Tổng hợp các khoản thu nhập hiện nay mà giáo viên có thể được nhận

21/10/2023 07:13
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoài lương, phụ cấp, trợ cấp, giáo viên còn nhận các khoản khác được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ được cấp có thẩm quyền thông qua.

Giáo viên nếu được tuyển dụng viên chức đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài được hưởng lương, phụ cấp theo Nghị định của Chính phủ còn được hưởng các khoản khác theo quy định.

Xin được liệt kê các khoản mà giáo viên có thể được hưởng khi công tác, đảm nhận các công việc chuyên môn, kiêm nhiệm chức vụ khi công tác ở vùng có điều kiện bình thường.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Thứ nhất, lương

Chắc chắn quan trọng và được nhiều người quan tâm nhất là lương.

Giáo viên dù được bổ nhiệm ở hạng nào thì việc tính lương sẽ theo công thức: Tiền lương bằng hệ số lương x lương cơ sở, lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng mỗi tháng.

Ví dụ, một giáo viên A có hệ số lương 4,32 thì tiền lương là 4,32 x 1,800,000 đồng = 5,760,000 đồng mỗi tháng.

Thứ hai, phụ cấp ưu đãi

Căn cứ Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với Nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Căn cứ, khoản 1 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định về các mức phụ cấp ưu đãi nhà giáo mầm non đến trung học cơ sở như sau:

Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các các cơ sở giáo dục công lập sau:

+ Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở đồng bằng, thành phố, thị xã;

+ Các trường trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề;

+ Các trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Mức phụ cấp 35% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các các cơ sở giáo dục công lập sau: Các trường mầm non, tiểu học ở đồng bằng, thành phố, thị xã; Các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Việc xác định địa bàn miền núi thực hiện theo quy định của Uỷ ban Dân tộc; địa bàn hải đảo theo thực tế địa lý; địa bàn vùng sâu, vùng xa tuỳ theo đặc điểm của từng địa phương do Uỷ ban nhân dân tỉnh hướng dẫn sau khi có ý kiến thống nhất của Liên Bộ.

Cách tính phụ cấp ưu đãi nhà giáo: Căn cứ khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định về tính phụ cấp ưu đãi nhà giáo như sau:

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung (Mức lương cơ sở) x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Trong đó, mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng.

Thứ ba, phụ cấp thâm niên nhà giáo

Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 quy định về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng:

Mức tiền phụ cấp thâm niên

=

Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng

x

Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định từng thời kỳ

x

Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng

Thứ tư, phụ cấp thâm niên vượt khung

Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản Số: 1/VBHN-BNV hợp nhất Thông tư số 04/2005/TT-BNV và Thông tư số 03/2021/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Viên chức là giáo viên công tác tại các trường mầm non, tiểu học nếu thỏa mãn điều kiện nhận phụ cấp thâm niên vượt khung, sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

Phụ cấp thâm niên vượt khung được tính như sau: Hệ số lương x Tỷ lệ % vượt khung x Mức lương cơ sở.

Ví dụ, một giáo viên có hệ số lương 4,98, phụ cấp thâm niên vượt khung 10%, được hưởng tiền phụ cấp thâm niên vượt khung hiện nay như sau: 4,98 x 10% x 1,800,000 = 896.400 đồng mỗi tháng.

Thứ năm, phụ cấp chức vụ

Thực hiện theo thông tư 33/2005/TT-BGD-ĐT về tạm thời thực hiện phụ cấp các chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập thì giáo viên được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm từ tổ trưởng, tổ phó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông được hưởng mức phụ cấp chức vụ từ 0,15 - 0,7 tùy theo chức vụ và loại hình trường, hạng trường.

Được tính bằng Hệ số x mức lương cơ sở.

Ví dụ, một giáo viên trung học cơ sở, hiệu trưởng trường hạng I (từ 28 lớp trở lên) được hưởng phụ cấp chức vụ 0,55 thì mỗi tháng được nhận phụ cấp chức vụ 0,55 x 1,800,000 là 990,000 đồng.

Thứ sáu, phụ cấp trách nhiệm

Một là, phụ cấp trách nhiệm giáo viên hướng dẫn tập sự, căn cứ Điều 23 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về việc quy định tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Giáo viên được phân công hướng dẫn tập sự được hưởng phụ cấp trách nhiệm bằng 0,30 mức lương cơ sở trong thời gian hướng dẫn tập sự.

Thời gian tập sự thường từ 9 -12 tháng, thời gian tập sự của viên chức sẽ phụ thuộc vào yêu cầu trình độ của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng.

