều biết điểm trung bình môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp năm nay đạt 4,78 - thấp hơn so với các năm trước. Do đó, dự đoán điểm chuẩn tại Trường Đại học CMC có thể giảm nhẹ, khoảng 0,5 đến 1 điểm so với năm ngoái.

Thông thường, thí sinh đạt từ 6 điểm mỗi môn là đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường. Tuy nhiên, điểm chuẩn còn phụ thuộc vào tổng lượng hồ sơ đăng ký, nên các em cần theo dõi kỹ và có chiến lược đặt nguyện vọng phù hợp.

Năm nay, các khối ngành như công nghệ thông tin và thiết kế vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học CMC đang dẫn đầu về lượng hồ sơ quan tâm. Đây cũng là hai ngành được nhà trường dự báo có điểm chuẩn dao động trong khoảng 7,5 đến 8 điểm/môn trong kỳ tuyển sinh 2025", thầy Tùng dự đoán.

gdvn-cmc4.jpg
Thí sinh đến gian tư vấn tìm hiểu về các ngành công nghệ thông tin. Ảnh: Ngọc Huyền

Trước sự thay đổi này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng đã có những lời khuyên về cách đăng ký xét tuyển hiệu quả. Thầy Tùng khuyến khích thí sinh chia nguyện vọng thành ba "phân khúc": nhóm đầu là những trường/ngành mơ ước, nhóm giữa gồm các trường có chương trình đào tạo thực tiễn, phù hợp năng lực, còn nhóm cuối nên là những lựa chọn an toàn theo xu hướng chung.

Theo thầy, việc định hướng xét tuyển không chỉ dựa trên sở thích mà cần bám sát năng lực học tập, xu hướng phát triển của ngành nghề cũng như nhu cầu xã hội. Trong đó, nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật và bán dẫn là những lĩnh vực đang được nhà nước ưu tiên đầu tư mạnh, với chiến lược rõ ràng trong phát triển nhân lực chất lượng cao.

Năm 2025, Trường Đại học CMC ra mắt thêm 6 ngành/chương trình đào tạo mới trên tổng số 17 ngành/ chương trình đào tạo hiện tại. Những ngành mới này đều tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, có nhu cầu nhân lực lớn và phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia, như AI, bán dẫn, logistics hay marketing số.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, nhà trường mở ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) như một bước phát triển tách biệt từ ngành Khoa học máy tính. Đây là ngành mũi nhọn được đầu tư riêng để đáp ứng tốc độ phát triển của công nghệ và nhu cầu nhân lực trong giai đoạn tới.

Tiếp đó là ngành Kỹ thuật phần mềm, được cập nhật với nội dung tích hợp AI - xu hướng mới trong đào tạo công nghệ thông tin. Ngành Digital Marketing cũng được mở ra, thay thế cho ngành Marketing trước đó với định hướng tích hợp công nghệ số trong toàn bộ chương trình đào tạo.

Ngoài ra, nhà trường mở thêm các ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Đồ họa game và Robot thông minh - những lĩnh vực đang phát triển nhanh, thu hút sự quan tâm từ thị trường lao động lẫn giới trẻ. Các ngành thiên về thiết kế như Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang cũng đang được rà soát để cập nhật chương trình và mở rộng đào tạo trong năm nay.

gdvn-cmc3.jpg
Phụ huynh trao đổi với giảng viên Trường Đại học CMC về ngành học. Ảnh: Ngọc Huyền

Về học phí, thầy Tùng cho biết, Trường Đại học CMC hiện có hai hệ đào tạo: hệ chuẩn và hệ quốc tế (giảng dạy bằng tiếng Anh). Học phí trung bình từ 18 - 26 triệu đồng mỗi học kỳ. Tuy nhiên, nhà trường có nhiều gói học bổng từ 50% đến 100% dành cho học sinh khá giỏi, học sinh thuộc diện ưu tiên hoặc có thành tích nổi bật.

Đối với nhóm ngành vi mạch bán dẫn, học phí có thể “nhỉnh” hơn các ngành khác, nhưng không chênh lệch quá nhiều. Theo thầy Tùng, lý do là vì chi phí đầu tư cho đào tạo ngành này rất cao.

