LTS: Bày tỏ những suy nghĩ về tỉ lệ khen thưởng ở bậc tiểu học vẫn rất cao, tác giả Thuận Phương đã đưa những lí giải và bí quyết để có được nhiều học sinh xuất sắc như vậy.
Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ về nguyên nhân cốt lõi của vấn đề trên hoàn toàn không phải lỗi ở Thông tư 22 như một số người nhận định.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2016-2017 tỉ lệ học sinh tiểu học được khen thưởng vẫn rất cao.
Việc quá nhiều học sinh được khen thưởng đã kéo theo việc tuyển sinh vào lớp 6 thời gian qua ở nhiều trường tiểu học gặp khó khăn. Một số cán bộ quản lý và giáo viên cho rằng: “Thông tư 22 vẫn chưa giải quyết được hạn chế của Thông tư 30 nên tình trạng loạn khen vẫn xảy ra nhiều như vậy”.
Hình ảnh minh họa về vấn đề thi đua - khen thưởng trong ngành giáo dục (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Với cách nhìn, sự hiểu biết của “người trong cuộc”, người viết bài này không đồng ý với những suy nghĩ và nhận định trên. Bởi, Thông tư 22 cơ bản đã đưa ra một số sửa đổi mang tính tích cực về khen thưởng học sinh so với Thông tư 30 ban hành trước đó.
Điểm mới của Thông tư 22 về khen thưởng
Điều 16 về khen thưởng của Thông tư 22 nêu rõ, học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện; kết quả đánh giá các môn học đạt hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm các môn học đạt từ 9 điểm trở lên.
Điểm nổi bật của Thông tư 22 đã quy định rõ ràng hơn về tiêu chí để khen thưởng học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện.
Cùng thời điểm ra đời của Thông tư 22, các Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đồng loạt tổ chức tập huấn cho giáo viên cách ra đề kiểm tra theo tinh thần mới của Thông tư 22 là 4 mức độ so với 3 mức độ trước.
Nếu các trường thực hiện đúng, các giáo viên làm đúng theo chỉ đạo của việc ra đề theo tinh thần Thông tư 22 thì việc học sinh đạt được 9 điểm trở lên trong bài kiểm tra (Toán, tiếng Việt, Anh văn, Khoa, Sử, Địa…) không phải đơn giản. Những học sinh này phải đặc biệt xuất sắc ở tất cả các môn học, và như thế, lớp nhiều nhất cũng chỉ có vài em đạt xuất sắc, lớp ít có khi chẳng có em nào.
Nhưng trong thực tế hiện nay, hầu như các trường tiểu học trong cả nước một lớp vẫn có hàng chục em xuất sắc. Bởi thế, lỗi không thể thuộc Thông tư mà lỗi thuộc về những cá nhân, nhà trường thích hư danh và hám thành tích.
Bí quyết để có nhiều học sinh xuất sắc
Không ít đồng nghiệp ở nhiều nơi thường bật mí những bí quyết để có nhiều học sinh xuất sắc. Bài viết này xin đưa ra một số cách phổ biến được nhà trường và thầy cô sử dụng.
Thứ nhất: ngoài việc giảng dạy, giáo viên còn có trách nhiệm ra đề kiểm tra để đưa lên nhà trường sử dụng làm ngân hàng đề thi cho học sinh mỗi khi tổ chức thi.
Nhiều giáo viên đã xin đồng nghiệp cùng khối những đề đã ra, đặc biệt những câu hỏi, bài tập dạng khó (mức 4) và tập hợp lại để ôn luyện cho học sinh trong các buổi học thêm.
Để trò nắm chắc kiến thức, nhớ lâu cách làm, thầy cô cứ ôn tập hoài ôn tập mãi cho các em thuộc làu những đề ôn ấy. Thế là khi vào kì thi phần lớn đề ra đều trúng tủ. Thế mới có chuyện không ít em học ở lớp luôn bị giáo viên nhắc nhở vì học yếu nhưng khi thi, nhiều em đạt điểm 9, 10 mà chẳng ai thấy bất ngờ.
"Thực thực, hư hư" chuyện khen thưởng cuối năm ở cấp Tiểu học |
Thứ hai: có những trường học sau khi tổ chức thi cho học sinh nhưng kết quả bài thi lại không như mong muốn nên nhà trường đã quyết định cho toàn bộ học sinh thi lại lần hai và hủy kết quả lần thi thứ nhất.
Rút kinh nghiệm, đề ra lần hai có phần dễ hơn hoặc được giáo viên trực tiếp gợi ý nên kết quả các em đạt được thường ở mức cao nhất.
Thứ ba: một số giáo viên dạy thêm tìm mọi cách để những học sinh đang theo học phải đạt kết quả thi tốt. Một lớp có 50 em nhưng có tới 40 em đi học thêm.
Thế rồi, khi các đồng nghiệp chấm bài thi, họ thường vận dụng mối quan hệ thân thiết hoặc phương thức trao đổi “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại” để cùng nhau “nới lỏng vòng tay chấm điểm” đôi bên cùng có lợi. Bằng phương thức này, ai muốn bao nhiêu học sinh xuất sắc chẳng được.
Thứ tư: nhiều Phó hiệu trưởng rất lười trong việc đổi mới đề thi để cập nhật kiến thức mới. Họ thường xuyên xin đề trường bạn hoặc dùng lại những đề thi cũ nên chuyện lộ đề là chuyện bình thường.
Chưa kể việc có Ban giám hiệu dùng chính đề thi của toàn trường để ôn tập cho con cháu của mình làm trước ở nhà, và chính những học sinh này lên kể lại với thầy cô, và các bạn cùng lớp.
Những nguyên nhân cốt lõi trên, việc loạn học sinh xuất sắc hoàn toàn không phải lỗi Thông tư 22 như một số người nhận định. Để hạn chế tình trạng này, không ai khác chính là nhà trường và từng giáo viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói không với bệnh thành tích và lợi ích của mỗi cá nhân để làm việc một cách công tâm, đánh giá học sinh một cách công bằng và khách quan nhất.