Thực hiện đúng Quyết định 158 của Thủ tướng thầy Danh bị đình chỉ, ai dám tự chủ

20/09/2020 07:58
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đã có hơn 300 đại học trong và ngoài nước, hơn 1.000 trường trung học phổ thông đến học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Vì có một xuất phát điểm thấp, phải tự trang trải đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà xưởng, phòng thí nghiệm, nhân sự ngay từ đầu, tự thu xếp nguồn tài chính chi thường xuyên... nên trong 10 năm, giai đoạn từ lúc thành lập năm 1997 đến 2007, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn tiếp tục rất khó khăn.

Tuy nhiên, chỉ từ năm 2007 đến nay, Trường đã trở thành biểu tượng cho đổi mới, cho sự hiện đại, chất lượng của giáo dục Việt Nam, là thực tiễn sinh động để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/2014/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Đặc biệt, ngày 29/01/2015, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 158/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Nhà trường giai đoạn 2015 – 2017; và được tiếp tục thực hiện đến khi có Nghị định mới về tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Năm 2007 được xem là dấu mốc bắt đầu những chuyển biến quan trọng của Trường này khi Hội đồng Quản trị thông qua đề nghị của Hiệu trưởng để ban hành Kế hoạch 30 năm (2007 - 2037) phát triển Đại học bán công Tôn Đức Thắng (tiền thân của Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngày nay) thành đại học nghiên cứu nằm trong top 60 đại học tốt nhất châu Á.

Sự thành công của Đại học Tôn Đức Thắng từ cơ chế tự chủ đại học đã trở thành hình mẫu để cải cách hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước; được báo cáo điển hình với Chính phủ vào tháng 8/2014.

Đại học Tôn Đức Thắng là hình mẫu về quản trị đại học hiệu quả và chất lượng; là một môi trường văn minh, lịch sự, công bằng, và ổn định.

Đến nay đã có hơn 300 đại học trong và ngoài nước, hơn 1.000 trường trung học phổ thông đến học tập kinh nghiệm, tham khảo mô hình quản trị trường học và cơ sở vật chất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Từ khi sân cỏ quốc phòng của Trường được xây lên thì có lẽ nó trở thành 1 trong những nơi được các bạn sinh viên ưu ái lựa chọn nhất để nghỉ ngơi, tâm sự cùng bạn bè sau những giờ học (ảnh: TDTU)

Từ khi sân cỏ quốc phòng của Trường được xây lên thì có lẽ nó trở thành 1 trong những nơi được các bạn sinh viên ưu ái lựa chọn nhất để nghỉ ngơi, tâm sự cùng bạn bè sau những giờ học (ảnh: TDTU)

Chúng tôi có dịp gặp và được lắng nghe chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương, người từng công tác tại Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hơn 10 năm, hiện đang là Phó trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tiến sĩ Cương chia sẻ: “Như bạn đã biết, tự chủ đại học là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Trong nhiều cuộc họp, hội thảo ở Bộ Giáo dục và Đào tạo mà tôi được tham dự thì tinh thần của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là làm sao thực hiện tự chủ đại học một cách đúng nghĩa tại Việt Nam và khẳng định mô hình ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng là môi trường hình mẫu trong quá trình thực hiện tự chủ.

Dù không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ Ngân sách nhà nước hay Công đoàn, nhưng Nhà trường làm rất xuất sắc”, Tiến sĩ Cương nhớ lại.

“Trường Tôn Đức Thắng có cơ sở vật chất hiện đại mà thậm chí nhiều trường đại học mỗi năm nhận ngân sách vài nghìn tỷ đồng cũng không tạo ra được cơ sở vật chất như vậy. Môi trường học tập, nghiên cứu tại đây thì tôi chỉ biết tóm gọn trong 2 chữ “tuyệt vời”.

Ngoài ra chất lượng giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu đã được khẳng định thông qua các bảng xếp hạng uy tín của thế giới nên tôi thấy không cần phải nói thêm nữa.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có được như ngày hôm nay, làm tốt công tác tự chủ thì đóng góp của thầy Hiệu trưởng Lê Vinh Danh là vô cùng lớn, cả xã hội không thể phủ nhận”.

Một trong những chuẩn đầu ra của sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng là phải đạt chứng chỉ bơi 50m (ảnh: TDTU)

Một trong những chuẩn đầu ra của sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng là phải đạt chứng chỉ bơi 50m (ảnh: TDTU)

Trước quyết định đình chỉ công tác điều hành của Hiệu trưởng đối với Giáo sư Lê Vinh Danh, nhiều bạn bè của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương đã rất lo lắng cho sự tồn tại của ngôi trường vinh dự mang tên Bác Tôn trong những ngày tháng tới đây.

“Thông qua một số kênh thông tin, tôi được biết nhiều người lo ngại, nếu thầy Danh không tiếp tục lãnh đạo Nhà trường, Trường sẽ không giữ được phong cách phát triển hiện nay, không giữ được văn hóa đại học và sự quản trị đại học xuất sắc như hiện nay.

Lúc đó, việc Trường tuột dốc theo tôi là điều khó tránh khỏi; đó là sự đáng tiếc không chỉ với tập thể sư phạm của Trường, mà còn là sự thiệt hại của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước.

