Những điều cần biết khi cho trẻ học tiếng Anh

Những điều cha mẹ thực sự cần biết khi cho trẻ học tiếng Anh

28/03/2014 09:41
Trần Hường
(GDVN) - Cha mẹ chính là những người lý tưởng nhất để động viên và giúp đỡ các em. Người lớn nên cùng học với trẻ ngay cả khi chúng ta chỉ có kiến thức tiếng Anh cơ bản

Trẻ nhỏ là những đối tượng tiếp cận ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất, hoàn toàn mang tính bản năng mà không có nhận thức về việc học như thiếu niên và người lớn.

Các em có khả năng bắt chước cách phát âm và đặt ra những quy tắc của chính mình. Thêm vào đó, trẻ nhỏ không có suy nghĩ rằng giao tiếp bằng tiếng Anh rất khó trừ khi người lớn, đã học tiếng Anh một cách lý thuyết thông qua sách giáo khoa ngữ pháp ở một độ tuổi lớn hơn, nói với các em như vậy.

Những lợi thế khi cho trẻ học tiếng Anh từ sớm

·   Trẻ em luôn sử dụng chiến lược học ngôn ngữ bẩm sinh của cá nhân để tiếp thu ngôn ngữ mẹ đẻ và sẽ sớm sử dụng những chiến lược này để học tiếng Anh.

·   Trẻ nhỏ có thời gian để học qua những hoạt động vui chơi. Các bé học ngôn ngữ thông qua việc tham gia những hoạt động với người lớn. Đầu tiên là nhận thức về hành động, sau đó các em tiếp nhận ý nghĩa từ ngôn từ mà người lớn nói.

·   Trẻ em có nhiều thời gian để sắp xếp tiếng Anh vào các hoạt động, chượng trình hàng ngày. Các chương trình ở trường thường không theo trật tự mà trẻ nhỏ thì chưa thể sắp xếp và lưu trữ thông tin một cách nhanh chóng.

Các giai đoạn học Tiếng Anh

Ngôn ngữ giao tiếp đến một cách tự nhiên trước khi chúng ta biết đọc và viết.

1.Giai đoạn yên lặng

Khi trẻ học tiếng mẹ đẻ, có một giai đoạn gọi là “yên lặng”. Đó là khi chúng chỉ quan sát và lắng nghe, đồng thời giao tiếp thông qua biểu cảm trên gương mặt hay ngôn ngữ cơ thể trước khi biết nói.

Khi trẻ nhỏ học Tiếng Anh cũng sẽ có một giai đoạn “yên lặng” như vậy. Trong thời gian này, cha mẹ không nên buộc trẻ tham gia các cuộc hội thoại bằng cách bắt các em lặp lại các từ.

Hội thoại giao tiếp nên xuất phát từ một phía, lắng nghe các cuộc nói chuyện của người lớn chính là lúc trẻ em tiếp cận ngôn ngữ.

2.Giai đoạn tập nói

Sau một thời gian, tùy thuộc vào tần suất tiếp xúc với Tiếng Anh, mỗi trẻ (bé gái thường nhanh hơn bé trai) bắt đầu phát âm những từ đơn (cat, house) hay những cụm từ ngắn  (‘What’s that?’, ‘It’s my book’, ‘Time to go home’) trong các cuộc hội thoại.

Trẻ em ghi nhớ chúng, bắt chước chính xác cách phát âm mà không nhận ra rằng mình đang nói nhiều hơn một từ.

Giai đoạn này kéo dài đến khi trẻ em có đủ vốn từ và sử dụng nó như một lối tắt trong các cuộc hội thoại trước khi chúng sẵn sàng tạo ra cách diễn đạt của mình.

3.Giai đoạn tạo lập ngôn ngữ

Theo thời gian, trẻ em sẽ tạo dựng những cách nói bao gồm một từ đã được ghi nhớ với những từ mà chúng mới học được (‘a dog’, ‘a brown dog’, ‘a brown and black dog’)  hay  với một từ mà các em tự suy luận ra.

Phụ thuộc vào mức độ thường xuyên của việc tiếp xúc với tiếng Anh và chất lượng bài học mà trẻ em dần bắt đầu tạo ra được một câu hoàn chỉnh.

Thất vọng và cách xử trí

Sau cảm giác mới lạ khi bắt đầu học, một vài trẻ bắt đầu chán nản vì không có khả năng bày tỏ suy nghĩ của mình bằng Tiếng Anh hay chưa thể nói tiếng Anh lưu loát như tiếng mẹ đẻ.

