Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng!

21/03/2018 06:57
Xuân Dương
(GDVN) - Khi bầu không khí nóng quá hoặc lạnh quá con người đều mất ngủ, chỉ có “bộ phận Heo may” nằm đâu đó giữa “trên” và “dưới” là … cứ mát, cứ ngủ ngon.

Tôi nói nhiều lần là chẳng thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí là rất day dứt, đau xót, nhưng phải kỷ luật thôi và vi phạm pháp luật thì phải xử lý” là ý kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tienphong.vn trích dẫn ngày 24/6/2017.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước day dứt, đau xót vì phải kỷ luật đồng chí mình song vì sao người dân cho rằng khá nhiều trường hợp, xử lý của cơ quan chức năng chưa đạt mức độ răn đe với các đối tượng vi phạm, đặc biệt là hình thức kỷ luật “rút kinh nghiệm”.

Đại bộ phận dân chúng đồng tình, ủng hộ chủ trương chống tham nhũng “không có vùng cấm”, không “gãi từ vai trở xuống” mà Trung ương, Tổng Bí thư, các cơ quan Đảng, Nhà nước đang tiến hành.

Khi bầu không khí nóng quá hoặc lạnh quá con người đều mất ngủ, chỉ có “bộ phận Heo may” nằm đâu đó giữa “trên” và “dưới” là … cứ mát, cứ ngủ ngon. (Ảnh minh hoạ: VTV)
Khi bầu không khí nóng quá hoặc lạnh quá con người đều mất ngủ, chỉ có “bộ phận Heo may” nằm đâu đó giữa “trên” và “dưới” là … cứ mát, cứ ngủ ngon. (Ảnh minh hoạ: VTV)

Người viết từng nêu ý kiến vì sao có những đơn vị chưa bao giờ bị chất vấn trước Quốc hội, có lẽ ý kiến đó cần phải xem lại, không bị chất vấn không có nghĩa đó là vùng cấm. 

Sau vụ kỷ luật thiếu tướng Hoàng Công Hàm là khởi tố và bắt tạm giam nguyên thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, là xem xét kỷ luật ông Trần Quốc Cường (nguyên Thiếu tướng), hiện là Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk,…

Vậy có phải cuộc chiến chống nội xâm đã vào guồng?

Ngày 5/3/2018 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ soạn thảo, có những điều mà dân chúng thấy lạ.  

Tường thuật phiên họp, báo thanhtra.gov.vn viết: “Với cách thức xử lý cụ thể về tài sản, thu nhập không giải trình được, nhóm nghiên cứu có hai 2 loại ý kiến. 

Loại thứ nhất, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ là xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45%. 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, có thể áp dụng chế tài xử phạt của Nhà nước theo hướng tài sản này sẽ bị tịch thu một phần”. [1]

Bản thể Việt là gì?

Tài sản không giải trình được hoặc là bị thu thuế 45%, hoặc là “bị tịch thu một phần”, không thấy “Nhóm nghiên cứu” “cài” thêm điều kiện gì về số tài còn lại.

Nếu thế thì sau khi bị thu thuế hay bị tịch thu một phần, số còn lại sẽ trở nên hợp pháp?

Người dân đồng tình, ủng hộ Tổng Bí thư và Trung ương thực hiện chiến dịch “lò nóng và củi tươi” thế nhưng tại sao người dân không chỉ cảm nhận “trên nóng, dưới lạnh” mà còn thấy ngày càng rõ nét tình trạng “giữa … heo may”?

“Heo may” nghĩa là không nóng, cũng chả lạnh, nghĩa là “mát” vừa đủ để … ngủ ngon.

Khi bầu không khí nóng quá hoặc lạnh quá con người đều mất ngủ, chỉ có “bộ phận Heo may” nằm đâu đó giữa “trên” và “dưới” là … cứ mát, cứ ngủ ngon.

Phải chăng đây là xu thế đang có chiều hướng lan tỏa? 

Vấn đề là dự thảo luật do cơ quan thuộc Chính phủ soạn thảo, cơ quan này “trên” dân mà “dưới” nhiều cơ quan khác nên thuộc nhóm “giữa”, có phải vì thế nên cần “heo may” một tí gọi là chừa con đường sống cho “nhóm không giải trình được”? 

Xin dẫn hai sự kiện trái ngược 100% nhưng độ “heo may” thì “cũng rứa”.

Sự kiện thứ nhất: Liên quan đến Luật Phòng chống tham nhũng đã nêu trên.

