Sự ra đời của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) đã “mở đường” cho tự chủ đại học ở nước ta.
Tuy nhiên, trong những năm qua, tiến trình thực hiện tự chủ còn chậm, một phần vì còn có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ trong hệ thống hành lang pháp lý.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99 đã hướng dẫn việc thực hiện một số điều của Luật 34 rõ ràng hơn, đặc biệt là những sửa đổi liên quan đến Hội đồng trường.
Liên quan đến Hội đồng trường, trong thực tiễn, có một số nội dung trước đây chưa quy định cụ thể dẫn đến các bên còn hiểu chưa đúng, dự thảo đã làm rõ những nội dung này.
Ví dụ, quy định cấp có thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng trong dự thảo đã làm rõ là cơ quan chủ quản. Hay thành phần tập thể lãnh đạo trong dự thảo cũng đã được quy định rõ hơn, phù hợp hơn.
“Tuy nhiên, còn một số điểm vướng mắc chúng ta kỳ vọng sửa đổi lại vượt ra ngoài phạm vi của Nghị định 99, mà liên quan đến Luật 34, và một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản dưới luật khác”, Giáo sư Phương cho biết.
Theo Giáo sư Từ Minh Phương, về vai trò, quyền lực của Hội đồng trường đã được quy định khá rõ trong Luật, nhưng lúc tổ chức thực hiện còn một số vướng mắc.
Ví dụ, luật quy định cơ quan chuyên trách để phục vụ Hội đồng trường là sử dụng bộ máy chung của nhà trường, nhưng lúc thực hiện lại phát sinh những vấn đề khó, vì khi sử dụng chung bộ máy, hoạt động quản trị của Hội đồng trường và hoạt động quản lý, điều hành của Ban giám hiệu cũng gặp nhiều lúng túng, khó khăn.
Thầy Phương cũng cho rằng, về hoạt động giám sát tài chính của Hội đồng trường, nếu không có bộ máy chuyên môn thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thời gian đầu, nên có hướng dẫn rõ ràng hơn về bộ máy của Hội đồng trường, những công việc, nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng trường; cũng như về mối quan hệ giữa Đảng ủy – Hội đồng trường – Ban Giám hiệu.
Cần có quy định rõ cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tĩnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP cần quy định rõ một số nội dung trong Điều 16 “Hội đồng trường của trường đại học công lập” của Luật số 34/2018/QH14.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tĩnh (bên trái) - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: Trường Đại học Tây Nguyên |
Khoản 2 Điều 16 Luật 34 quy định về trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường trường đại học công lập, để thực hiện được trách nhiệm và quyền hạn đó thì cần quy định rõ một số nội dung như phương thức thông qua báo cáo tài chính hàng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học; phương thức thực hiện giám sát của Hội đồng trường, thành viên Hội đồng trường.
Cần có hướng dẫn cụ thể việc quy định về ngân sách hoạt động; quy trình lựa chọn thành viên thay thế khi Hội đồng trường bị khuyết thành viên.
Cần có giải thích từ ngữ của các cụm từ: ban hành, quyết định, quy định, phê duyệt, thông qua.
Khoản 5 Điều 16 Luật 34 quy định nguyên tắc làm việc của Hội đồng trường đại học công lập, cụ thể: “quyết định của hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết”. Vậy, các hình thức khác như quyết định, thông báo … thì hội đồng trường có được thể hiện không? Cần làm rõ hơn nội dung này.
Điểm g, khoản 2 Điều 16 Luật 34 quy định Hội đồng trường “Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học”, tuy nhiên điểm b, c, d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ lại quy định người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thuộc đơn vị mình quản lý, do đó chưa rõ ràng và còn có độ vênh, chính vì vậy cần quy định rõ ràng nội dung này.
Khoản 6 Điều 16 Luật 34 có quy định Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập quy định về Hội đồng trường, cụ thể: cơ quan thường trực, cơ quan kiểm soát và bộ máy giúp việc của hội đồng trường nhưng còn chung chung, Vì vậy, dự thảo cần quy định rõ cơ cấu tổ chức của Hội đồng trường như Điều 14 và Điều 15 về cơ cấu tổ chức của trường đại học, đại học. Vì có bộ máy của Hội đồng trường thì Hội đồng trường mới có thực quyền được.
Một số vị trí trong cơ cấu tổ chức của hội đồng trường cần quy định tiêu chuẩn, điều kiện sao cho đảm bảo được tính độc lập trong các hoạt động của Hội đồng trường.
Về thành viên tham gia vào Hội đồng trường, cô Tĩnh cho biết, thành viên bầu bao gồm đại diện giảng viên chiếm tỷ lệ tối thiểu là 25% tổng số thành viên của Hội đồng trường; đại diện viên chức và người lao động theo Điểm b Khoản 3 Điều 16 Luật 34 cần bổ sung quy định tỷ lệ không giữ chức vụ quản lý và có chuyên trách Hội đồng trường vì hiện nay thành viên Hội đồng trường đều là kiêm nhiệm.
Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Tây Nguyên đề xuất, cần bổ sung thành phần Chủ tịch Hội đồng trường và Phó Chủ tịch Hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học để đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 19/TW là “Hội đồng trường là cơ quan quản trị có thẩm quyền cao nhất trong cơ sở giáo dục đại học” và Nghị định 99 là “Chủ tịch Hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ cao nhất trong danh mục phụ cấp chức vụ của trường đại học”. Có như vậy cơ quan thường trực của Hội đồng trường mới xác định rõ được.
“Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã khẳng định: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế Hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường”. Muốn thực hiện được điều đó cần phải thực hiện một số nội dung cụ thể như:
Thống nhất được quan điểm, sợi chỉ đỏ xuyên suốt là hội đồng trường, ban giám hiệu, mỗi cá nhân phải luôn lấy việc thúc đẩy sự phát triển của cơ sở giáo dục là nhiệm vụ hàng đầu. Vị trí, vai trò, chức năng của mỗi tổ chức phải luôn được tôn trọng và thực thi theo đúng luật định.
Mỗi thành viên Hội đồng trường phải tự nâng cao trình độ lý luận, kiến thức pháp luật về hội đồng trường và năng lực thực tiễn công tác.
Thực hiện đúng quy định Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. Chủ trương của Đảng từ năm 2017 đến nay là 6 năm, các trường hiện nay mới xây dựng lộ trình thực hiện thì quá chậm. Cơ sở giáo dục nào chưa thực hiện được phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong quá trình thực hiện chủ trương trên”, cô Tĩnh cho hay.