Ngày nào còn chỉ tiêu thành tích, ngày đó còn phổ cập giả tạo

09/12/2017 07:32
Thảo Ly
(GDVN) - Không có sự kiểm tra chặt chẽ lại đề cao những việc làm hình thức, ngành giáo dục đã để căn bệnh thành tích bùng phát...

LTS: Phổ cập giáo dục là chính sách nhân văn của Đảng và nhà nước tuy nhiên, trong thực tế triển khai ở cơ sở còn bộc lộ nhiều bất cập.

Trong bài viết này, cô giáo Thảo Ly cho rằng với những chỉ tiêu phổ cập, ngành giáo dục đang xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cứ sau mỗi lần giáo viên vật vã với những học sinh đặc biệt yếu kém trong lớp thì thầy cô nào cũng buột lên tiếng than: “Phổ cập làm gì cho khốn khổ vậy trời!”.

Họ chẳng biết kêu ai, chỉ biết gọi ông Trời để tự an ủi. Kể như từ ngày xuất hiện hai tiếng "phổ cập" thì học sinh gần như mất luôn cái quyền ở lại lớp.

Giáo viên mất luôn quyền đánh giá học sinh (ở đối tượng học sinh yếu kém).

Trước đó, khi học sinh lơ là không chịu học, chỉ cần thầy cô cảnh báo “học thế thì cuối năm chỉ có lưu ban”, không chỉ học trò mà chính ba mẹ các em cũng thấy sợ nên đã chú tâm vào việc học tập hơn.

Giờ đây, không sợ ở lại lớp, giáo viên cứ nói đùa với nhau cũng “hết bảo bối để dọa trò”.

Vì thế, học sinh học nhởn nhơ, lười học hơn, có em học quá yếu như không biết đọc, biết viết dù đã học hết chương trình lớp 1 cũng buộc phải lên lớp.

Giọt nước mắt trên gương mặt một học sinh lớp 6 phải quay trở lại lớp 1 vì không biết đọc, không biết viết ở Sóc Trăng, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.
Giọt nước mắt trên gương mặt một học sinh lớp 6 phải quay trở lại lớp 1 vì không biết đọc, không biết viết ở Sóc Trăng, ảnh chụp màn hình phóng sự của VTV.vn.

Ở lớp 2 những trò này cũng chỉ như những vị khách trọ, chẳng thể học thêm được điều gì và cuối năm đương nhiên vẫn phải lên lớp.

Cứ thế, sau 5 năm các em tốt nghiệp tiểu học xem như nhà trường hết trách nhiệm.

Trước đây, sau một năm học, một lớp cũng có vài ba em lưu ban (sau những nỗ lực của giáo viên nhưng vẫn không tiến bộ).

Đây là những học sinh yếu kém nhưng nhờ ở lại lớp, những học sinh này đã cải thiện được lực học của mình sau một năm học lại lớp. Cũng nhờ đó, nhiều em đã có lực học tiến bộ khá nhiều.

Thế là, chỉ sau dăm năm thực hiện công tác phổ cập giáo dục bậc tiểu học đã xuất hiện khá nhiều tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Có học sinh học tới lớp 5 chưa thể đọc viết được tên mình.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở một trường, một địa phương mà hầu như các tỉnh thành trong cả nước đều gặp phải.

Ngày nào còn chỉ tiêu thành tích, ngày đó còn phổ cập giả tạo ảnh 2

Giáo viên khổ sở với phổ cập giáo dục

Một điều hết sức vô lý càng những trường mang danh trường chuẩn quốc gia, tỉ lệ học sinh ngồi nhầm lớp càng nhiều.

Thời gian này, nhiều trường học ở khắp nơi cũng xuất hiện tình trạng học sinh bị khuyết tật nhiều hơn.

Học sinh chuyển trường sang địa phương khác nhưng thực chất là bỏ học.

Đây cũng chính là chiêu bài né phổ cập của nhiều trường học hiện nay.

Vì phổ cập mà người ta sẵn sàng ngoảnh mặt, quay lưng với những đứa trẻ khát khao được học nhưng đã quá tuổi.

Có trường từ chối nhận học sinh yếu vì sợ lưu ban… học trò hư, thầy cô chẳng dám trách, trò hỗn hào, vô lễ với giáo viên, bạo hành bạn bè nhà trường cũng không dám đuổi.

Học trò lười, học yếu giáo viên chẳng dám cho điểm kém… Trò nghỉ học, thầy cô phải tìm mọi cách để học sinh quay lại lớp.

Người ta chỉ luôn cố gắng duy trì cái “vỏ bọc” như duy trì sĩ số 100%, tỷ lệ lên lớp thẳng 100%... còn chất lượng bên trong thì sao cũng được.

Có những hiệu trưởng tâm tư: “Nếu để học sinh ở lại lớp thể nào cũng vướng vào công tác phổ cập, đặc biệt là phổ cập đúng độ tuổi”.

Không đạt về chỉ tiêu phổ cập, xem như nhiều chỉ tiêu khác bị khống chế và không chỉ trường ấy bị ảnh hưởng mà phổ cập của xã, phường, huyện thị thậm chí của tỉnh cũng bị kéo vạ lây.

Cái mối dây ràng buộc đan chéo vào nhau như thế nên chính Ban giám hiệu dù không muốn cho học sinh lên lớp cũng trở nên bất lực.

Ngày nào còn chỉ tiêu thành tích, ngày đó còn phổ cập giả tạo ảnh 3

Ai thấu hiểu nỗi khổ của chúng tôi?

Thực hiện chính sách phổ cập giáo dục, trò ngày càng học yếu nhưng trong những bản báo cáo lại xuất hiện nhiều con số tròn trĩnh không thể nào đẹp hơn thế.

Nào là 100% xã phường đạt chuẩn phổ cập đúng độ tuổi.

Công tác huy động trẻ đến trường đạt 100%, 100% xã phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ...(bí quyết để đạt được những thành tích này sẽ được phản ánh riêng trong một bài viết khác)

Thực hiện công tác phổ cập là chính sách nhân văn của Đảng và nhà nước.

Thế nhưng do không có sự kiểm tra chặt chẽ lại đề cao những việc làm hình thức, ngành giáo dục và các địa phương đã để căn bệnh thành tích bùng phát.

Công tác phổ cập giáo dục bỗng trở thành nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục ngày càng sa sút.

Thế nên những câu ước “giá đừng có phổ cập” chẳng còn lạ gì với môi trường giáo dục.

Khắc phục tình trạng này phải cần đến một cuộc “đại phẫu” lớn, là sự chung tay của toàn xã hội với công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Thảo Ly