Theo quy định pháp luật, người dân kinh doanh hàng hóa không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 40.000.000 đồng, đồng thời còn hình thức xử phạt bổ sung: 

- Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm;

- Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

Thông tin được công bố cho thấy: “Hà Nội: Tịch thu gần 100 chiếc iPhone không rõ nguồn gốc xuất xứ” (xahoithongtin.com.vn ngày 11/9/2017);

“Đắk Lắk: Tịch thu số lượng lớn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc” (daklak.tintuc.vn 24/10/2017);

“Hà Nội tịch thu gần 30 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc”  (Thoibaotaichinhvietnam.vn 16/3/2017).

Như vậy với dân, cứ không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa là phạt, là tịch thu tang vật và phương tiện liên quan.

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng! ảnh 2Tổng Bí thư: "Lò nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc"

Thế nhưng quan chức thuộc diện kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc hoặc kê khai không trung thực tài sản, thu nhập dự kiến lại chỉ bị thu thuế 45% hoặc “tịch thu một phần”, có phải là luật cho dân mà lệ cho quan?

Liệu có phải đây là cách sử dụng luật pháp để hợp pháp hóa tài sản bất minh của những người có nghĩa vụ kê khai - chủ yếu là quan chức các cấp? 

Bài viết: “Ngăn chặn tham nhũng chính sách” đăng trên báo Quân đội nhân dân điện tử có đoạn:

Để phòng, chống tham nhũng chính sách cần phải tạo ra các cơ chế ngăn ngừa, trong đó vấn đề quan trọng nhất là “bịt các lỗ hổng về quy phạm pháp luật”. [2]

Hoàn toàn chính xác khi cho rằng, để chống tham nhũng chính sách, điều đầu tiên và quan trọng nhất là phải làm sao để các văn bản quy phạm pháp luật - đặc biệt là các đạo luật - không có “lỗ hổng”.

Báo chí và không ít chính khách, luật gia đã nêu ý kiến về điều này, chẳng hạn:

“Đánh thuế 45% tài sản “bất minh”: Khoác áo “hợp pháp” cho tài sản tham nhũng?”;[3]

“Thu thuế 45% tài sản bất minh, liệu có tiếp tay với tham nhũng?”; [4]

“Đánh thuế 45% tài sản bất minh sẽ 'mở đường rửa tiền'?” [5]…

Tài sản, thu nhập không giải trình được tức là không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, tức là không có “hóa đơn, chứng từ hợp pháp”, đó chỉ có thể là tài sản bất minh.

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng! ảnh 3“Tham nhũng 100 tỷ đồng - 45% thuế = yên tâm tham nhũng”

Có ý kiến cho rằng cách thức xử lý như dự thảo mà Thanh tra Chính phủ đệ trình nếu được thông qua sẽ mặc nhiên tạo hành lang pháp lý để những cá nhân, tổ chức tham nhũng cứ tiếp tục tham nhũng.  

Việc tìm cách hợp pháp hóa tài sản bất minh bằng con đường luật hóa liệu chỉ giống như “tham nhũng chính sách” hay thực sự là “tham nhũng chính sách”?

“Phòng, chống tham nhũng” là chủ trương đã được Trung ương để xuất từ nhiều năm trước, cụ thể hóa chủ trương đó là việc xây dựng một “Chính phủ minh bạch, kiến tạo, liêm khiết”. 

Thế nào là một chính phủ “minh bạch, kiến tạo, liêm khiết”?

Theo suy nghĩ của người dân, một “Chính phủ minh bạch, kiến tạo, liêm khiết” phải bảo đảm:

- Chủ trương, đường lối, chính sách trước hết phải hợp lòng dân, muốn thế phải minh bạch với dân, phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và các chuẩn mực quốc tế;

- Bộ máy Chính phủ từ trung ương xuống địa phương phải luôn chủ động, sáng tạo, quan trọng nhất là khả năng dự báo, nói khác đi là tầm nhìn chiến lược về kinh tế, xã hội, an ninh quốc gia trong nhiều năm chứ không chỉ trong nhiệm kỳ;

- Đội ngũ cán bộ, công chức tất cả các cấp phải thượng tôn pháp luật, phải có đủ học vấn để tiếp thu kiến thức mới, đủ năng lực xử lý các tình huống đột xuất, riêng người đứng đầu cần đủ liêm chính để biết khi nào thì cần từ chức, khi nào cần trao quyền lực cho thế hệ kế cận.

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng! ảnh 4Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi”

Việc đóng dấu “Mật” vào hợp đồng kinh tế giữa một doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vụ Mobifone mua AVG có phải là “minh bạch”?