Một mô hình tự chủ điển hình như vậy mà bị sụp đổ thì những trường, cơ sở giáo dục đại học mới bắt đầu hoặc đang nhen nhóm ý định triển khai tự chủ liệu họ có tiếp tục mạnh dạn, quyết đoán triển khai nữa hay không?”, thầy Cương đặt vấn đề.

Từng học Thạc sĩ, Tiến sĩ chuyên sâu về Đảm bảo chất lượng tại Úc, học xong tiến sĩ, trước khi về nước Tiến sĩ Cương đã bắt đầu tìm hiểu các trường đại học trong nước vì muốn “đầu quân” để kiến thức nghiên cứu phải được ứng dụng thì mới thấy rõ kết quả, chứ công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo thiên về quản lý nhiều hơn.

Hơn nữa, một người đam mê nghiên cứu thì điều đầu tiên chú trọng tới đó là phải có môi trường nghiên cứu phù hợp, có sơ sở vật chất tốt.

Ví dụ, muốn viết bài báo công bố quốc tế thì bắt buộc phải truy cập được vào trang thông tin để lấy dữ liệu viết bài. Điều này ở nước ngoài thì khá thuận lợi bởi hàng năm nhà trường bỏ tiền mua và người học chỉ việc truy cập vào nhưng tại Việt Nam thì hầu hết các trường đều không có tài khoản đó.

Do đó những người làm nghiên cứu như Tiến sĩ Cương muốn tải tài liệu thì phải nhờ bạn bè quốc tế hoặc qua một số phần mềm.

Trong khi đó, qua bạn bè, Tiến sĩ Cương được biết Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường duy nhất có mua tài khoản Web of Science để giảng viên, nghiên cứu có thể vào truy cập.

“Đối với những người làm nghiên cứu như mình thì điều đó cực kỳ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho chuyên môn của mình, dễ dàng trao đổi học thuật. Cơ sở dữ liệu ở đây chẳng khác gì một môi trường quốc tế, vậy cớ sao mình lại không chọn lựa nơi này?”, thầy Cương nói.

Thủ tướng Cộng hòa Canada, Justin Trudeau thăm và tọa đàm với giảng viên, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng hồi tháng 11/2017 (ảnh: TDTU)

Thủ tướng Cộng hòa Canada, Justin Trudeau thăm và tọa đàm với giảng viên, sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng hồi tháng 11/2017 (ảnh: TDTU)

Khi bắt đầu về Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bước vào thư viện, Tiến sĩ Cương không thể ngờ rằng ở Việt Nam lại có thư viện hiện đại đến như vậy, đặc biệt thư viện này mang dấu ấn của các trường đại học top 1 của Úc.

Nhờ có Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đặc biệt khi được tham gia vào nhóm nghiên cứu giáo dục mà trưởng nhóm là một giáo sư bên Úc, Tiến sĩ Cương đã được tiếp tục học hỏi, kết nối, phát triển thêm được nhiều mối quan hệ với các giáo sư nước ngoài; phát triển tiếp được chuyên môn.

Vào công tác tại Trường thì Tiến sĩ Cương nhận thấy kỷ cương của Nhà trường đã giúp bao thế hệ sinh viên, giảng viên, viên chức nề nếp, xây dựng được văn hóa. Nguyên tắc làm việc “hiệu quả- công bằng – phụng sự”của Giáo sư Lê Vinh Danh được truyền đến tất cả sinh viên, giảng viên, cán bộ Nhà trường.

Cuối cùng, nhìn về những thành quả của ngôi trường này, Tiến sĩ Cương khẳng định rằng: “Nếu không có tự chủ thì không có Đại học Tôn Đức Thắng ngày hôm nay.

Năm 2013, khi tôi còn công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời điểm đó Bộ nhờ Trường Đại học Tôn Đức Thắng đăng cai tổ chức Hội thảo bảo đảm chất lượng cho Khu vực ASEAN nhưng trong đó mời khá nhiều nước châu Âu.

Để chuẩn bị hội thảo, sinh viên Nhà trường đã tận tình, chu đáo để đi đón các đoàn từ tận sân bay, tất cả mọi người đều đánh giá sự chuyên nghiệp của đội ngũ hỗ trợ hội thảo rất tốt, cơ sở vật chất rất hiện đại.

Chính vì vậy, khi về nước, nhiều đoàn đã viết thư gửi cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị gửi thư cảm ơn tới Giáo sư Lê Vinh Danh với nội dung là hội thảo đã giúp họ biết đến môi trường đại học chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế ngay tại Việt Nam”.

Tự chủ đại học đã giúp Trường Đại học Tôn Đức Thắng được quốc tế, bạn bè, chuyên gia công nhận như vậy.

Nay việc đình chỉ hoạt động điều hành có thời hạn người đứng đầu mới chỉ trong vòng 3 tuần đã gây ra lo ngại, hoang mang với cả tập thể giảng viên, viên chức về tiền đồ của Trường này.

Vậy, một khi trường đại học tốt như thế này phải đi xuống chỉ vì những quyết định mang tính cục bộ, xuất phát từ sự vênh nhau giữa hành lang pháp lý thí điểm tự chủ và hệ thống pháp luật chưa sửa, dẫn đến những rủi ro kiểu như thế cho người đứng đầu thì còn trường đại học nào, còn người đứng đầu nào còn dám làm tự chủ đại học?

Thùy Linh