Tôi nghĩ đặt ra giáo viên hạng I là chưa phù hợp với viên chức ngành giáo dục

09/09/2023 07:06
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc đặt ra giáo viên hạng I đối với các cấp học chưa phù hợp với thực tiễn giảng dạy và giáo dục học sinh của thầy cô giáo.

Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập phân giáo viên làm 3 hạng.

Giáo viên phân thành hạng I, hạng II, hạng III đang khiến thầy cô giáo "tâm tư". Trong đó, việc đặt ra giáo viên hạng I, theo người viết, chưa phù hợp với viên chức ngành giáo dục.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khoản 1 Điều 69 Luật Giáo dục quy định nhiệm vụ của nhà giáo: "Giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục".

Cùng với đó, khoản 1, khoản 2 Điều 70 quy định quyền của nhà giáo: "1. Được giảng dạy theo chuyên môn đào tạo. 2. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ".

Ngoài ra, nhiệm vụ của giáo viên còn được quy định cụ thể qua các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

Chẳng hạn, Điều 26 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông về trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên: "Giáo viên làm nhiệm vụ dạy học, giáo dục học sinh trong trường trung học".

Bên cạnh đó, Điều 27 Thông tư này quy định nhiệm vụ cụ thể của giáo viên như sau (trích):

"Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Học tập, rèn luyện để nâng cao sức khỏe, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục.

Tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ".

Có thể nhận thấy, nhiệm vụ của nhà giáo theo Luật Giáo dục và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật là giảng dạy và giáo dục học sinh.

Tuy vậy, văn bản hợp nhất các Thông tư quy định nhiệm vụ giáo viên mầm non, phổ thông hạng I như sau:

Giáo viên mầm non
hạng I
Giáo viên tiểu học
hạng I
Giáo viên trung học cơ sở hạng I Giáo viên trung học phổ thông hạng I
a) Tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên mầm non cấp huyện trở lên;
b) Tham gia bồi dưỡng hoặc tham mưu, đề xuất hoặc tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt, chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên mầm non từ cấp trường trở lên;
c) Tham gia ban giám khảo các hội thi của cấp học mầm non từ cấp huyện trở lên;
d) Tham gia hội đồng tự đánh giá hoặc đoàn đánh giá ngoài hoặc kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cấp huyện trở lên.
a) Tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh tiểu học hoặc tham gia Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa khi được lựa chọn;
b) Chủ trì các hoạt động bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề của nhà trường hoặc tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp huyện trở lên;
c) Tham gia đoàn đánh giá ngoài hoặc tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên tiểu học từ cấp huyện trở lên;
d) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi hoặc giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi cấp huyện trở lên.
a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp huyện trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;
c) Chủ trì triển khai, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai các chủ trương, nội dung đổi mới của ngành;
d) Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp huyện trở lên; tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp huyện trở lên;
đ) Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp huyện trở lên (nếu có).
a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình;
c) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên đề từ cấp tỉnh trở lên;
d) Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;
đ) Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên;
e) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên;
g) Tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên.

Người viết (là giáo viên trung học phổ thông) nhận thấy:

Thứ nhất, cùng là giáo viên bậc phổ thông, nhưng giáo viên trung học cơ sở hạng I làm 5 nhiệm vụ (a, b, c, d, đ) còn giáo viên trung học phổ thông làm 7 nhiệm 7 (a, b, c, d, đ, e, g) là chưa thỏa đáng.

Chẳng hạn, Thông tư 32/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT, thì học sinh lớp 8, lớp 9 được dự thi cuộc thi này.

Thế nhưng, văn bản hợp nhất Thông tư không quy định giáo viên trung học cơ sở hạng I tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học cơ sở từ cấp tỉnh trở lên, liệu có thỏa đáng?

Cũng theo văn bản hợp nhất Thông tư, tôi không hiểu vì sao giáo viên trung học cơ sở hạng I không tham gia ra đề và chấm thi học sinh giỏi trung học cơ sở từ cấp tỉnh trở lên giống như giáo viên trung học phổ thông hạng I?

Thứ hai, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, việc đặt ra nhiệm vụ của viên chức hạng I hầu như chưa phù hợp với thực tiễn giảng dạy của giáo viên các cấp học.

Ví dụ, nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I: "Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên".

Tôi thấy, hiếm có giáo viên nào thực hiện nhiệm vụ theo quy định này.

Tôi lấy ví dụ, đội ngũ biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn bộ Chân trời sáng tạo lớp 10, 11 có duy nhất tác giả Trần Lê Duy - nguyên là giáo viên Trường Trung học Thực hành (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoặc quy định nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I: "Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp tỉnh trở lên hoặc tham gia dạy học trên truyền hình", cũng không mấy thầy cô nào đảm nhiệm công việc này.

Bởi vì, các nhiệm vụ này chủ yếu dành cho chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo, còn tổ trưởng chuyên môn hay giáo viên cốt cán hầu như không có cơ hội thực hiện. Còn việc giáo viên tham gia dạy học trên truyền hình chủ yếu khi xảy ra dịch bệnh dài ngày.

Hay quy định nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng I: "Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp tỉnh trở lên", là chưa đúng với thực tiễn.

Từ 11 năm qua (Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông), giáo viên nào có khả năng thì tham gia hướng dẫn, đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Hơn nữa, trước thời điểm 2/2/2021 (ban hành chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập) thì làm gì có giáo viên hạng I.

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân giáo viên theo hạng - nhất là giáo viên hạng I - ở trường mầm non, phổ thông vừa tạo ra bất công vừa chưa phù hợp với thực tiễn, vì giáo viên chỉ có một vị trí việc làm, đó là giảng dạy và giáo dục học sinh theo Luật giáo dục.

Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu và triển khai phương án trả lương theo vị trí việc làm để chấm dứt sự bất hợp lí trong việc phân hạng giáo viên như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2020-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-truong-trung-hoc-pho-thong-443627.aspx

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-082023-012021-tt-bgddt-7393.pdf

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_26/vbhn-022021-082023-ttbgddt-1839.pdf

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf

https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-032021-082023-tt-bgddt-882.pdf

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2017-tt-bgddt-bo-giao-duc-va-dao-tao-158780-d1.html

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-38-2012-TT-BGDDT-Quy-che-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-150866.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên