Ngày 13/6, Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục, trực thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh đại học, hướng nghiệp với chủ đề “Chọn trường – chọn nghề”.
Tham dự buổi tư vấn có Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp: Phó Giáo sư Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục và Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng, Trường Đại học Giáo dục.
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia đã giải đáp được rất nhiều băn khoăn của các học sinh khối lớp 12 trong việc chọn trường – chọn nghề như thế nào cho phù hợp với sở thích và năng lực bản thân. Điều này cũng đặc biệt quan trọng trong quá trình cân nhắc lựa chọn ngành nghề khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc -Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại buổi tư vấn. Ảnh: education.vnu.edu.vn |
Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngọc cho rằng, phương thức tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Trường cơ bản giữ ổn định như năm 2021, có một số điều chỉnh nhỏ trong tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức tuyển sinh.
Trường Đại học Giáo dục đã công bố Phương thức và dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian xét tuyển và tổ chức xét tuyển. Bên cạnh đó, chuỗi các chương trình tư vấn tuyển sinh theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến được thực hiện đã cung cấp cho thí sinh không chỉ thông tin tuyển sinh của Trường Đại học Giáo dục mà còn giải đáp các thắc mắc chung về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn cũng đã phổ biến và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích giúp học sinh xác định các kỹ năng, giá trị, sở thích của bản thân và cơ hội nghề nghiệp để các em định hướng được con đường tốt nhất dẫn đến mục tiêu và sự nghiệp của mình.
Theo Phó Giáo sư Trần Thành Nam, 10 nhóm ngành có số lượng sinh viên tốt nghiệp năm 2020 với số lượng trên 10.000 sinh viên là: Kinh doanh và quản lý (60.000), Sức khỏe (22.000), Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (21.000), Công nghệ kỹ thuật (19.000), Nhân văn (16.500), Khoa học tự nhiên (14.400), Khoa học xã hội và hành vi (13.900), Kiến trúc và xây dựng (12.000), Máy tính và Công nghệ thông tin (11.900), Pháp luật (11.800). Đây cũng là 10 ngành có số lượng tuyển sinh và tốt nghiệp cao nhất theo thống kê từ năm 2018 đến năm 2020.
Xu hướng lựa chọn ngành nghề đang có sự dịch chuyển khi yêu cầu của các nhà sử dụng lao động trên thế giới đối với nghề nghiệp trong tương lai là những con người biết khai thác và sử dụng công nghệ. Cụ thể là công nghệ và kỹ năng sử dụng công nghệ chuyên sâu cho ngành nghề lựa chọn mới là vấn đề cơ bản và cốt lõi.
Vì vậy, chuyên gia Trần Thành Nam cho rằng: “Học gì thì học đều phải có năng lực 4.0”.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Phạm Thành Nam cũng nêu lên nhu cầu nhân lực trong nhiều lĩnh vực đã gia tăng, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Cụ thể là các lĩnh vực như: Chăm sóc sức khỏe (bác sỹ gia đình, nhà tâm lý, điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện...); Thương mại điện tử (quản lý và nhân viên trong các chuỗi cung ứng…); Làm việc từ xa (quản lý dự án từ xa, công nghệ…).
Bên cạnh đó, hàng ngàn công việc mới chưa từng có trong khái niệm ngành nghề cũng ra đời mang đến nhiều cơ hội song cũng đi kèm không ít thách thức. Làm việc ở nhà được dự báo sẽ trở thành xu thế trong tương lai gần, khi công nghệ trở thành yếu tố dẫn đầu và mọi công ty trong tương lai đều là công ty công nghệ.
Các học sinh Trường Trung học phổ thông Khoa học Giáo dục, trực thuộc Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội hào hứng tham gia trong buổi tư vấn. Ảnh: education.vnu.edu.vn |
Ở một góc nhìn cụ thể hơn, Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà lại có chia sẻ những câu chuyện thực tế về giá trị của nghề nghiệp, giá trị của đam mê, giá trị của cống hiến… để giúp các em liên hệ và định nghĩa lại giá trị của bản thân mình.
Chuyên gia này cũng nêu ra định nghĩa lại bản thân để thấy được lựa chọn của các học sinh là nghiêm túc và chín chắn; Để giúp học sinh có những sở thích, đam mê và những năng lực cần thiết để sẵn sàng trở thành người đứng đầu hoặc thành thạo trong lĩnh vực mà mình đã chọn dù là chuyên gia hay là thợ.
Chuyên gia Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh về các năng lực như: Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin và học tập, học sinh cần phải liên tục tích lũy và phát triển để phù hợp với các ngành nghề trong tương lai. Đồng thời nhấn mạnh: “Không học sẽ không có việc làm”.
Theo các chuyên gia trong buổi tư vấn hướng nghiệp, lựa chọn trường cần chú trọng một số yếu tố: Triết lý giáo dục hơn là quy mô; chất lượng mối quan hệ hơn là thầy cô nghiêm khắc, chú trọng kỹ năng mềm thay vì chỉ là kiến thức, chương trình đào tạo cá nhân hóa hơn là số đông.
Trường nào cũng sẽ là trường học tốt khi đảm bảo sinh viên được truyền cảm hứng học tập và phát triển toàn diện sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, phát hiện đam mê và có khát khao; Nhà trường có các giá trị nhân văn phổ quát (yêu thương – tôn trọng – trách nhiệm); Người học được phát triển các kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21 (ngoại ngữ - công nghệ thông tin – tư duy tài chính).
Sau đó mới cân nhắc đến các yếu tố như: mức độ uy tín, cơ sở vật chất, điều kiện tuyển sinh, học phí, khu vực địa lý, mô hình đào tạo.
Các chuyên gia cũng khuyên học sinh nên định hướng chọn trường, chọn ngành theo 5 nguyên tắc: (1) Chỉ nên chọn nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân; (2) Không nên chọn nghề mà bản thân không có điều kiện đáp ứng; (3) Chỉ chọn khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề; (4) Không chọn nghề mà xã hội không có nhu cầu; (5) Chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân coi là quan trọng và có ý nghĩa.
Năm học 2022, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 15 ngành đào tạo đại học chính quy gồm: Sư phạm Toán học, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch Sử, Sư phạm Lịch sử và Địa lý, Quản trị trường học, Quản trị chất lượng giáo dục, Quản trị công nghệ giáo dục, Khoa học giáo dục, Tham vấn học đường, Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non.
Thông tin liên hệ:
Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội
Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội
Website: http://education.vnu.edu.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn
Hotline tuyển sinh: 0865964905 hoặc (024) 7301 7123 – máy lẻ 1102 (trong giờ hành chính)