Muốn có nguồn lực chất lượng và bền vững cần phân định vai trò QLNN hợp lý hơn

03/06/2024 09:26
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Cần phân bố hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo theo không gian một cách hợp lí, phân bố nguồn lực cân đối và phân kì đầu tư đảm bảo không bị đứt gãy.

Từ khi thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), trong 10 năm qua đã làm cho hệ thống giáo dục cao đẳng ở Việt Nam có xu hướng thay đổi theo chiều hướng đứt gãy sự liên thông trong công tác đào tạo sau phổ thông.

Giáo dục và đào tạo là quá trình “tiến hoá”

Xã hội loài người luôn vận động và phát triển. Phát triển liên tục xét cho cùng là quá trình đổi mới thường xuyên theo chiều hướng tích cực, có tính kế thừa và cải tiến.

Đổi mới giáo dục và đào tạo là quá trình cải tiến thường xuyên, thay đổi liên tục mang tính “tiến hoá nhỏ” nhưng đều đặn và có tính quá trình… sẽ thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp.

Khi giáo dục và đào tạo rập khuôn, máy móc, giáo điều kéo dài sẽ phát sinh bất cập, thiếu sáng tạo và đến một lúc xã hội nhận ra và tiến hành “cải cách”, tức là bỏ cái cũ xây nên cái mới tốt hơn trước. Tuy nhiên, nếu nền tảng không vững nên gây nên xáo trộn, gặp nhiều khó khăn…

Trước đây, có một thời nhiều trường trung học, cao đẳng ít thay đổi về chất nhưng cố gắng chạy theo tăng về lượng để phát triển nâng bậc.

Từ năm 2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thì giáo dục và đào tạo do 2 ngành quản lí khác nhau: (1) phổ thông và đại học, sau đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí và (2) giáo dục nghề nghiệp - “khoảng giữa” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lí.

Xuất phát từ việc phân chia mang tính đứt gãy này đã làm cho hệ thống các trường cao đẳng tưởng chừng tốt hơn, nhưng thực chất rất khó phát triển, thậm chí phải sáp nhập, giải thể… đáng lo nhất là chưa biết sẽ ra sao ở tương lai.

 cdn.jpg
Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn

Để phát triển bền vững, quản lí nhà nước cần phân định

Trước hết cần phải xác định rằng, đảm bảo phát triển bền vững của một quốc gia, về khía cạnh quản lí cần phải phân định chức năng quản lí và phân công trách nhiệm một cách rõ ràng; phân cấp và phân quyền cụ thể giữa Trung ương và địa phương.

Có thể nói, liên quan đến phát triển nguồn lực con người, ngành giáo dục và đào tạo cần được phân công quản lí nhà nước từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông liên thông lên hệ thống đào tạo sau phổ thông (cả trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học) một cách thống nhất; cần cải tiến về chất liên tục…

Các bộ, ngành khác cần tập trung vào công tác quản lí xã hội theo các lĩnh vực chuyên môn được Chính phủ phân công, sử dụng nguồn lực do ngành giáo dục và đào tạo cung cấp.

Vấn đề quan trọng thứ hai, để quản lí nhà nước đảm bảo phát triển bền vững thì cần phải quy hoạch bài bản và quản lí quy hoạch một cách nghiêm túc. Tức là cần phân bố hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo theo không gian một cách hợp lí, tiếp đến là phân bố nguồn lực cân đối và phân kì đầu tư đảm bảo không bị đứt gãy.

Cải tiến liên tục để hướng đến phát triển bền vững giáo dục sau phổ thông trong bối cảnh hiện nay

Tiếp cận từ nguyên lí, đổi mới giáo dục và đào tạo là quá trình tiến hoá liên tục để hướng đến đi đúng hướng. Do vậy, trước những bất cập trong hệ thống quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo, cần từng bước điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất trong toàn hệ thống. Nghĩa là, nên thống nhất chức năng quản lí nhà nước về giáo dục và đào tạo của Chính phủ chỉ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ hai, tập trung quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là có định hướng lâu dài theo hướng phân bố không gian theo vùng miền, phân kì thực hiện hợp lí để tự điều chỉnh dần. Từng bước, từng bước cải tiến hướng đến lâu dài đảm bảo cân bằng để phát triển bền vững.

Thứ ba, tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với mục tiêu là để tôn vinh và bảo vệ nhà giáo cũng như ngành giáo dục và đào tạo. Đây chính là “thành trì” vững chắc để giáo dục và đào tạo “tiến hoá” liên tục và đảm bảo quốc gia phát triển bền vững.

Thứ tư, cần phân định rạch ròi khái niệm "việc làm" và "nghề nghiệp". Đây cũng là cơ sở quan trọng để định hướng xã hội và quản lí nhà nước. Cần chú trọng hơn đến nghề nghiệp.

Để xã hội phát triển hướng đến văn minh, hiện đại cần từng bước chuyển các việc làm mưu sinh dần trở thành nghề nghiệp. Để thành nghề thì cần phải được đào tạo, được công nhận hành nghề, được bảo vệ bằng pháp luật…

Thứ năm, dù cho xã hội có phát triển đến trình độ nào thì giáo dục và đào tạo không bao giờ hết quan trọng. Để chất lượng giáo dục và đào tạo tốt, rất cần đầu tư tài chính.

Tài chính cho giáo dục và đào tạo là nguồn đầu tư công bắt buộc cần được luật định, không được cắt giảm dù bất cứ tình huống nào.

Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách đặc biệt để huy động tài chính ngoài ngân sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngay từ bậc mầm non đến sau đại học.

Tóm lại, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là kiến tạo đất nước hướng đến phát triển bền vững. Để phát triển bền vững rất cần nguồn lực có chất lượng.

Hoạch định sự phát triển đất nước trước hết cần phân định các chức năng quản lí và phân công một cách cụ thể; phân cấp và phân quyền rõ ràng; quy hoạch phát triển phải đảm bảo phân bố không gian cân đối, phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lí, phân kì đầu tư bài bản…

Dù cho các cơ sở giáo dục và đào tạo hiện nay có nỗ lực đến thế nào cũng không thể không cần vai trò kiến tạo của Chính phủ.

Hướng Sáng