Ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Nghị định quy định, cơ sở giáo dục đại học được thành lập doanh nghiệp theo pháp luật về doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển của cơ sở giáo dục đại học. Doanh nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học đủ điều kiện theo quy định được đăng ký chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Trước đó, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học cũng đã được một số trường triển khai. Tuy nhiên, mô hình này phát triển rất chậm, chưa phổ biến, thậm chí trong quá trình thành lập và hoạt động còn tồn tại một số vướng mắc về cơ chế, khó thực hiện.
Để có cái nhìn tổng thể và tháo gỡ các vướng mắc nhằm thúc đẩy mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Đinh Văn Toàn - Chủ tịch Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên: Thưa Phó Giáo sư Đinh Văn Toàn, việc thành lập và phát triển doanh nghiệp trong trường đại học đem lại những hiệu quả như thế nào, đặc biệt trong việc hỗ trợ nhà trường chuyển giao công nghệ?
Phó Giáo sư Đinh Văn Toàn: Thành lập và phát triển doanh nghiệp trong các trường đại học trước hết làm thay đổi cơ cấu tổ chức và phong cách làm việc mang tính hàn lâm sang hướng ứng dụng thực tiễn, quan tâm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các bên (nhà trường, nhà khoa học, doanh nghiệp và thị trường...).
Ngoài ra, doanh nghiệp trong các trường đại học có lợi thế lớn trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và xã hội, giữa các giảng viên - nhà khoa học với thị trường và yêu cầu của các bên liên quan, trong đó có các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Điều này có vai trò rất quan trọng để các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong trường đại học đáp ứng được nhu cầu thị trường, tạo cơ hội hiểu biết để đặt hàng giữa các bên; thúc đẩy mạnh mẽ hơn chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học, triển khai thương mại hóa từ trường đại học ra thị trường thông qua sự kết nối và hoạt động đầu tư, thương mại của doanh nghiệp - điều mà các trường đại học và nhà khoa học chưa làm tốt được do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Hơn nữa, hình thành doanh nghiệp và phát triển các hoạt động có tính kinh doanh hiện nay phù hợp với xu thế tự chủ và đổi mới mô hình trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng: hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu các bên liên quan; đa dạng hóa nguồn lực để các cơ sở này, nhất là các trường công lập phát triển bền vững.
Theo số liệu thống kê từ các các cơ sở giáo dục đại học hiện nay cho thấy, nguồn thu chủ yếu vẫn từ học phí và lệ phí liên quan đến người học (trên 85%), trong khi nguồn thu từ chuyển giao công nghệ và thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học chưa đáng kể.
Phóng viên: Phát triển các hoạt động chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp trong trường đại học là xu hướng của nhiều trường, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh tự chủ như hiện nay. Tuy nhiên, việc thành lập và quản lý doanh nghiệp trong trường còn gặp phải các rào cản, khó khăn, thách thức. Theo Phó Giáo sư, đó là những khó khăn, thách thức gì?
Phó Giáo sư Đinh Văn Toàn: Theo tôi, chúng ta không nên quan niệm chỉ đơn thuần là thành lập các doanh nghiệp trong trường đại học. Trong bối cảnh hiện nay, nên đề cập đến nhu cầu tất yếu của phát triển tinh thần khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp, phát triển kinh doanh trong các cơ sở giáo dục đại học.
Bằng chứng là, nhiều trường đại học công lập đã thành lập doanh nghiệp từ những năm đầu của thập niên 2000 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (số 68/1998/QĐ-TTg) cho phép thí điểm thành lập doanh nghiệp nhà nước trong các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp nhà nước, nhiều bất cập trong cơ chế đối với viên chức và khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường nên hầu hết không thành công trong kinh doanh và không phát huy được đầy đủ vai trò “cầu nối”.
Việc triển khai mô hình doanh nghiệp trong trường đại học gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó những khó khăn khách quan bên ngoài cơ sở giáo dục đại học vẫn là cơ bản và cần được nhắc đến.