“Việc đào tạo bán dẫn không giống như các ngành thông thường. Chúng tôi phải đầu tư vào phòng thí nghiệm hiện đại, thiết bị chuyên dụng đắt đỏ và đội ngũ giảng viên chất lượng cao, trong đó có cả chuyên gia nước ngoài. Đây là giai đoạn nhà trường tập trung vào chất lượng nên học phí phản ánh phần nào chi phí thực tế,” thầy Tùng nói.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, Trường Đại học CMC cũng đặt mục tiêu phát triển toàn diện để từng bước vươn lên trong hệ thống giáo dục đại học. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, nhà trường đang đặt mục tiêu vào bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings). Dù là trường mới thành lập được 3 năm nhưng nhà trường đã có lộ trình cụ thể để đạt được mục tiêu này.

“Chúng tôi không chạy theo những bảng xếp hạng có tính thành tích. Trường hướng tới những bảng xếp hạng thực chất, phản ánh năng lực đào tạo, chất lượng đội ngũ, năng lực nghiên cứu khoa học và khả năng gắn kết với doanh nghiệp,” thầy Tùng chia sẻ.

Hiện tại, nhà trường đang tập trung vào ba yếu tố then chốt: phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao; xây dựng chương trình đào tạo sát thực tiễn, theo chuẩn quốc tế; và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ học tập và nghiên cứu. Song song, các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học và sản phẩm ứng dụng thực tiễn cũng sẽ là cơ sở để CMC ghi tên mình vào bảng xếp hạng trong tương lai.

gdvn-cmc1.jpg
Trường Đại học CMC đặt mục tiêu ghi tên vào bảng xếp hạng QS. Ảnh: Ngọc Huyền

Tại ngày hội, Trường Đại học CMC huy động đông đảo giảng viên, trưởng khoa và giám đốc các chương trình đào tạo trực tiếp tham gia tư vấn. Đây là lực lượng nắm rõ chương trình giảng dạy, có khả năng tư vấn sát với nhu cầu và định hướng của học sinh. Tại ngày hội, các thí sinh tập trung đặt câu hỏi về nhóm ngành công nghệ, digital marketing và đặc biệt là vi mạch bán dẫn cho thấy xu hướng chọn ngành năm nay nghiêng mạnh về các lĩnh vực khoa học công nghệ.

“Chúng tôi luôn nhấn mạnh vai trò của môn Toán trong tuyển sinh, nhất là với các ngành kỹ thuật, công nghệ. Việc nhân đôi điểm môn Toán trong xét tuyển cũng là cách để định hướng thí sinh đầu tư đúng trọng tâm, phù hợp với yêu cầu ngành học,” thầy Tùng nói thêm.

Không chỉ riêng Trường Đại học CMC, tại các gian tư vấn của các trường như Đại học Phenikaa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đều thu hút đông đảo thí sinh đến tìm hiểu về khối ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, vi mạch bán dẫn.

gdvn-phenikaa.jpg
Phụ huynh tìm hiểu về các ngành học để hỗ trợ con đăng ký nguyện vọng tại gian tư vấn Đại học Phenikaa. Ảnh: Ngọc Huyền

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương - Phó trưởng khoa, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Đại học Phenikaa chia sẻ: "Nhà trường đã cử đông đảo giảng viên, lãnh đạo các khoa cùng sinh viên tình nguyện đến tham gia tư vấn tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển năm nay. Điều đáng mừng là sự quan tâm của phụ huynh và học sinh dành cho các ngành khoa học, công nghệ đang gia tăng rõ rệt.

Năm nay có một sự chuyển dịch thấy rõ, đó là các khối ngành khoa học công nghệ thu hút rất đông thí sinh đăng ký xét tuyển và tìm hiểu. Đây là một tín hiệu rất tốt. Sự thay đổi này có thể đến từ tác động tích cực của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".

Thầy Hương nhận định, Nghị quyết này không chỉ xác định rõ vai trò then chốt của khoa học công nghệ đối với phát triển đất nước, mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nhận thức của học sinh và phụ huynh. Các bạn học sinh có thể đã nhận thức được rằng những ngành này là các ngành chiến lược, được nhà nước quan tâm nhiều, đầu tư nhiều.

