Dạy thêm tràn lan vì có sự tiếp tay của quản lý, thanh tra giáo dục ở cơ sở?

29/11/2017 07:03
Hải Đăng
(GDVN) - Trong rất nhiều nguyên nhân để tình trạng dạy thêm, học thêm tồn tại thì trách nhiệm quản lý việc dạy thêm, học thêm đang bị các cơ quan quản lý buông lỏng.

LTS: Trong suốt một thời gian dài, vấn đề dạy thêm học thêm đã trở thành chủ đề nóng trên các diễn đàn và được xem là vấn nạn của xã hội.

Trước thực trạng đó, tác giả Hải Đăng đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết nhằm chỉ ra nguyên nhân của vấn đề trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã rất nỗ lực chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng dường như câu chuyện dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan và luôn nóng trên các diễn đàn.

Trong rất nhiều nguyên nhân để tình trạng dạy thêm, học thêm tồn tại thì trách nhiệm quản lý việc dạy thêm, học thêm đang bị các cơ quan quản lý buông lỏng.

Câu hỏi được không ít người đặt ra: Có hay không sự tiếp tay của các cấp có thẩm quyền và cá nhân liên quan?

Vấn nạn dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa: daidoanket.vn)
Vấn nạn dạy thêm, học thêm (Ảnh minh họa: daidoanket.vn)

Những điều vi phạm

Hiện nay ở nhiều địa phương chủ yếu còn tồn tại hai hình thức dạy thêm, đó là dạy thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài trung tâm bồi dưỡng văn hóa.

Cả hai hình thức dạy thêm này đang vi phạm những điều quy định trong Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.

Thứ nhất, Thông tư quy định khi tổ chức dạy thêm trong nhà trường “học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường;

Cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết”.

Thế nhưng trong thực tế chẳng có mấy phụ huynh tự nguyện viết đơn. Hoặc do con thúc dục trước sự thúc ép của giáo viên, hoặc có sẵn lá đơn thầy cô phô tô về gia đình chỉ việc kí là xong.

Thứ hai, “không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh”.

Có thể khẳng định gần như rất ít trường học hoặc trung tâm bồi dưỡng kiến thức làm được điều này. Đơn giản chỉ vì nếu phân học sinh theo trình độ sẽ có lớp được dăm bảy em nhưng có lớp tới vài chục em.

Dạy thêm tràn lan vì có sự tiếp tay của quản lý, thanh tra giáo dục ở cơ sở? ảnh 2

Đa số giáo viên dạy thêm vì….tiền

Và thế thì chẳng đủ số lượng học sinh từng lớp, gây khó khăn cho việc chi trả thù lao dạy thêm của giáo viên vì số lượng học sinh các lớp quá chênh lệch.

Chẳng hạn, lớp yếu, lớp giỏi chỉ có vài em trong khi lớp trung bình và khá có tới vài chục em. Thế là, các trường cứ cộng tất cả và chia đều ra từng lớp.

Điều này có cái lợi, giáo viên sẽ được chia tiền thù lao ngang bằng nhau nhưng học sinh lại vô cùng thiệt thòi khi học sinh yếu kém không được phụ đạo, kèm thêm. Học sinh giỏi không thể học nâng cao kiến thức.

Thứ ba, “không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa”.

Một giáo viên dạy thêm bật mí với người viết:

“Không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa sẽ chẳng bao giờ có học trò đi học.

Vì hầu như các em học không quan tâm đến kiến thức mình tiếp thu được gì mà quan tâm đến điểm số là chính. Không dạy trước chương trình, không nhá đề, mớm đề kiểm tra sao có thể dụ các em tới lớp?”

Thế là kiến thức cũ dù có khá nhiều học sinh bị hổng, nắm chưa chắc cũng không được ôn lại mà còn phải học tiếp những kiến thức sẽ học vào ngày mai, ngày mốt.

Thứ tư, “không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.

Ở các trung tâm bồi dưỡng học văn hóa mà thực chất là cơ sở hợp pháp để giáo viên núp bóng dạy thêm, có thể khẳng định gần như 100% học trò học nơi đây đều do chính giáo viên dạy các em trên trường chiêu dụ đến.

Nếu không thế, chẳng có mấy giáo viên có đủ sức hút kéo các em học sinh lớp khác lại phía mình.

Do Thông tư 17 quy định giáo viên “không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Dạy thêm tràn lan vì có sự tiếp tay của quản lý, thanh tra giáo dục ở cơ sở? ảnh 3

Trung tâm gia sư bắt tay với giáo viên lùa học sinh đến lớp học thêm

Lợi dụng điều này, phần đông giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông dạy các môn có thể dạy thêm đều thi nhau mở trung tâm bồi dưỡng kiến thức.

Thế nên, học trò mình dẫn về dạy tại trung tâm của mình đang là tình trạng khá phổ biến hiện nay ở nhiều địa phương.

Có hay không sự bao che?

Có sự bao che để tình trạng dạy thêm tồn tại hay không? Chhỉ biết rằng không ít lần học sinh đi học thêm được thông báo nghỉ bất thường. Được biết những hôm ấy cũng có đoàn thanh tra về kiểm tra.

Một số giáo viên kể lại, họ kiểm tra dạy thêm chủ yếu xem giáo viên có giấy phép hay không? Học sinh có đơn xin học? Phòng học có đủ ánh sáng? Chỗ ngồi? có bảng chống lóa?...là xong.

Và bao giờ cũng thế, kết thúc vài ngày kiểm tra thường ở một nhà hàng khá nổi tiếng.

Trong khi giáo viên dạy cái gì? Có phải dạy chính học sinh lớp chính khóa của mình hay không lại chẳng ai đề cập đến.

Bên cạnh đó, việc dễ dãi để cấp giấy phép mở trung tâm bồi dưỡng kiến thức một cách tràn lan hiện nay cũng chính là nguyên nhân để việc dạy thêm không thể nào chấm dứt.

Hải Đăng