Thứ nhất, hệ thống luật pháp có những điểm khó trong việc hình thành các doanh nghiệp có xuất phát hoặc liên quan đến kết quả nghiên cứu khoa học, ý tưởng kinh doanh. Cụ thể, Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức và Luật Phòng, chống tham nhũng không cho phép công chức và viên chức trong các cơ sở giáo dục đại học công lập thành lập, tham gia quản lý, điều hành các loại doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã (trừ doanh nghiệp nhà nước như đề cập ở trên).
Do vậy, các giảng viên, nhà khoa học có năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (phần lớn là viên chức có trình độ và học vị cao) nếu có các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cũng không thể đứng ra quản lý doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư hoặc triển khai thương mại trong khi họ là người nắm rõ và am hiểu công nghệ, phương thức quản lý;
Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2019) chưa tạo cơ hội và động lực khai thác kết quả nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học và nhà khoa học đối với các nghiên cứu có kinh phí ngân sách hỗ trợ;
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2022) cho phép đại diện chủ sở hữu Nhà nước (là các bộ, cơ quan Nhà nước) có quyền xem xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách Nhà nước, tuy nhiên chưa khả thi trong thực tiễn do nhiều thủ tục không cần thiết.
Ngay cả Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 cho phép cơ sở giáo dục đại học góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách Nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết,… nhưng trong thực tế chưa thể thực hiện khi chưa có các cơ chế cụ thể định giá và triển khai về phương diện tài chính, tài sản.
Thứ hai, các cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ) chưa thực sự coi các cơ sở giáo dục đại học như một tổ chức khoa học công nghệ thực thụ trong thực tiễn (trong khi về bản chất các cơ sở này có sứ mạng và có tiềm lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ); quy định về nhóm nghiên cứu mạnh trong Nghị định số 109/2022/NĐ-CP còn cứng nhắc (trong khi việc hình thành nhóm nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học trước hết phải từ nhu cầu thực tiễn đang phát triển và năng lực tự thân của các nhà khoa học).
Thứ ba, cơ chế quản lý về tài chính và tài sản của các bộ, địa phương chưa tháo gỡ được các vướng mắc trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp và khai thác hiệu quả hoạt động kinh doanh trong các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ tư, thị trường công nghệ, thị trường vốn, thị trường lao động chưa phát triển đầy đủ làm cho hoạt động của các doanh nghiệp trong trường đại học (chủ yếu là doanh nghiệp khoa học công nghệ) càng khó khăn trong giai đoạn mới thành lập.
Còn xét về nguyên nhân chủ quan từ phía các cơ sở giáo dục đại học và viên chức, có thể nêu một vài vấn đề:
Một là, chính hệ thống luật pháp và các cơ chế quản lý chồng chéo, chưa tạo dựng được hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo, tạo nên sức ì trong mỗi cá nhân, đơn vị - không dám đổi mới và không muốn trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh;
Hai là, bản thân các cơ sở giáo dục đại học và các giảng viên chưa có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng cao có tính ứng dụng gắn sát với nhu cầu thị trường do một thời kỳ dài thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu được tài trợ từ ngân sách Nhà nước và phần lớn gắn với khoa học cơ bản;
Ba là, các cơ sở giáo dục đại học và các viên chức, nhà khoa học, giảng viên và người học chưa được quan tâm phát triển năng lực khởi nghiệp và quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng thực tế cho thấy nhu cầu hình thành và phát triển doanh nghiệp trong trường chủ yếu ở các trường đại học công lập, còn trường ngoài công lập nhu cầu này rất thấp. Theo Phó Giáo sư, nguyên nhân do đâu?
Phó Giáo sư Đinh Văn Toàn: Hiện nay, các trường đại học công lập đang đứng trước nhu cầu đa dạng hóa nguồn thu, đổi mới tổ chức quản lý và vận hành theo xu thế tự chủ để khai thác được các tiềm năng, nguồn lực lớn về tri thức, công nghệ, cơ sở vật chất, nhưng lại đang gặp nhiều rào cản. Trong khi đó, từ nhiều nghiên cứu khoa học, kết quả khảo sát cho thấy các trường ngoài công lập chưa quan tâm nhiều đến điều này, đặc biệt là phát triển doanh nghiệp.