Đặc biệt, các ngành công nghệ vật liệu, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo vốn là những lĩnh vực mũi nhọn trong chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao đang ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển và tìm hiểu thông tin tại ngày hội.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương cũng nhấn mạnh rằng, để đào tạo tốt các ngành “hot” này, cơ sở giáo dục cần phải đảm bảo nhiều yếu tố then chốt như đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống phòng thí nghiệm đầy đủ và hơn hết là cam kết về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Đó cũng là các yếu tố thí sinh nên cân nhắc để lựa chọn cơ sở đào tạo khi điền nguyện vọng.

Bên cạnh đó, khi chia sẻ về cách lựa chọn nguyện vọng hiệu quả, thầy Hương cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất là thí sinh phải xác định được ngành học mà mình thực sự yêu thích, có đam mê và thế mạnh. Chỉ khi học đúng ngành phù hợp, thí sinh mới có thể phát huy tốt năng lực, từ đó nâng cao khả năng trúng tuyển và học tập hiệu quả.

gdvn-nvh.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Viết Hương - Phó trưởng khoa, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Đại học Phenikaa. Ảnh: Ngọc Huyền

"Ngoài ra, việc lựa chọn trường đại học cũng cần đặt trong mối tương quan với chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất. Đặc biệt đối với các ngành công nghệ, thí sinh nên chú trọng đến điều kiện thực hành và nghiên cứu của trường. Nếu các bạn học về công nghệ mà không được nghiên cứu, không được thực hành thí nghiệm thì rất khó để phát huy năng lực thực sự.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ cần người học giỏi lý thuyết mà còn đòi hỏi ứng viên phải có kỹ năng thực hành, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Vì vậy, chọn ngành phù hợp, chọn trường có điều kiện đào tạo tốt và gắn liền với thực tiễn là những nguyên tắc quan trọng mà thí sinh cần ghi nhớ khi điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng xét tuyển", thầy Hương nhấn mạnh.

Gian hàng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng ghi nhận số lượng lớn thí sinh đến tìm hiểu. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đức - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, lượng thí sinh đến tư vấn tăng rõ rệt so với ngày hội tư vấn tuyển sinh tháng 3/2025 vừa qua.

Theo thầy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định không còn hình thức xét tuyển sớm khiến thí sinh càng chú ý hơn đến việc quy đổi các phương thức xét tuyển về cùng một thang điểm 30. Điều này thúc đẩy nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết, đặc biệt về các tổ hợp, cách tính điểm và chiến lược điền nguyện vọng.

gdvn-thd.jpg
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tiến Đức - Phó Trưởng phòng, Phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) trao đổi với phụ huynh tại buổi tư vấn. Ảnh: Ngọc Huyền

Về xu hướng lựa chọn ngành, các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học vẫn nhận được sự quan tâm ổn định từ thí sinh. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành khoa học ứng dụng như Toán - Tin, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ khoa học vật liệu, Công nghệ sinh học và đặc biệt là chương trình đào tạo về Công nghệ bán dẫn.

"Thống kê của trường cho thấy, năm nay số lượng hồ sơ xét tuyển thẳng vào trường tăng 140% so với năm ngoái. Số lượng nguyện vọng đăng ký vào bốn phương thức tuyển sinh cũng tăng gần gấp đôi.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2025 của trường là 2.435 - tăng gần 600 so với năm trước. Trong đó, ngành Công nghệ bán dẫn thuộc Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu ghi nhận số lượng nguyện vọng xét tuyển cao nhất. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho ngành này được đặt ở mức cao", thầy Đức cho biết.

Về phương án đăng ký nguyện vọng, thầy Đức khuyến nghị thí sinh nên xếp ngành yêu thích nhất ở nguyện vọng 1, tiếp đó là các nguyện vọng "an toàn" hơn để dự phòng. Với những thí sinh có điểm cao, có thể mạnh dạn đăng ký các ngành ‘hot’, nhưng vẫn cần có chiến lược xét tuyển thực tế, tránh rủi ro.

Dự báo về điểm chuẩn năm nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiến Đức cho biết điểm trúng tuyển của các ngành top đầu có thể giữ mức tương đương năm ngoái. Một số ngành tầm trung có thể giảm nhẹ, nhưng sẽ không chênh lệch quá lớn.

Một số hình ảnh khác tại ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2025:

gdvn-1-6973.jpg
gdvn-2-5315.jpg
gdvn-07.jpg
gdvn-04.jpg
gdvn-05.jpg
Ngọc Huyền