Chưa đến trường, đầu năm đã phải học thêm

14/02/2019 07:08
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Lịch nghỉ Tết phải đến sáng mùng Mười tháng Giêng học sinh mới đến trường. Vậy mà không ít học sinh lớp 9, lớp 12 đã lục tục đi học… thêm từ đầu tuần!

LTS: Mới mới kết thúc nghỉ Tết, nhiều học sinh đã phải quay cuồng với guồng quay học thêm.

Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ những áp lực của học sinh, đồng thời chỉ ra những con đường khác nhau để đến với thành công cho mỗi con người.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Lịch nghỉ Tết phải đến sáng mùng Mười tháng Giêng học sinh mới đến trường. Vậy mà không ít học sinh lớp 9, lớp 12 đã lục tục đi học… thêm từ đầu tuần!

N. một học sinh lớp 9 cho biết: “Em sợ trượt Trung học phổ thông công lập, nên năm nay không có tết, chúi đầu vào học. Cô giáo dặn, đầu tuần cô dạy luôn, cho trọn tháng. Nên hôm nay, chúng em đi học thêm rồi”. 

Với áp lực thi Trung học phổ thông, còn hơn cả thi Đại học, đại đa số học trò lớp 9 đã “khai bút” tại lớp học thêm.

Giấc mơ bỏ thi Trung học phổ thông! Một giấc mơ của học trò, của giáo dục Việt Nam!

Khi mà sĩ số học sinh tăng nhanh chóng mặt, các trường Trung học phổ thông tăng rất chậm hoặc không tăng, vì thế áp lực thi Trung học phổ thông còn gia tăng dài dài, từ thế hệ này cho đến thế hệ sau.

Với áp lực thi Trung học phổ thông, còn hơn cả thi Đại học, đại đa số học trò lớp 9 đã “khai bút” tại lớp học thêm. Ảnh minh họa: Laodong.vn
Với áp lực thi Trung học phổ thông, còn hơn cả thi Đại học, đại đa số học trò lớp 9 đã “khai bút” tại lớp học thêm. Ảnh minh họa: Laodong.vn

Không học thêm, được không?

Được, đó là câu trả lời chắc chắn của không ít học sinh, có khả năng tự học. Nhiều học sinh đã đăng ký học trên các trang mạng dạy học trực tuyến; tự đọc, học qua các tài liệu bổ trợ. Phần lớn các thủ khoa đều chọn con đường tự học.

Học trực tuyến vừa tiết kiệm tiền bạc, thời gian, chủ động sắp xếp lịch học, bảo đảm an toàn giao thông. Thế nhưng, đòi hỏi học trò có ý chí nghị lực, không sa đà vào các trò chơi điện tử, làm chủ được bản thân mình.

Học từ tài liệu bổ trợ, khó nhất là chọn được tài liệu thích hợp. Để có tài liệu thích hợp, đơn giản nhất là hỏi thăm các thủ khoa khóa trước.

Ngoài ra, các đề thi Trung học phổ thông, kiến thức cơ bản sách giáo khoa chiếm 60-70%. Việc giải bài tập sách giáo khoa giúp học sinh hiểu kiến thức cơ bản, có nền tảng kiến thức tốt, nhớ lâu, vận dụng linh hoạt.

Vì thế học tốt các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, các em vẫn hoàn toàn có cơ hội vào các trường Trung học phổ thông công lập; hơn hẳn những học sinh phụ thuộc vào kiến thức thầy dạy ở lớp học thêm, mau quên, dễ lạc.

Giải pháp nào giảm áp lực thi Trung học phổ thông?

Chưa đến trường, đầu năm đã phải học thêm ảnh 2Con cháu tôi ơi sao khổ thế này, mới 4 tuổi đã phải vào lò học thêm

Phân luồng giáo dục ngay từ lớp 9, giúp các em có định hướng nghề nghiệp cho bản thân; biết được năng lực thực sự của mình để lựa chọn, học nghề hay học Trung học phổ thông.

Điều cơ bản nhất, giáo viên không nặng về cung cấp kiến thức; coi trọng sự độc lập của học sinh; hướng tới sự phát triển cá nhân, giúp học sinh phát triển năng lực, nhận ra được phẩm chất và năng lực của mình.

Học sinh nhận ra được năng lực của mình, sẽ chọn lựa con đường riêng cho mình, học nghề là phù hợp, áp lực thi Trung học phổ thông sẽ giảm, xã hội tiết kiệm được thời gian, tiền bạc; có được nguồn lao động có đào tạo, có tay nghề.

Không hiếm người học nghề, có công việc ổn định, cuộc sống sung túc. Ngược lại, không ít người học trung học phổ thông, đại học xong, phải quay lại học nghề.

Phụ huynh, học sinh phải có cái nhìn khách quan về bằng cấp. Không phải cứ có bằng cấp là kiếm được việc làm, nhẹ nhàng, lương cao.

Một phụ huynh phát biểu “Áp lực bằng cấp đang đè nặng xuống chúng ta. Ai cũng muốn có một tấm bằng nào đó, nên việc bắt đầu chạy từ khi còn nhỏ là điều khó tránh khỏi.

Ai cũng muốn vượt lên người khác, để vượt lên thì lo kiến thức ở trong trường là chưa đủ, nên sinh ra học thêm”.

Thế nhưng, thực tế trong tuyển dụng lao động hiện nay, các nhà tuyển dụng coi trọng ứng viên có làm được việc hay không, chứ không phải là bằng cấp gì.

Chưa đến trường, đầu năm đã phải học thêm ảnh 3Biết học thêm không hiệu quả tại sao phụ huynh vẫn phải cho con theo học?

Nếu chỉ vì cũng cố tự tin cho mình, cho con trước một kì thi đầy áp lực như thi Trung học phổ thông, mà phải học thêm đầu tắt mặt tối; phụ huynh, học sinh cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá năng lực con cái, bản thân mình để có chọn lựa tốt nhất.

Ngày 18/1/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.

Tại đây, Phó Thủ tướng điểm ra một số việc trọng tâm như trong quá trình biên soạn Luật Giáo dục sửa đổi cần thảo luận vấn đề rút ngắn thời gian đào tạo bậc cao đẳng, đại học như xu hướng quốc tế.

Tiêu chuẩn đầu vào cao đẳng có thể bắt đầu từ tốt nghiệp Trung học cơ sở, thay vì tốt nghiệp Trung học phổ thông. Vì thế, không nhất thiết phải vào Trung học phổ thông cho bằng được.

Không phải giỏi thì phải học Đại học, dốt thì phải học nghề. Chọn con đường học tập, chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh của từng học sinh, gia đình mới là quan trọng nhất.

Sơn Quang Huyến