Đề xuất mức phụ cấp cho GVMN từ 0,3-0,5 lương cơ sở nếu thuộc ngành nghề độc hại

17/08/2023 06:37
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Có thể quy định mức phụ cấp độc hại học giáo viên mầm non giống như phụ cấp chức vụ, trách nhiệm (có thể từ 0,3-0,5 mức lương cơ sở)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Thông tin này vẫn đang nhận được sự quan tâm, chờ đợi của giáo viên mầm non, lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo.

Song theo nhiều ý kiến, nếu nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, việc chi trả phụ cấp độc hại nên được cấp từ trung ương; còn nếu để huyện, địa phương triển khai tuỳ vào điều kiện thực tế thì sẽ rất khó khăn.

Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai

Ảnh minh hoạ: Ngọc Mai

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Phan Ngọc Nam – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, nếu nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì giáo viên mầm non sẽ hưởng thêm một số quyền lợi.

Thứ nhất, giáo viên mầm non mang thai sẽ được chuyển sang làm các công việc nhẹ nhàng hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thứ hai, nếu là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ được nghỉ hưu sớm hơn 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, rất hợp lý.

Thứ ba, nằm trong nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non sẽ hưởng chế độ phụ cấp độc hại. Tuy nhiên, trong Bộ Luật Lao động 2019 chưa quy định rõ mức phụ cấp cho người lao động trong ngành nghề nặng nhọc, độc hại là bao nhiêu.

"Nếu được thêm phụ cấp độc hại cho giáo viên mầm non khi là ngành nghề nặng nhọc, độc hại có thể quy định mức phụ cấp này giống như phụ cấp chức vụ, trách nhiệm (có thể từ 0,3-0,5 mức lương cơ sở)”, thầy Nam chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi, việc đưa nghề giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng có một số khó khăn. Đơn cử, hiện nay huyện Bắc Trà My đang thiếu giáo viên mầm non. Do đó, khi giảm 1 giờ làm việc/ngày đối với giáo viên mầm non mang thai sẽ càng làm cho tình trạng thiếu giáo viên căng thẳng hơn.

Huyện Bắc Trà My có 15 trường mầm non. Trong đó, 7 trường mầm non tổ chức ăn bán trú, còn lại chưa đủ điều kiện để tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Có các điểm trường mầm non 2 giáo viên, nhưng cũng có điểm trường 1 giáo viên. Đối với lớp có 2 giáo viên, nếu 1 giáo viên nghỉ thì khối lượng công việc của giáo viên còn lại nhiều hơn. Đặc biệt, đối với lớp chỉ có 1 giáo viên, khi giáo viên mang thai được nghỉ 1 giờ làm việc/ngày thì cũng không thể cho học sinh nghỉ học sớm hơn 1 giờ giống như giáo viên.

"Theo tôi, với đặc thù điểm trường mầm non vùng núi đang thiếu giáo viên, không thể giảm 1 giờ làm việc/ngày đối với giáo viên mầm non mang thai nên có thể quy đổi số giờ nghỉ này bằng hỗ trợ kinh phí để bồi dưỡng cho giáo viên”, thầy Nam chia sẻ.

Thầy Nam cũng cho rằng, nếu nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại, đối với các huyện khó khăn, việc chi trả phụ cấp độc hại nên được cấp từ trung ương, còn nếu để huyện, địa phương triển khai tuỳ vào điều kiện thực tế thì sẽ rất khó khăn cho huyện Bắc Trà My nói riêng.

“Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ cụ thể hoá, chi tiết những chế độ, phụ cấp sao cho phù hợp khi đưa nghề giáo viên mầm non thuộc ngành nghề nặng nhọc, độc hại", thầy Nam chia sẻ.

Thầy Nguyễn Trường Chinh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai) cho biết, ý nghĩa lớn nhất khi nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại là giáo viên được tăng thêm khoản thu nhập từ phụ cấp độc hại. Ngoài ra, việc nằm trong ngành nghề nặng nhọc, độc hại cũng đánh giá thực chất mức độ vất vả của giáo viên mầm non. Từ đó tạo động lực cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ, gắn bó, yên tâm công tác.

Chia sẻ về nỗi vất vả của giáo viên mầm non trên địa bàn thị xã, thầy Chinh cho biết, giáo viên mầm non ngoài giảng dạy ở trường chính còn có giáo viên dạy tại các điểm trường. Gần như công việc: dạy học, nấu ăn, chăm sóc, trông coi trẻ,… giáo viên mầm non ở điểm trường phải tự làm nên rất vất vả, nhất là điểm trường có 1 giáo viên.

Áp lực thời gian, khối lượng công việc nhiều khiến sức khỏe thể chất, tinh thần của giáo viên mầm non bị ảnh hưởng. Chính điều này khiến thị xã xuất hiện tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc để đi làm các công việc khác đỡ vất vả nhưng mức thu nhập tương đương hoặc cao hơn.

Do đó, thầy Chinh cho rằng, ngoài đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành giáo dục nên có thêm chế độ ưu đãi đặc biệt đối với giáo viên mầm non. Ví dụ, đối với giáo viên mầm non vùng cao có thể cấp đất, nhà ở tại nơi họ công tác để giáo viên yên tâm làm việc ở trường vùng sâu vùng xa.

Tiếp cận dưới góc độ cơ sở giáo dục, cô Nguyễn Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) cho biết rất đồng tình nếu đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bởi vì, giáo viên mầm non sẽ hưởng các quyền lợi như: phụ cấp nghề nặng nhọc độc hại, nghỉ ốm đau, nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ Luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu.

Tuy nhiên, với đặc thù tính chất công việc hiện tại, giáo viên mầm non hầu hết phải làm việc vượt quá thời gian quy định. Hơn nữa, giáo viên mầm non có chế độ nghỉ hè 2 tháng, giáo viên nữ nghỉ thai sản 6 tháng. Do đó, để không làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay, quy định nghỉ phép năm cần rõ ràng nếu nghề giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

“Với việc đưa nghề giáo viên mầm non vào nhóm ngành nặng nhọc, độc hại cũng thể hiện sự ghi nhận đúng đắn về tính chất công việc của giáo viên mầm non, động viên các thầy, cô vơi bớt những nhọc nhằn, vất vả trong quá trình công tác, nhất là chia sẻ với giáo viên ngày đêm bám trường, bám bản, đi từng nhà vận động phụ huynh cho trẻ ra lớp”, cô Hạnh chia sẻ.

Ngọc Mai