Giáo sư Lâm Quang Thiệp: nhóm nắm quyền lực là lực cản của tự chủ đại học

01/12/2020 06:31
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Lâm Quang Thiệp đồng tình với nhận định: "Lợi ích của “nhóm đang giữ quyền” trở thành thế lực cản trở mạnh mẽ hoạt động tự chủ”.

LTS: Tự chủ đại học là một chủ đề có lẽ được đề cập đến nhiều nhất trong cộng đồng giáo dục đại học vào những năm gần đây.

Để hiểu rõ hơn về sự phát triển của chủ đề này trên thế giới và ở Việt Nam đồng thời nhìn nhận một số lực cản của việc triển khai chính sách tự chủ đại học vào thực tiễn giáo dục đại học nước ta, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phóng viên: Tự chủ đại học là một chủ đề không hề mới, nó được nói đến rất nhiều trên thế giới và ở nước ta, và chắc sẽ còn được bàn cãi tiếp tục, Giáo sư có thể cho biết, tự chủ đại học trên thế giới và Việt Nam xuất hiện từ bao giờ?

Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Các loại nhà trường, phần lớn liên quan đến nhà nước và tôn giáo, đã ra đời trên thế giới cách đây khoảng ba nghìn năm.

Tuy nhiên, khi xác định thời điểm ra đời của trường đại học, các nhà nghiên cứu lịch sử giáo dục đại học phương Tây đã thống nhất với nhau rằng khi nào xuất hiện loại nhà trường có quyền tự chủ (đối với nhà nước và tôn giáo), thì xem như bắt đầu có trường đại học [1].

Ở châu Âu đó là vào khoảng thế kỷ thứ 12, với trường Bologna ở Ý và một số trường khác ở Anh, Pháp. Sau đó khái niệm tự chủ đại học được nhắc đến nhiều nhất với sự ra đời của đại học kiểu Humboldt vào đầu thế kỷ 19 ở Đức, với các tiêu chí: tự chủ, tự do học thuật và gắn kết giữa giảng dạy với nghiên cứu [2].

Vận dụng kinh nghiệm quốc tế, trong thập niên đầu đổi mới sau năm 1986 ở nước ta, khái niệm quyền tự chủtrách nhiệm giải trình của trường đại học đã được đưa vào Luật Giáo dục đầu tiên năm 1998. Để đảm bảo thực thi các khái niệm đó trong các cơ sở giáo dục đại học, thực thể Hội đồng trường được đưa vào Điều lệ trường đại học đầu tiên năm 2003.

Sau đó, trong các Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học luôn luôn nhắc lại và ngày càng làm rõ thể chế tự chủ đại học. Tuy nhiên cho đến nay thể chế tự chủ đại học vẫn không thâm nhập suôn sẻ vào thực tiễn giáo dục đại học vì rất nhiều lý do.

Xin Giáo sư phân tích một vài lý do chủ yếu cản trở việc hiện thực thể chế tự chủ đại học?

Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Mặc dù chính sách tự chủ đại học đã được các cấp lãnh đạo cao của Đảng và Nhà nước đề xuất và đưa vào hệ thống luật lệ về giáo dục, nhưng nhận thức về chính sách này vẫn còn khoảng cách giữa cấp đề xuất và cấp áp dụng chính sách, cũng như giữa các cấp khác nhau thực thi chính sách trong thực tiễn.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (ảnh: Thùy Linh)

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (ảnh: Thùy Linh)

Liên quan đến tự chủ đại học, từ năm 2005, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới giáo dục đại học của Chính phủ đã quy định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”.

Theo quy định này, khi đã đưa vào hội đồng trường đại diện của bộ chủ quản thì sự quản trị của bộ chủ quản không được thực hiện trực tiếp nữa mà thông qua đại diện này.

Sau đó, Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ lại nói rõ: “giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động của các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản; đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường)”.

Tiếp đến, Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 về tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập cũng chỉ đạo cần “nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học”, và quy định cụ thể “bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch Hội đồng trường”.

Như vậy từ các cấp chỉ đạo, nhận thức về tự chủ đại học ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khi nhận thức không theo kịp sự phát triển của chính sách, cấp áp dụng chính sách bên dưới thường có xu hướng bám theo các quy định cũ, thậm chí ban hành các văn bản vi phạm các văn bản chỉ đạo của cấp trên và các luật lệ đã được cải tiến.

Điều đó thể hiện rất rõ ở trường hợp của "cơ quan chủ quản" / cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trong các sự kiện mâu thuẫn xảy ra vừa qua.

Nhiều chuyên gia cho rằng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ với nhiều quy định trái với Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng như Luật số giáo dục đại học năm 2018 về tự chủ đại học [3].

Liên quan với tình hình này, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai phạm trong việc ban hành các văn bản dưới luật của các tổ chức cấp dưới [4].

Hay liên quan đến Nghị định 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học năm 2018 vừa mới ban hành ngày 30/12/2019, ở Điều 7 của Nghị định nói trên vẫn quy định cơ quan chủ quản có nhiều quyền quyết định bên trên Hội đồng trường chứ không phải chỉ cử đại diện tham gia Hội đồng trường.

