LTS: Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được kéo dài thời gian lấy ý kiến dư luận. Thầy giáo Lê Xuân Chiến chia sẻ một số ý kiến của mình về chương trình mới này.
Đồng thời, thầy cũng gửi gắm mong ước chương trình và sách giáo khoa mới có thể giải quyết được những bất cập hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới là công việc của các nhà chuyên môn mang tầm nhìn chiến lược, hiện đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý từ cơ sở, các địa phương.
Các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, mang tính phổ quát, lâu dài.
Còn phụ huynh và những người trực tiếp đứng trên bục giảng chỉ mong sao chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới giải quyết được những bất cập đang tồn tại bấy lâu nay.
Chương trình còn quá tải không?
Nhiều giáo viên lo lắng chương trình mới chưa giảm tải, thậm chí còn nặng thêm, ôm đồm và nặng nề đối với học sinh cả ba cấp, đặc biệt là cấp Tiểu học.
Theo dự thảo, ở bậc Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ.
Thầy Lê Xuân Chiến mong mỏi những đổi mới có thể giúp khắc phục những điểm bất cập hiện nay. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn) |
Các môn học bắt buộc có phân hóa: Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo; Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.
Ngoài ra còn có hoạt động Tự học có hướng dẫn (tự học trên lớp của học sinh Tiểu học học 2 buổi/ngày, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên).
Thời lượng học ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông là 29-30 tiết một tuần, với một buổi học một ngày, tương đương với chương trình hiện hành.
Trong khi với thời lượng này, các nhà trường kêu rất nhiều vì không có thời gian cho hoạt động khác như sinh hoạt lớp, trường, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi, gặp gỡ phụ huynh học sinh...
Ở các lớp 8, 9, 10, học sinh phải học 5 tiết/ tuần, mỗi tuần học 6 ngày đã đủ 30 tiết theo chương trình. Như vậy, giờ chào cờ và giờ sinh hoạt lớp hiện nay đưa vào đâu?
Mặt khác theo chương trình mới, lớp 10 học tới 15 môn, nhiều hơn hiện nay.
Bao giờ chương trình còn quá tải, ôm đồm thì chừng ấy còn dạy “đuổi chương trình”, dạy ép, học nhồi nhét, người học bị “bội thực” kiến thức và mang mắc “hội chứng” sợ... học.
Khi sợ học thì làm sao học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”?
Vấn nạn dạy thêm, học thêm được chấm dứt?
Liệu một chương trình không vừa sức có đẩy học sinh đi học thêm như bấy lâu nay.
Liệu mức thu nhập của giáo viên có được cải thiện để họ yên tâm nhiệt thành giảng dạy mà không tìm mọi cách bắt học sinh đi học thêm?
Chương trình mới đòi hỏi các trường cần chia sẻ nguồn lực lẫn nhau(GDVN) - Hiện nay, có hàng ngàn trường trung học phổ thông, trường nào cũng trang bị thì làm sao đáp ứng được. Vì vậy, cần sự chia sẻ về thiết bị giữa các trường nghề. |
Tất nhiên, không thể chấp nhận lấy lý do thu nhập thấp để giải thích cho hành vi dạy thêm. Đó là sự biện hộ, trái quy định, sai luật.
Các ngành khác cũng vậy thôi, không thể lấy lý do lương thấp mà làm trái quy định của nhà nước. Người dân không thể lấy lý do nghèo để phạm pháp.
Có con đi học, phụ huynh phải “đầu tư” một khoản kinh phí lớn. Nhiều nhà không khá lên nổi vì nuôi con đi học, dù lao động cật lực và hết sức tiết kiệm.
Con đi học, phụ huynh đã đóng học phí cho con, lại còn đóng góp rất nhiều khoản nữa do nhà trường lạm thu. Nếu phải cho con đi học thêm, khác gì phụ huynh phải “đóng chồng” học phí, nộp học phí đến gấp mấy lần quy định của nhà nước?
Mong sao chương trình mới sẽ giảm kiến thức hàn lâm, tăng tính ứng dụng, thực hành, sát thực tiễn để học sinh vừa hứng thú học tập, vừa không cần thiết phải đi học thêm.
Đương nhiên, bản thân chương trình, sách giáo khoa không thể quyết định cho việc chấm dứt vấn nạn dạy thêm, học thêm.
Thế mới thấy, nhân tố con người, cơ chế chính sách quản lý đội ngũ mới là vấn đề cần thay đổi trước tiên, trước khi thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới.
Bệnh thành tích có được xỏa bỏ?
Hiện bệnh thành tích vẫn còn nặng nề ngành giáo dục, tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp vẫn còn.