Việc có tới 5 bộ và cơ quan ngang bộ (Văn phòng Chính phủ, Thông tin và truyền thông, Kế hoạch và đầu tư, Công an, Tài chính) cùng tham gia vào hợp đồng mua bán giữa Mobifone và AVG có phải là “kiến tạo”, có phù hợp với chủ trương “một cửa” được đưa ra từ nhiều năm nay hay không?  

Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Bí thư, nguy cơ tài sản công mất cả nghìn tỷ đồng chỉ trong một hợp đồng kinh tế có cho thấy sự “liêm khiết” của một số cán bộ trong những đơn vị liên quan đến thương vụ mua bán này?  

Sự kiện thứ 2 như đã nói, ngược hoàn toàn với sự kiện thứ nhất.  

Hai bộ Tài chính và Nội vụ không đồng thuận với quy định ghi tại khoản 23 điều 1 Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đệ trình Quốc hội dự thảo này.

Để hiểu thêm về sự không đồng thuận này, có thể xem trích dẫn trên báo Infonet.vn:

Bộ Tài chính “đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, trình Quốc hội phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo”.

Còn Bộ Nội vụ “đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại khoản 23 Điều 1 Dự án Luật”. [6]

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng! ảnh 5Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 4/11/2013 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, tại khoản 1, mục I  ghi:

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”.

Mục III “Nhiệm vụ và giải pháp”, khoản 6 ghi: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Tìm hiểu trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua) thấy ghi:

Điều 2. Đảng viên có nhiệm vụ: 

1. Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng...)”;

Khoản 4 điều 9 ghi: “Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng.

Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”.

Đến đây thì cần phải nêu mấy câu hỏi:

Thứ nhất: Lãnh đạo hai bộ Nội vụ và Tài chính có cần “chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng…” khi phản biện Luật Giáo dục?

Thứ hai: Tổ chức đảng và đảng viên được giao nhiệm vụ xem xét dự thảo Luật Giáo dục có cần “phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương”?

Nêu hai câu hỏi này bởi Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư ký ghi rõ:

Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. 

Vậy tại sao Bộ Nội vụ lại yêu cầu Quốc hội phải chờ “Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp” rồi mới xem xét?

Quá nóng, quá lạnh đều mất ngủ, chỉ có heo may là yên giấc nồng! ảnh 6Hai Bộ không muốn “lương nhà giáo cao nhất” là thể hiện thái độ gì?

Ý kiến của Bộ Nội vụ có nghĩa là ngành Giáo dục không được phép “được ưu tiên đi trước” như đã nêu trong Nghị quyết của Trung ương?

Bằng ý kiến của mình, hai bộ Nội vụ và Tài chính đang thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ Đảng và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hay ngược lại?

Đến đây xuất hiện thêm câu hỏi thứ ba:

“Ý kiến phản biện tại Quốc hội (về dự thảo Luật Giáo dục) phản ảnh chính xác quan điểm của hai bộ Nội vụ và Tài chính hay chỉ là ý kiến của một số cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo?”.

Trách nhiệm của người duyệt và trình bày quan điểm đó trước Quốc hội đến đâu?

Nếu các ban, ngành của Đảng khẳng định quan điểm của hai bộ này trái nghị quyết Trung ương và không tuân theo Điều lệ Đảng thì cần “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc” hay sẽ bỏ qua?

Muốn giành thắng lợi cuộc chiến chống tham nhũng, có chủ trương, chính sách đúng chưa đủ, cần phải có một đội ngũ cán bộ đủ tâm và tầm, đội ngũ đó phải “giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Một đề xuất có lợi cho cán bộ thì cố đưa vào luật, một đề xuất quan tâm đến hàng triệu nhà giáo thì bị đề nghị tạm dừng, thế thì những đơn vị liên quan thuộc Chính phủ đang phục vụ ai?

Những gì mà Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đề xuất tại Quốc hội có nên được đánh giá khách quan, có nên được Trung ương xem xét để không lặp lại?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/PhongChongThamNhung/View_Detail.aspx?ItemID=541

[2] http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ngan-chan-tham-nhung-chinh-sach-496591

[3] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/lo-ty-le-an-chia-duong-day-co-bac-nghin-ty-huy-hop-dong-avg-mobifone-20180318064652553.htm

[4]http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/kinh-te/thu-thue-45-tai-san-bat-minh-lieu-co-tiep-tay-voi-tham-nhung-226714.html

[5] http://baonghean.vn/danh-thue-45-tai-san-bat-minh-se-mo-duong-rua-tien-186128.html

[6] http://infonet.vn/khi-nao-luong-nha-giao-duoc-xep-cao-nhat-trong-bac-hanh-chinh-su-nghiep-post256532.info

Xuân Dương