Thầy Văn Như Cương và chuyện tôn sư trọng đạo

30/01/2017 07:39
Hồng Ngọc
(GDVN) - Trước kia khoảng cách giữa thầy và trò là rất xa, học trò vẫn xem thầy như một ông thánh, thầy nói gì nghe đó; nhưng ngày nay đã gần hơn rất nhiều.

Nhà giáo Văn Như Cương cho rằng, người thầy trong giai đoạn mới bây giờ đòi hỏi phải trở thành người bạn lớn của học sinh.

Muốn vậy, người thầy phải rèn luyện về cách ứng xử, không bao giờ phải hổ thẹn khi người ta gọi mình bằng thầy.

Cha ông ta có câu “tôn sư trọng đạo” để răn dạy các thế hệ con cháu, học trò cần có lòng tôn kính, thương mến của người học trò đối với thầy; đề cao, xem trọng đạo lý. 

Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” có từ rất lâu, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Cùng với đó, mỗi độ xuân về, người đời  cũng thường nhắc: “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy” để nói về đạo lí của bậc con cái, bậc làm trò trong xã hội xưa và nay. 

Ai cũng hiểu, cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục, còn dạy dỗ cho nên người hữu dụng chính là thầy học của mình, do đó ngày mùng Ba thì học trò đồng môn rủ nhau đến thăm viếng thầy (dạy chữ hoặc dạy nghề). 

Thầy Văn Như Cương nói về Tết thầy trong thời đại ngày nay.
Thầy Văn Như Cương nói về Tết thầy trong thời đại ngày nay.

Về đạo lí này, nhà giáo Văn Như Cương cho rằng, khi đã nói “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy” là để thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của nhân dân ta từ trước đến nay.

Bên cạnh đó cũng có nhiều câu khác như: “Không thầy đó mày làm nên”,…điều này như một sự nhắc nhở để cho con cháu nhớ lại những người có công ơn sinh thành, dưỡng dục mình.

Sinh thành là bố mẹ ta, còn dưỡng dục là những người thầy cho ta biết điều hay lẽ phải. 

Cố nhiên, không phải nghĩ câu thành ngữ đó là cứng nhắc theo tuần tự, nhưng đó là một sự nhắc nhở đối với học trò. 

Truyền thống này theo Nhà giáo Văn Như Cương vẫn còn giữ được cho tới bây giờ, mặc dù xã hội hiện nay có nhiều biến đổi về kinh tế thị trường, số trò đến với thầy chỉ vì quyền lợi, cá nhân mà không phải sự tôn trọng, con số này là ít. 

Tất cả chúng tôi Tết mà đến thầy giáo thường là đến thầy giáo cũ, những người thầy đã già yếu, và cũng không mong hưởng ân huệ gì, bởi tất cả chúng tôi vì lòng nhớ ơn bậc thầy của mình. 

Ngay ở trường tôi – Trường Lương Thế Vinh, khi các cháu Tết đến với thầy, cô thường là những học sinh cũ. 

Tôi vẫn nói với học sinh của mình, ba ngày Tết các con hãy dành thời gian đi thăm những thầy giáo cũ của mình, còn thầy giáo mới thì hôm nào chúng ta chả gặp? 

Thầy giáo cũ các con quý mến thì các con nên đến; từ đó học sinh cấp 3 thì đi thăm thầy giáo cấp 1, cấp 2. Chứng tỏ rằng điều đó không có quyền lợi cá nhân nào ở đây” - thầy Văn Như Cương cho hay.

Với Nhà giáo Văn Như Cương, trong tâm trí, trong trái tim ông luôn luôn có hình ảnh một người thầy cho riêng mình, đó là GS. Nguyễn Thúc Hào – một người thầy mà Nhà giáo Văn Như Cương coi đó là thần tượng của mình. 

GS. Nguyễn Thúc Hào là một hình tượng người thầy về mặt đạo đức, nhân cách và học thuật.

Trước kia khoảng cách giữa thầy và trò là rất xa, học trò vẫn xem thầy như một ông thánh, thầy nói gì nghe đó; nhưng ngày nay đã gần hơn rất nhiều.
Trước kia khoảng cách giữa thầy và trò là rất xa, học trò vẫn xem thầy như một ông thánh, thầy nói gì nghe đó; nhưng ngày nay đã gần hơn rất nhiều.

