Thiếu giáo viên nhưng vẫn chấm dứt hợp đồng lao động để chờ xét tuyển đặc cách

03/01/2020 06:41
NGUYÊN PHONG
(GDVN) - Nhiều địa phương đang thiếu hụt giáo viên nghiêm trọng nhưng tỉnh vẫn yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động để xét tuyển đặc cách khiến nhiều trường “khốn đốn”.

Đó là thực trạng đang xảy ra tại tỉnh Quảng Bình sau khi địa phương này có văn bản thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về việc "xử lý lao động hợp đồng trong các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập".

Cắt giáo viên hợp đồng

Theo kết luận của Thường trực tỉnh ủy Quảng Bình, một số địa phương chưa thật sự nghiêm túc trong việc thực hiện các văn bản, quy định của tỉnh về tuyển dụng, quản lý công chức, viên chức và chấm dứt hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ.

Nhiều giáo viên hợp đồng ở Quảng Bình bị cắt hợp đồng để chờ xét tuyển đặc cách hoặc thi tuyển khiến nhiều trường học khốn đốn. (Trong ảnh: giáo viên hướng dẫn học sinh làm thử đề thi. Ảnh: ĐN).
Nhiều giáo viên hợp đồng ở Quảng Bình bị cắt hợp đồng để chờ xét tuyển đặc cách hoặc thi tuyển khiến nhiều trường học khốn đốn. (Trong ảnh: giáo viên hướng dẫn học sinh làm thử đề thi. Ảnh: ĐN).

Tình trạng hợp đồng lao động ở những vị trí xác định là viên chức vẫn còn nhiều, đặc biệt là trong các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo.

Do đó, địa phương này yêu cầu căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn rà soát, phân loại đối tượng lao động hợp đồng để có giải pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở biên chế được giao, tiến hành xét tuyển đặc cách vào viên chức đối với các đối tượng đủ điều kiện;

Hà Nội công khai danh sách giáo viên hợp đồng được xét đặc cách

Thi tuyển hoặc xét tuyển theo hình thức công khai, cạnh tranh đối với các đối tượng khác để tuyển đủ biên chế được giao cho các cơ quan, đơn vị nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.

Đồng thời, chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết các chế độ đối với các trường hợp lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không đúng quy định kể từ ngày 1/1/2020.

Văn bản cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đối với các cơ quan, đon vị, địa phương còn thực hiện ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ trái quy định của pháp luật.

Nhiều trường thiếu hụt giáo viên

Việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hàng loạt giáo viên khiến nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lâm vào cảnh khốn khó, thiếu hụt giáo viên giảng dạy nghiêm trọng. 

Hợp đồng giáo viên, cứ theo tiết dạy mà làm

Ông Phan Thanh Xuân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với gần 200 giáo viên.

Những giáo viên này sẽ chờ xét tuyển đặc cách vào biên chế hoặc thi tuyển, xét tuyển theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Xuân cũng thừa nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hàng trăm giáo viên như trên đã làm nhiều trường học trên địa bàn thiếu hụt giáo viên đứng lớp.

Nhiều Hiệu trưởng đã phải gửi văn bản “cầu cứu”, đề nghị bổ sung giáo viên nếu không nhiều học sinh sẽ phải nghỉ học.

“Dự kiến đến giữa năm 2020 thì việc thi tuyển hay xét tuyển đặc cách mới có kết quả. Lúc đó, số lượng giáo viên trúng tuyển sẽ bù đắp vào đội ngũ đang thiếu hụt.

Nhưng từ nay đến thời điểm đó thì các trường sẽ rất khó khăn. Do đó, phòng Giáo dục đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân huyện kiến nghị gia hạn hợp đồng để có đủ giáo viên đứng lớp”, ông Xuân nói.

Theo tìm hiểu thì từ ngày 1/1/2020, nhiều trường học ở Quảng Bình đã chính thức chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên.

Cô NNH. (giáo viên Trường trung học cơ sở Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cho biết, mặc dù cô đủ điều kiện xét tuyển đặc cách trong đợt này nhưng vẫn bị cắt hợp đồng từ ngày 1/1. 

Trong khi chờ xét tuyển thì phải nghỉ dạy khiến cô cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong hoàn cảnh tương tự hoang mang, lo lắng.

Thiếu giáo viên, huy động cả Hiệu trưởng và Hiệu phó đi dạy (2)

“Chúng tôi vẫn mong muốn được giảng dạy bình thường cho đến thời điểm xét tuyển. Giờ nghỉ giữa chừng thì nhà trường thiếu giáo viên, mà bản thân giáo viên cũng không được đứng trên bục giảng khiến công việc bị ngắt quãng”, cô H. chia sẻ.

Ông Đinh Quý Nhân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho rằng, mặc dù việc chấm dứt hợp đồng như trên sẽ ảnh hưởng đến công tác dạy học nhưng đó là quy định, là chủ trương chung.

Nếu các cơ sở giáo dục gặp khó khăn, vướng mắc thì có văn bản cụ thể để căn cứ vào tình hình thực tiễn nhằm tháo gỡ.

NGUYÊN PHONG