Thất vọng có thể dễ dàng vượt qua nếu trẻ được học những bài mang tính”biểu diễn” ví dụ như đọc từ 1 đến 10, hay những bài thơ có vần điệu, có chứa những cụm từ thường dùng.

Không nên nói với trẻ rằng các em nói sai bởi vì bất cứ sự điều chỉnh ngay lập tức nào đều không mang tính khuyến khích.

Lỗi là một phần của việc học ngữ pháp và giao tiếp tiếng Anh. Những lỗi như “I goed” sẽ sớm được sửa thành “I went” khi các em nghe người lớn nói  “Yes, you went”, hay “zee bus” thành “the bus”.

Giống như khi học tiếng mẹ đẻ, nếu trẻ có cơ hội nghe người lớn lặp đi lặp lại nhiều lần chính xác cùng một từ, các em sẽ sớm tự sửa cách nói của bản thân.

Khác biệt về giới

Não bộ của bé trai và bé gái phát triển khác nhau và điều này ảnh hưởng phần nào đến việc học ngoại ngữ và việc sử dụng chúng.

Đôi khi trong những lớp học chung cả trai và gái, bé trai thường bị “lép vế” bởi khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách tự nhiên của các bạn nữ.

Để bé trai đạt đến tiềm năng của mình, các em cần sự trải nghiệm ngôn ngữ khác với bé gái và không nên so sánh thành tích của các bé với nhau.

Môi trường học ngoại ngữ

Trẻ em cảm thấy khó học Tiếng Anh là do không được tạo một môi trường phù hợp, cùng với đó là phương pháp hỗ trợ của bố mẹ.

  • Trẻ cần cảm thấy an tâm và hiểu được một vài lý do xác đáng cho việc học tiếng Anh
  • Những hoạt động trên lớp cần có liên hệ với những hoạt động hàng ngày của các em, những thứ các em đã quen ví dụ như cùng đọc sách ảnh tiếng Anh, nói những câu có vần, hay kể cả một bữa ăn nhẹ có liên quan đến tiếng Anh.
  • Các hoạt động trên cần có sự tham gia của người lớn bằng cách đưa ra bình luận về những gì đang diễn ra và tạo hội thoại sử dụng tiếng Anh.
  • Các bài học nên được trình bày sôi nổi và sinh động, tập trung vào những nội dung mà trẻ đã làm quen trong ngôn ngữ mẹ đẻ. Với cách này, trẻ học được cả hai thứ, một khái niệm mới và một ngôn ngữ mới, nhưng chỉ dùng tiếng Anh để nói về những gì các em đã biết.
  • Các hoạt động phải gắn liền với đối tượng cụ thể để giúp tăng hiểu biết và sự thích thú của trẻ.

Đọc hiểu

Những trẻ đã biết đọc ngôn ngữ mẹ đẻ thường muốn tìm hiểu để đọc tiếng Anh. Các em đã biết cách giải mã các từ để nắm bắt được ý nghĩa, và nếu không được dạy cách làm việc với tiếng Anh, rất có thế trẻ sẽ sử dụng phương pháp đọc tiếng bản ngữ của mình để đọc tiếng Anh.

Trước khi hiểu được tiếng Anh, trẻ cần biết cách phát âm 26 chữ cái. Tiếng Anh có 26 chữ cái nhưng có đến khoảng 44 âm tiết (tiếng Anh chuẩn), việc dạy những âm tiết còn lại nên để đến khi trẻ đã làm quen với việc sử dụng và đọc tiếng Anh.

Bắt đầu đọc Tiếng Anh sẽ dễ dàng nếu trẻ biết về ngôn ngữ mà các em đang đọc. Nhiều trẻ tập đọc nhanh hơn và sẽ nhớ tốt hơn khi các em cùng đọc sách ảnh với người lớn, học câu có vần điệu.

Cho trẻ đọc những thứ mình thích để trẻ có cơ hội tự giải nghĩa từ ngữ. Một khi các em đã tạo cho mình một vốn từ để đọc hiểu, các em sẽ cảm thấy tự tin hơn và sẵn sàng cho những phương pháp tiếp cận có cấu trúc hơn.

Sự khuyến khích của cha mẹ

Trẻ em cần cảm thấy mình đang tiến bộ, cần sự động viên cũng như khen ngợi khi hoàn thành tốt. Những điều này sẽ trở thành một động cơ thúc đẩy các em học tập.

Cha mẹ chính là những người lý tưởng nhất để động viên và giúp đỡ các em. Người lớn nên cùng học với trẻ ngay cả khi chúng ta chỉ có kiến thức tiếng Anh cơ bản.

Trần Hường