LTS: Bàn về việc đào tạo giáo viên, thầy giáo Nhật Duy đặt câu hỏi về tính cần thiết của việc đào tạo ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tại các trường cao đẳng sư phạm.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Tình trạng nhiều sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, giáo viên đang giảng dạy bị cắt hợp đồng đã khiến cho công tác tuyển sinh của nhiều trường sư phạm không tuyển được đầu vào, hoặc tuyển được thì chất lượng đầu vào cũng không cao.
Mặc dù năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương quy định mức điểm sàn, giảm chỉ tiêu nhưng nhiều ngành học vẫn khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Đặc biệt là bậc cao đẳng sư phạm ở các địa phương.
Nên chăng, đã đến lúc ngành giáo dục và các địa phương nghĩ đến phương án ngưng tuyển sinh và đào tạo các ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội trong các trường cao đẳng sư phạm.
Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai |
Thực tế, các văn bản hướng dẫn gần đây về chuẩn giáo viên thì những giáo viên hệ cao đẳng cũng đã mất hẳn vị thế của mình trong việc đánh giá, xếp loại chuẩn giáo viên.
Hàng mấy chục năm qua, các trường cao đẳng sư phạm đã đảm nhận vai trò đào tạo nguồn nhân lực cấp Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non cho các địa phương tương đối tốt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì có lẽ sứ mệnh của các trường cao đẳng sư phạm đã hết.
Bởi, các trường đại học sư phạm được mở nhiều. Có những địa phương trường cao đẳng nằm trong quản lý của trường đại học và cùng mở một ngành học như nhau.
Cao đẳng sư phạm nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh là động tác không đẹp! |
Chính vì thế, nguồn tuyển ít nên học sinh đương nhiên sẽ thi hoặc xét tuyển vào hệ đại học.
Từ đó, nhiều ngành của bậc cao đẳng mai một dần, nhiều ngành phải giải tán hoặc không thể mở được lớp học.
Điều quan trọng là sinh viên đại học sư phạm ra trường còn không xin được việc thì nói gì đến sinh viên bậc cao đẳng.
Chính sự mất giá của sinh viên sư phạm nói chung và sinh viên bậc cao đẳng nói riêng đã dẫn đến tình trạng các trường cao đẳng sư phạm lao đao trong công tác tuyển sinh.
Trong năm học vừa qua, báo chí đã phản ảnh nhiều về Trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị.
Trường hợp Khoa Tự nhiên của trường này chỉ đào tạo có… 5 sinh viên.
Khóa 20 của trường (2015-2018) chỉ tuyển được 2 lớp gồm 5 sinh viên.
Lớp Toán - Sinh có 3 sinh viên, lớp Hóa- Sinh 2 sinh viên.
Khóa 21 (2016-2019) khoa này tuyển được 7 sinh viên nhưng sau 1 năm, một nửa thì bỏ học, một nửa thì chuyển sang khoa khác dẫn đến việc “trắng” sinh viên.
Đến khóa 22 (2017-2020), khoa Tự nhiên của trường không tuyển được sinh viên nào vào học.
Rõ ràng việc mỗi khoa sư phạm có hàng chục giảng viên mà chỉ đào tạo có 5 sinh viên cho 2 lớp là điều bất cập và vô cùng lãng phí.
Năm nay, mới bước vào tuyển sinh nguyện vọng 1 thì dư luận phải chứng kiến một câu chuyện bi hài ở Trường cao đẳng sư phạm Gia Lai khi cả trường chỉ có 1 thí sinh đăng kí vào Khoa Ngữ văn.
Mặc dù thí sinh này đạt 22,5 nhưng vẫn… rớt vì trường lấy điểm chuẩn là 23.
Khi mới công bố điểm chuẩn chắc nhiều người ngỡ ngàng vì điểm sàn đại học sư phạm mà Bộ đưa ra chỉ 17 điểm, đằng này trường cao đẳng có điểm chuẩn tới 23 nhưng rồi dư luận cả nước phải …phì cười vì chủ trương của nhà trường đành phải đánh rớt học trò.