Khi thầy Hào về hưu thì Tết năm nào chúng tôi cũng đến thăm, không những tôi mà các con tôi cũng đến thăm thầy.

Mỗi lần gặp thầy, tôi luôn luôn đặt ra một điều để nhờ thầy dạy và từ đó tôi học hỏi được thầy nhiều điều.

Tôi cũng được sinh ra trong một gia đình mà bố tôi cũng là thầy học – một thầy giáo ở vùng nông thôn Quỳnh Đôi, Nghệ An. 

Bố tôi dạy học cho nhiều anh lớn trong làng, sau khi đi hoạt động cách mạng. Mỗi năm Tết đến tôi ở nhà với bố tôi, thì các anh, các chị học qua bố tôi thì điều đầu tiên là đến thầy. 

Để nói lên tính khâm phục của mình, chính nhờ thầy mà chúng con chọn được con đường đi phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Chứng kiến hình ảnh đó tôi hết sức xúc động” - Nhà giáo Văn Như Cương nhớ lại.

Nhà giáo Văn Như Cương vẫn từng nói, không có nghề gì có thể tác động tới thanh niên trong độ tuổi đi học lớn lao như nghề thầy giáo. 

Công người thầy rất âm thầm, từng bài học, từng câu chữ truyền thụ cho học sinh thế nào để sau này các em lớn lên trở thành một người yêu nước chứ không phải là một kẻ nô lệ.

Nhìn lại thời đại ngày nay, theo Nhà giáo Văn Như Cương, người thầy phải truyền cảm hứng tới học trò của mình về lòng yêu nước, trí tiến thủ, cách sống.

Quan trọng nhất của thái độ “tôn sư trọng đạo” hiện nay cần phải thay đổi là quan hệ giữa thầy và trò đã khác trước. 

Trước kia khoảng cách giữa thầy và trò là rất xa, học trò vẫn xem thầy như một ông thánh, thầy nói gì nghe đó; nhưng ngày nay đã gần hơn rất nhiều. 

Chính khoảng cách gần gũi này rất có lợi cho giáo dục, thầy phải trở thành một người bạn lớn của học trò, chứ không phải chỉ là người thầy, người bố, người mẹ. 

Người thầy cũng là người tâm sự, giải quyết những thắc mắc từ học trò. Chính vì quan hệ đó, Nhà giáo Văn Như Cương cho rằng chúng ta đã đề cao tính phản biện của học trò trong những giờ giảng của thầy. 

Thầy Văn Như Cương và chuyện tôn sư trọng đạo ảnh 3

Xúc động nhớ lại bức tâm thư của thầy Văn Như Cương

Người thầy không được kìm nén, không được áp đặt, người thầy phải mở rộng dân chủ để học sinh có thể nói lên ý kiến của mình – những ý kiến rất đáng học hỏi.

Tôn sư trọng đạo” trong giai đoạn mới bây giờ đòi hỏi người thầy phải trở thành người bạn lớn của học sinh.

Muốn vậy, người thầy phải rèn luyện về cách ứng xử, không bao giờ phải hổ thẹn khi người ta gọi mình bằng thầy. Đó là điều tâm huyết nhất của tôi" - thầy Văn Như Cương chia sẻ.

Trong thời đại lượng thông tin lớn, sách giáo khoa kiến thức không thể đáp ứng được sự mong mỏi của học sinh. Do đó, người thầy phải hiểu biết nhiều, học tập nhiều để nắm được kiến thức, phải biết mười mới dạy được một.

Nhân dịp đầu xuân, tôi cũng có đôi lời khuyên tất cả thầy giáo chúng ta, ngoài là tấm gương cho học sinh soi sáng về cách ứng xử, giao tiếp thì chúng ta phải là tấm gương về học tập, về cống hiến.

Điều đó chúng ta phải học rất nhiều mới trở thành người thầy giáo như thế được” - Nhà giáo Văn Như Cương nhắn nhủ.

Hồng Ngọc