Bệnh thành tích làm cho thầy tự dối lòng mình, trò coi thường thầy. Khi học sinh không chịu học, ngồi ì đấy cuối năm vẫn lên lớp, thì các em không thèm học, chẳng sợ điểm kém và coi thường thầy cô.
Phổ cập có ý nghĩa gì nếu để học sinh ngồi nhầm lớp?
Chương trình mới liệu có đặt ra “luật chơi” nghiêm túc, sàng lọc những “người chơi” lười biếng, “phạm quy”?
Không ai muốn người học bị bỏ lại phía sau, nhưng bản thân con đường học vấn có sự sàng lọc những gì không đạt chất lượng.
Nỗi lo của những nhà giáo có tâm hiện nay là không biết chương trình mới có lặp lại kịch bản “dồn toa”, bất luận chất lượng học sinh thế nào cũng đẩy hết lên lớp 12 để rồi “trường tự xét tốt nghiệp”.
Mà trường tự xét tốt nghiệp là cơ hội cho bệnh thành tích sinh sôi, lan truyền mất iểm soát.
Còn tình trạng dạy chay, học chay?
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết đã tiếp thu những gì từ góp ý của nhân dân?(GDVN) - Ban Phát triển chương trình kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10 từ năm 2018. |
Bên cạnh đổi mới đội ngũ, thì việc đảm bảo cơ sở vật chất đáng lẽ là việc làm trước tiên, trước khi đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa.
Lâu nay do không đảm bảo về cơ sở vật chất nên không ít trường dạy chay, học chay.
Khi đồ dùng, thiết bị chuyển về thì không có phòng thí nghiệm để thực hành, khi xây được phòng thí nghiệm thì đồ dùng, thiết bị đã hư hỏng.
Lãng phí tiền tỷ mà vẫn dạy chay, học chay.
Hiện nhiều địa phương rất khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Vì vậy để thoát khỏi tình trạng dạy chay, học chay đã khó, huống gì các em phải học thêm môn “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” - một môn đòi hỏi phải có đầy đủ vật liệu, công cụ, trang thiết bị, môi trường thực hành hoặc đi thực tế.
Một ngoại ngữ, học sinh học đã chưa xong, không có đủ phương tiện nghe nhìn, môi trường giao tiếp thực hành, huống gì phải học thêm ngoại ngữ tự chọn, tiếng dân tộc thiểu số ?
Người thầy phải làm gương
Như dự thảo đã công bố, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể hướng vào mục tiêu giáo dục người học đạt “8 phẩm chất, 2 loại năng lực”.
8 phẩm chất đó là: Nhân ái - Khoan dung, Chuyên cần - Tiết kiệm, Trách nhiệm - Kỷ luật, Trung thực - Dũng cảm.
2 loại năng lực đó là: năng lực cốt lõi (ai cũng cần để có thể sống và làm việc) và năng lực chuyên biệt (chỉ có và cần ở một số người nhất định).
Thiết nghĩ, đây là mục tiêu, kỳ vọng lớn của chúng ta đối với người học. Nhưng người thầy trước hết phải làm gương về các phẩm chất nói trên trong giải quyết, khắc phục những tồn tại, bất cập bấy lâu nay.
Thầy cô phải tận tụy, hết lòng vì học trò, không ép học sinh học thêm, không “đì” học sinh không học thêm; nhà trường ngoài học phí, không thu bất cứ khoản nào thêm đó là cũng sự “nhân ái - khoan dung”, khoan sức dân, vì dân.
Nội dung chương trình vừa sức, hứng thú, ý nghĩa, học sinh hăng hái đến trường; phân luồng học sinh từ bậc Trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp cho các em (không nhất thiết phải “kéo” các em lên đến lớp 12), đó cũng là “chuyên cần - tiết kiệm” đối với sức khỏe, tuổi trẻ, tương lai của các em.
Nói không với bệnh thành tích, căn bệnh trầm kha chưa chữa được tận gốc của ngành giáo dục; không để học sinh ngồi nhầm lớp, phải chăng đó cũng là “trách nhiệm - kỷ luật” của những người làm công tác giáo dục?
Cuối cùng, thầy cô phải làm gương về phẩm chất “trung thực - dũng cảm”. Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật về những mâu thuẫn đang ngự trị trong ngành giáo dục bấy lâu nay.
Không phải lúc nào im lặng cũng là “vàng”, đừng chọn giải pháp im lặng để tiếng nói dân chủ trong nhà trường bị bóp nghẹt, tạo cơ hội cho thói quan liêu, cửa quyền, bè phái, lợi ích nhóm lây lan, bùng phát.