Suy cho cùng, dù vi phạm quy chế tuyển sinh nhưng nếu đào tạo 1 thí sinh cho cả khóa học 3 năm thì phi lý vô cùng.
Không chỉ Trường cao đẳng Gia Lai mà nhiều trường cao đẳng sư phạm khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Bậc cao đẳng của Trường Đại học Đồng Nai có 4 ngành học không tuyển được sinh viên nào cho dù chỉ tiêu mỗi ngành là 20 thí sinh, đó là sư phạm Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học và Giáo dục thể chất;
Trường cao đẳng sư phạm Ninh Thuận không tuyển được thí sinh cho lớp Tin học, lớp sư phạm tiếng Anh chỉ tuyển được 10 thí sinh;
Trường cao đẳng sư phạm Đắk Lắk có số thí sinh trúng tuyển đợt 1 cũng rất ít.
Bậc trung học cơ sở sẽ đóng chặt cửa tuyển dụng với sinh viên cao đẳng sư phạm? |
Sư phạm Toán được 3 thí sinh, Sư phạm tiếng Anh 3, Sư phạm Ngữ văn 3, Sư phạm Địa lý 2, đặc biệt Sư phạm Sinh học chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển.
Không chỉ bậc cao đẳng khó tuyển sinh mà ngay cả bậc đại học được đảm bảo đầu ra như Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trường chủ trương mở 4 lớp sư phạm đào tạo chất lượng cao, mỗi lớp 20 chỉ tiêu nhưng cuối cùng chỉ mới tuyển được 1 thí sinh cho ngành Sư phạm Toán, 6 thí sinh cho ngành Ngữ văn, 13 thí sinh cho ngành Lịch sử, còn ngành Vật lý thì không có em nào.
Điều này cho ta thấy nhiều bạn trẻ không hào hứng với khối ngành sư phạm.
Nhiều thí sinh ở Thanh Hóa khi nghe chúng tôi trao đổi về các lớp sư phạm này đảm bảo đầu ra sao không học thì có nhiều em đã nói:
Với mặt bằng điểm thấp như năm nay mà được 24 điểm thì dại gì phải học sư phạm. Điểm đó đủ để vào một số ngành học danh giá khác.
Từ việc tuyển sinh khối sư phạm, nhất là đối với những trường cao đẳng cho chúng ta thấy bức tranh của bậc học này đang đứng trước nhiều thử thách.
Bởi thực tế, bậc cao đẳng hiện nay chỉ hút được một lượng thí sinh vào khối Mầm non và Tiểu học.
Riêng các ngành đào tạo Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì từ lâu thí sinh đã không còn mặn mà.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế đất nước vì theo Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo thì tiến tới giáo viên từ bậc tiểu học đến dạy nghề phải đạt trình độ đại học trở lên.
Và, trong các dự thảo về Chuẩn giáo viên mà Bộ vừa mới công bố để lấy ý kiến dư luận cũng đều hướng tới chuẩn giáo viên các cấp học phổ thông là đại học thì học cao đẳng đâu còn phù hợp nữa.
Thí sinh không mặn mà với nhiều ngành học của bậc cao đẳng sư phạm, các hướng dẫn của ngành giáo dục đều hướng tới chuẩn giáo viên là phải đạt chuẩn đại học.
Nhiều khoa sư phạm của các trường cao đẳng đào tạo èo uột, không có sinh viên.
Vì thế, đã đến lúc các cơ quan chức năng nghĩ đến phương án ngưng đào tạo các ngành này.
Suy cho cùng, sự tồn tại của nhiều khoa của bậc cao đẳng sư phạm không tuyển được sinh viên thì rất lãng phí ngân sách để duy trì đội ngũ giảng viên và đầu tư cho cơ sở vật chất của nhà trường.