Ví dụ này chứng tỏ những người soạn thảo Nghị định, do những lý do khác nhau, không thật thấm nhuần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc đảm bảo cho “Hội đồng trường là cơ quan có thực quyền cao nhất của trường đại học” như đã nêu ở trên.

Khoảng cách trong nhận thức được nói ở đây không chỉ phụ thuộc vào trình độ nhận thức, mà đôi khi còn liên quan đến lợi ích nhóm. Tôi đồng tình với nhận định của Tiến sĩ Trần Đình Thiên rằng, lợi ích của “nhóm đang giữ quyền” trở thành thế lực cản trở mạnh mẽ hoạt động tự chủ”.

Một số chuyên gia cho rằng, một trong những khó khăn trong việc thực thi chính sách tự chủ đại học, đặc biệt ở cấp cơ sở, là sự không đồng bộ về thể chế, Giáo sư nghĩ sao về quan điểm này?

Giáo sư Lâm Quang Thiệp: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, bởi lẽ tôi xin nêu một ví dụ.

Luật đầu tư công được áp dụng đối với các đối tượng “có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công”, [5] trong đó có các trường đại học công lập. Khi được tự chủ, trường đại học công lập có phải tuân thủ Luật đầu tư công hay không? Nếu không có quy định rõ, trường đại học công lập tự chủ sẽ gặp khó khăn trong hoạt động.

Trong trường hợp Trường Đại học Tôn Đức Thắng, tuy là trường công lập thuộc Tổng Liên Đoàn Lao động nhưng không nhận ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 3995/VPCP-KGVX ngày 18/6/2008 quy định “Trường được tự quyết định mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật như một trường ngoài công lập”.

Đó là một cách xử lý tốt của Chính phủ trong một trường hợp cụ thể, hỗ trợ nhà trường ứng phó với sự không đồng bộ về thể chế nói trên.

Ngoài ra, đối với các trường đại học ngoài công lập, quyền tự chủ đại học cũng gặp nhiều vấn đề. Chính sách coi trọng giáo dục đại học ngoài công lập đã được Nhà nước lưu ý ngay từ lúc loại hình trường này ra đời vào đầu thập niên 1990. Xu hướng đó thể hiện rõ nhất trong Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới giáo dục đại học, đưa ra chỉ tiêu vào năm 2010 có “khoảng 40% tổng số sinh viên thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập”.

Trong thực tiễn chỉ tiêu này đã không đạt được, sau đó nó phải bị điều chỉnh nhiều lần, và cho đến nay, năm 2020, con số đạt được cũng chỉ mới khoảng 14%. Vì sao giáo dục đại học ngoài công lập phát triển chậm như vậy? Ngoài các nguyên nhân khác, sự thiếu đồng bộ về thể chế cũng là một lý do quan trọng.

Chẳng hạn, một vấn đề tồn tại từ lâu, và vẫn được thể hiện trong Luật giáo dục đại học năm 2018, là quy định về “tài sản chung không chia” của các trường đại học ngoài công lập.

Chính quy định này ngăn trở phần lớn các trường đại học dân lập chuyển đổi thành trường đại học tư thục tư thục theo Quyết định 122/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 5 năm 2006.

Sự phân tâm của các trường đại học ngoài công lập càng tăng khi được nghe một vị lãnh đạo có trách nhiệm giải thích mục đích của việc bảo toàn tài sản chung không chia là làm tăng dần tỷ lệ phần tài sản chung đó so với tài sản tư để giảm dần tính chất tư nhân của trường đại học ngoài công lập.

Như vậy, rõ ràng cả khoảng cách về nhận thức và sự thiếu đồng bộ trong thể chế về tự chủ đại học đối với trường ngoài công lập đã cản trở sự phát triển của loại hình đại học này.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư.

Tài liệu tham khảo:

[1] The History of Higher Education, 1997. ASHE Reader Series, Simon & Schuster Custom Publishing.

[2] Lâm Quang Thiệp, 2018. “Humboldt, Hoa Kỳ và Giáo dục đại học Việt Nam”, trong “Nghiệp vụ sư phạm đại học”, NXB Giáo dục. Có thể xem ở: https://drive.google.com/file/d/1nDEKZKJ4qivdn4h3U1veiHa5d_MCAvjB/view

[3] Trần Đình Thiên, 2020.Thủ tướng nên ban hành một Nghị định cho riêng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.” https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thu-tuong-nen-ban-hanh-mot-nghi-dinh-cho-rieng-truong-dai-hoc-ton-duc-thang-post205615.gd

[4] Hiệp hội các trường đại học và Cao đẳng Việt Nam, 2020 “Đề nghị giám sát văn bản dưới luật do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành”. https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/de-nghi-giam-sat-van-ban-duoi-luat-do-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-ban-hanh-post204786.gd

[5] Luật đầu tư công, 2019. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/dau-tu/Luat-Dau-tu-cong-2019-362113.aspx

Thùy Linh