Áp dụng những cách này, không cần cấm thì dạy thêm cũng hết đất sống

12/06/2016 07:07
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu chỉ cấm dạy thêm, học thêm mà ngành giáo dục không đưa ra được những giải pháp khác hữu hiệu hơn thì lệnh cấm ấy cũng khó thực thi một cách hiệu lực.

LTS: Nhiều ý kiến đồng tình sau chỉ đạo của Bí thư thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về việc từ năm học tới thành phố phải chấm dứt dạy thêm học thêm, ngoại trừ phụ đạo học sinh yếu.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, không phải cứ cấm đoán là giải quyết được vấn đề. Vậy lí do nào khiến việc dạy thêm, học thêm chưa chấm dứt?

Hôm nay, trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết chỉ ra nguyên nhân đó. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Cấm giáo viên dạy thêm nhưng vẫn cho phép các trung tâm dạy thêm thì tình trạng học sinh học thêm tràn lan vẫn sẽ diễn ra như bình thường.
 
Khi đó, số lượng học sinh đổ về trung tâm quá đông nên học phí vì thế cũng sẽ được nâng lên. Giáo viên bị cấm dạy thêm nhưng không ai cấm họ kèm thêm cho học sinh. 

Bởi thế, phụ huynh phải chi trả một khoản tiền học phí cao hơn bình thường mới thuê được giáo viên kèm riêng cho con mình. 

Sau lệnh cấm dạy thêm thì người thiệt thòi vẫn là học sinh và phụ huynh (Ảnh: cand.com.vn)
Sau lệnh cấm dạy thêm thì người thiệt thòi vẫn là học sinh và phụ huynh (Ảnh: cand.com.vn)

Vậy là sau lệnh cấm, người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là học sinh và gia đình của các em.

Với sĩ số lớp học của chúng ta hiện nay, gần 50 học sinh/lớp ở cả bậc trung học phổ thông và trung học cơ sở. 

Thời lượng 45 phút cho một tiết dạy với lượng kiến thức khổng lồ, chưa nói, trong một lớp có đến mấy trình độ học lực. Có em học yếu, tiếp thu chậm. Em lại quá giỏi cần thầy cô giảng kiến thức nâng cao hơn. 

Áp dụng những cách này, không cần cấm thì dạy thêm cũng hết đất sống ảnh 2

Cha mẹ có dám cho con ngừng học thêm?

(GDVN) - Những việc trong tầm tay của bậc cha mẹ như đồng hành cùng con, giải tỏa áp lực việc học của con, trao đổi cùng con, chuyện ngừng học thêm đã có chưa?

Dù thầy cô tâm huyết thế nào cũng không có thể vừa kèm, phụ đạo cho những học sinh yếu, vừa bồi dưỡng nâng cao cho những học sinh giỏi. Bởi trong lớp còn có mấy chục học sinh khác cũng đang cần sự hướng dẫn, giảng dạy của giáo viên. 

Không hiểu bài buộc học sinh phải đi học thêm. Trong thực tế, nhiều học sinh đi học thêm không phải học chính thầy cô giáo đang dạy mình.

Nên không thể nói tình trạng học thêm tràn lan như hiện nay là do thầy cô giáo tìm nhiều cách để ép buộc học sinh.
 
Mặc dù vẫn còn đâu đó một số thầy cô giáo có cái tâm chưa sạch dùng nhiều “chiêu” thức để dụ, ép học sinh. Nhưng số lượng thầy cô làm việc này không nhiều. 

Có rất nhiều giáo viên dạy thêm nhưng chỉ thu tiền những học sinh có điều kiện. Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn luôn được thầy cô giáo dạy thêm miễn phí. 

Học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh, phụ huynh và dạy thêm cũng là nhu cầu chân chính của các thầy cô giáo. Họ đem kiến thức của mình truyền đạt cho học sinh với mong muốn các em học ngày một tốt hơn thì chẳng có gì đáng xấu hổ. 

Nay vì học sinh bị áp lực học nhiều quá mà cấm thầy cô không được dạy thêm cũng chưa phải là cách tốt nhất. 

Áp dụng những cách này, không cần cấm thì dạy thêm cũng hết đất sống ảnh 3

Tại sao mặc định là giáo viên thì không được giàu?

(GDVN) - Lâu nay nhiều người vẫn rêu rao câu “nhà văn, nhà giáo, nhà báo nhà nghèo" và mặc định rằng trong số đó, nhà giáo "phải nghèo".

Nếu chỉ cấm mà ngành giáo dục không đưa ra được những giải pháp khác hữu hiệu hơn thì lệnh cấm ấy cũng khó thực thi một cách hiệu lực. 

Khi con mình học yếu, phụ huynh không thể làm ngơ. Con mình cần được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, cha mẹ cũng không thể ngăn cấm. Vậy là nhiều gia đình lại năn nỉ thầy cô giáo dạy kèm cho các em. 

Nếu chỉ dạy kèm vài ba học sinh thì không vi phạm. Nhưng dạy và học kiểu này chỉ có những em thuộc gia đình khá giả mới có cơ hội khiến những học sinh thuộc gia đình khó khăn sẽ càng chịu thiệt thòi hơn khi không có điều kiện để đi học thêm. 

Dù thương trò, thầy cô cũng không thể cho em theo học ở lớp mình dạy kèm bởi như thế sẽ tăng số lượng học sinh đi học là thầy cô sẽ vi phạm quy định cấm.
Làm thế nào để học sinh không phải đi học thêm mà vẫn tiếp thu được bài mà vẫn nâng cao được kiến thức? Nếu giải quyết được điều này thì đâu cần đến lệnh cấm?

Bộ GD&ĐT cần phải giảm nhẹ chương trình học tập nặng nề như hiện nay cho học sinh. Sĩ số học sinh ở từng lớp cũng phải được giảm xuống khoảng 20 học sinh/lớp. 

Nhà nước cần đầu tư cho Giáo dục một khoản ngân sách để chi trả cho giáo viên khi được phân công dạy phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi trong trường học mà không thu tiền của phụ huynh học sinh. 

Tuyệt đối không cho phép các trung tâm mở các lớp học thêm cho học sinh ở cả 3 bậc học. 

Làm được điều này, chắc chắn chẳng còn ai muốn cho con đi học thêm nữa.

Phan Tuyết