Những sáng kiến kinh nghiệm và giải pháp của GV dạy giỏi đã đi về đâu?

20/01/2023 06:31
HƯỚNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Số lượng giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và thi giáo viên dạy giỏi- nhất là giáo viên dạy giỏi cấp trường luôn chiếm một tỉ lệ rất lớn.

Chuyện giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm hay thi giáo viên dạy giỏi hiện nay ở các nhà trường không còn là yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên và Ban giám hiệu các nhà trường cũng không thúc ép như trước đây nữa. Phần lớn những giáo viên tham gia trên tinh thần tự nguyện của cá nhân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm và thi giáo viên dạy giỏi- nhất là giáo viên dạy giỏi cấp trường thì luôn chiếm một tỉ lệ rất lớn ở mỗi đơn vị trường học.

Nhiều trường, gần như tất cả giáo viên đứng lớp đều tham thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, còn sáng kiến kinh nghiệm cũng chiếm đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Thế nhưng, sau mỗi hội thi, mỗi phong trào như vậy thì những thành tích, danh hiệu này đi về đâu?

Nếu như tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên áp dụng những nội dung của sáng kiến, những nội dung của giải pháp đã trình bày trong hội thi giáo viên dạy giỏi thì có lẽ chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhà trường sẽ đẹp như mơ. Tuy nhiên, mọi thứ không như vậy.

Rất nhiều tin quảng cáo bán sáng kiến kinh nghiệm trên mạng xã hội (Ảnh: H.M.)

Rất nhiều tin quảng cáo bán sáng kiến kinh nghiệm trên mạng xã hội (Ảnh: H.M.)

Tại sao gần hết giáo viên trong đơn vị đều tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường?

Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi đã hướng dẫn giáo viên tham gia hội thi trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc.

Chính vì thế, những năm gần đây giáo viên tham gia cũng được mà không cũng được, Ban giám hiệu nhà trường không còn ép buộc hay giao chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn như trước đây.

Tuy nhiên, điều dễ thấy là trường nào cũng có số lượng giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi rất nhiều. Lý do rất đơn giản vì họ xem đây cũng như một tiết dự giờ thông thường.

Nếu không thi giáo viên dạy giỏi, Ban giám hiệu và tổ chuyên môn cũng dự 1-2 tiết/ học kỳ. Thi giáo viên dạy giỏi thì đầu tư thêm một giải pháp vài trang và dạy 1 tiết thực hành nên cũng rất nhẹ nhàng. Hơn nữa, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thì mấy ai chấm rớt.

Vì thế, gần như giáo viên nào họ cũng dự thi. Vừa được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường lại vừa được nhận tiền thưởng từ nhà trường và cũng phiên ngang như 1 tiết dạy cho đồng nghiệp dự giờ theo quy định.

Sáng kiến kinh nghiệm cũng đang được rất nhiều giáo viên thực hiện

Theo hướng dẫn thi đua hiện nay, giáo viên muốn được xét danh hiệu thi đua từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm được cấp cơ sở (cấp trường đối với cấp trung học phổ thông; cấp huyện đối với cấp trung học cơ sở, tiểu học, mầm non) chấm đạt giải.

Có sáng kiến kinh nghiệm mới được xét các danh hiệu cao và cũng đồng nghĩa có cơ hội xét nâng lương trước thời hạn. Vì thế, giáo viên, nhân viên nhà trường thường đăng ký để viết.

Xui thì đạt giải cấp trường cũng được thưởng một vài trăm ngàn, hên thì được cấp huyện, cấp tỉnh chấm đạt giải sẽ có cơ hội xét danh hiệu thi đua cao.

Cũng chính vì vậy nên nhiều giáo viên, nhân viên không viết được thì họ có thể tải trên mạng Internet, xin của đơn vị khác, hoặc có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Hiện nay, các trang mạng xã hội của giáo viên họ quảng cáo bán sáng kiến kinh nghiệm nhiều lắm.

Việc chấm sáng kiến kinh nghiệm hiện nay cũng chưa thực sự công tâm và đề cao tính khoa học nên có ít nhiều hạn chế. Thậm chí, có nơi xì xèo chuyện nhìn tên, nhìn vị trí công tác của người viết sáng kiến kinh nghiệm để chấm giải.

Cũng chính vì thế, người viết thật chưa hẳn đã đậu, người làm giả nhiều khi lại đạt giải cao. Thậm chí có những giáo viên 1 năm học có tới 2 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cao.

Nhiều giáo viên dưới cơ sở vẫn thường bàn tán về tình trạng một số giáo viên năm nào cũng viết sáng kiến kinh nghiệm và năm nào cũng được giải cao và đương nhiên là họ có cơ hội để được đề nghị cấp trên tặng Bằng khen của các cấp, được đề nghị xét công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh…

Riêng phần chất lượng, tính thực tiễn của mỗi sáng kiến kinh nghiệm có lẽ nhiều giáo viên và cấp tổ chức chấm không đề cao. Đa phần hiệu quả công việc đều vẫn ở trên giấy.

Nếu đó là những hiệu quả thật thì có lẽ không có nhiều học sinh vi phạm nội quy, không đánh nhau, không xuất hiện video clip với tần suất nhiều trên mạng xã hội như thời gian qua.

Nếu hiệu quả thật thì có lẽ học sinh không phải nhận nhiều điểm yếu, kém, thậm chí là điểm liệt trong các kỳ thi tuyển sinh 10; thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu hiệu quả thật thì có lẽ đoàn kết nội bộ các trường rất tốt, chất lượng giáo dục thật của các nhà trường sẽ rất cao.

Bởi lẽ, giáo viên thì viết về đề tài nâng cao chất lượng dạy học; quản lý học sinh cá biệt; công tác chủ nhiệm lớp. Lãnh đạo nhà trường thì viết về đoàn kết nội bộ; hiệu quả triển khai chương trình mới…

Thế nhưng, tại sao chất lượng thật của từng trường học luôn là nỗi băn khoăn của nhiều giáo viên qua các kỳ kiểm tra, thi cử.

Tại sao nhiều nơi xảy ra tình trạng đơn thư kéo dài, nhiều giáo viên phải nhờ đến cơ quan chức năng, đến báo chí để phản ánh những bất cập?

Vì thế, nhìn từ những con số báo cáo và thực tế các đơn vị trường học hiện nay thì số lượng sáng kiến kinh nghiệm nhiều, trường nào cũng có ít nhất từ 2/3 cán bộ, viên chức tham gia viết mỗi năm. Các danh hiệu giáo viên dạy giỏi; giáo viên chủ nhiệm giỏi thì nhiều vô kể.

Thế nhưng, những ý tưởng, nội dung triển khai trong từng sáng kiến kinh nghiệm ấy đi về đâu? Những tiết dạy giỏi trong các hội thi giáo viên giỏi đã đi về đâu sau mỗi lần tổ chức?

Nhiều danh hiệu, nhiều thành tích là điều đáng mừng, đáng biểu dương nếu đó là những danh hiệu, thành tích thực bởi nó sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, giảng dạy, quản lý học sinh trong các nhà trường.

Có lẽ, đã đến lúc cần xem lại hiệu quả thực chất của các phong trào này để mỗi sáng kiến kinh nghiệm, mỗi danh hiệu đi vào thực chất, đem lại tác động tốt với ngành giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯỚNG MAI