Bên cạnh các điều kiện chưa thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh trong các cơ sở giáo dục và cho giảng viên đại học nói chung thì chủ đầu tư các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập chủ yếu là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang muốn tham gia vào một lĩnh vực mới mang lại thương hiệu và đóng góp, phục vụ cộng đồng, xã hội – giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Ảnh minh họa: VNU |
Có thể do trong giai đoạn đầu thành lập các trường đại học, họ muốn tập trung vào việc phát triển bộ máy, cơ sở vật chất phục vụ người học để thu hút, tuyển sinh có kết quả. Hơn nữa, bản thân các chủ sở hữu trường đại học lúc này cũng là các doanh nhân và sở hữu các doanh nghiệp đứng bên cạnh các trường hoặc tài trợ cho các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Vì vậy, trường hợp các trường đại học có sản phẩm nghiên cứu hoặc công nghệ hoàn toàn có khả năng kết hợp với các doanh nghiệp góp vốn hoặc doanh nghiệp liên kết trong số các chủ đầu tư. Vấn đề lúc này là trường đại học và các giảng viên phải có năng lực nghiên cứu khoa học tốt và có nhiều kết quả có khả năng chuyển giao - điều mà ít trường ngoài công lập đạt được do chưa tích tụ đủ về nguồn lực.
Phóng viên: Dưới góc độ chính sách, Phó Giáo sư có đề xuất gì để việc thành lập, quản lý doanh nghiệp trong trường đại học trở nên đơn giản và hiệu quả hơn?
Phó Giáo sư Đinh Văn Toàn: Để phát triển doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học, bên cạnh việc hoàn thiện các thị trường về công nghệ, vốn, lao động, hình thành hệ sinh thái thúc đẩy khởi nghiệp thì hệ thống luật pháp cần tháo gỡ được các “nút thắt”, cụ thể như:
Cho phép các cơ sở giáo dục đại học được quyền khai thác tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu khoa học kể cả các nghiên cứu do ngân sách Nhà nước tài trợ (điều này Mỹ đã thực hiện qua Đạo luật Bayh-Dole và Vương quốc Anh cũng đã thực hiện thông qua một đạo luật chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ từ cơ quan nhà nước cho các trường đại học trong những năm 1980);
Gỡ bỏ việc không cho phép các cán bộ nghiên cứu và viên chức - nhà khoa học thành lập và quản lý các doanh nghiệp (Startups hoặc Spin-off) để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo hoặc công nghệ do mình phát triển;
Các bộ, ngành quản lý cần rà soát các cơ chế hiện nay đang cản trở thực hiện hợp tác công - tư, cản trở việc góp vốn, tài sản, thương hiệu từ các cơ sở giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, rõ ràng, về phía các cơ sở giáo dục đại học và nhà khoa học cũng cần những thay đổi theo hướng tăng cường các nghiên cứu mang tính ứng dụng, chủ động kết nối và tiếp cận thị trường, chuyển đổi từ điều hành kiểu hành chính của các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Các cơ sở giáo dục đại học cần hướng tới việc thành lập doanh nghiệp gắn với mô hình đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, năng động và hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo Sư Đinh Văn Toàn!
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Toàn là giảng viên cao cấp, bộ môn Quản trị chiến lược, Viện Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội); Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Với trên 25 năm kinh nghiệm ở các vị trí quản lý trong các tập đoàn và lãnh đạo các trường đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Toàn đã có nhiều nghiên cứu sâu và giảng dạy sau đại học về các lĩnh vực quản trị, phát triển tổ chức gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và quản trị đại học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Toàn đã chủ trì nhiều nghiên cứu và có các công bố khoa học trong nước và quốc tế về các chủ đề trên trong cơ sở giáo dục đại học.