Giáo viên dạy trung học cơ sở, hướng dẫn tập sự giáo viên có trình độ đại học, tập sự 12 tháng sẽ được nhận tiền phụ cấp tập sự như sau: 0,3 x 1,800,000 x 12 tháng = 6.480.000 đồng.

Hai là, phụ cấp trách nhiệm của Tổng phụ trách Đội

Căn cứ theo thông tư số 05/2005/TT-BNV, ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội Vụ về việc hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với cán bộ công chức viên chức:

Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng 1 hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,30 lương tối thiểu.

- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng 2 hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,20 lương tối thiểu.

- Giáo viên tổng phụ trách Đội ở trường hạng 3 hưởng phụ cấp trách nhiệm hệ số là 0,10 lương tối thiểu.

Mức lương tối thiểu ở đây chính là mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện tại là 1.800.000 đồng/tháng .

Qua đó, mức tiền phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên Tổng phụ trách Đội hiện nay được tính theo Mục 2 Phần II Thông tư 05/2005/TT-BNV như sau:

Thứ bảy, chế độ làm thêm giờ

Thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Cách tính tiền thêm giờ của giáo viên mầm non, phổ thông như sau:

Đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề:

Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = Số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy x 150%.

Trong đó:

Tiền lương 1 giờ dạy = [(Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học): (Định mức giờ dạy/năm)] x [Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)/52 tuần].

Thứ tám, bồi dưỡng ngoài trời, trang phục với giáo viên dạy giáo dục thể chất (thể dục)

Căn cứ Quyết định số 51/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/11/2012 Quy định về chế độ bồi dưỡng, và chế độ trang phục đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao:

Mức tính tiền lương dạy thêm 1 giờ = 01% mức lương cơ sở x số tiết thực hành.

Theo quy định hiện nay là 18,000 đồng mỗi tiết.

Về chế độ trang phục: Chế độ trang phục đối với giáo viên thể dục, thể thao được quy định tại Điều 4 Quyết định 51/2012/QĐ-TTg như sau:

- Đối với giáo viên, giảng viên thể dục thể thao dạy chuyên trách môn thể dục, thể thao được cấp 02 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 02 đôi giầy thể thao/năm, 04 đôi tất thể thao/năm, 04 áo thể thao ngắn tay/năm.

- Đối với giáo viên, giảng viên dạy kiêm nhiệm (giáo viên dạy môn học khác dạy kiêm nhiệm môn thể dục, thể thao) được cấp 01 bộ quần áo thể thao dài tay/năm, 01 đôi giày thể thao/năm, 02 đôi tất thể thao/năm, 02 áo thể thao ngắn tay/năm.

Trang phục thể thao do Việt Nam sản xuất, phù hợp với khí hậu từng vùng, miền.

Thứ tám, chế độ giáo viên dạy giáo dục quốc phòng

Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BCA-BNV-BTC như sau: Đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư liên tịch này (không bao gồm giáo viên, giảng viên thỉnh giảng) được hưởng 1% mức lương cơ sở cho một tiết giảng, giờ giảng.

Tiết giảng, giờ giảng được tính là thời gian thực tế giảng dạy trên lớp, ngoài bãi tập, thao trường được quy định trong chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh khi tính chế độ bồi dưỡng giờ giảng.

Về trang phục: Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 15/2015/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BQP-BCA-BNV-BTC như sau: Theo đó, giáo viên, giảng viên chuyên trách môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh năm đầu tiên được cấp một bộ trang phục xuân hè, một bộ trang phục thu đông và một bộ trang phục dã chiến kiểu dáng Giáo dục quốc phòng và an ninh, dây lưng, mũ kê-pi, mũ cứng, mũ mềm, giầy da, giầy vải, bít tất, biển tên phù hiệu cấp học và trình độ đào tạo.

Từ năm thứ hai trở đi, mỗi năm được cấp một bộ trang phục xuân hè hoặc một bộ trang phục thu đông, giầy, mũ, dây lưng, bít tất; trang phục dã chiến 03 năm cấp 01 lần kể từ lần cấp đầu tiên.

Bên cạnh đó, tùy theo quy chế chi tiêu nội bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm, giáo viên còn có thể nhận các loại kinh phí đi đường, lưu trú, văn phòng phẩm, chi phí khi đám hiếu, hỷ, bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo, chi phí thu nhập tăng thêm, khám sức khỏe, lễ, tết,…

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam