Ngộ nhận và định kiến kìm chân nhiều trường không thể thăng hạng đại học quốc tế

17/10/2020 08:52
Nam Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận định “nhiều tác giả nước ngoài nên nội lực yếu” thể hiện người nói không hiểu quốc tế hóa hay hợp tác là yêu cầu bắt buộc để có nghiên cứu lớn và lâu dài.

LTS: Gần đây, có cơ quan báo chí dẫn lời từ một Tiến sĩ cho rằng có đại học ở Việt Nam “khai man nhiệm sở” để thăng hạng đại học, không khai nhiệm sở chính, nhiều tác giả nước ngoài nên nội lực yếu và rằng đánh tráo nhiệm sở trong công bố khoa học.

Trước dư luận này, với tư cách là người làm nhân sự, thường xuyên tiếp xúc và có liên quan đến các nhà khoa học hàng ngày, tác giả Nam Sơn có gửi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đôi điều chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.

"Khai man nhiệm sở" để thăng hạng đại học là một thuật ngữ hoàn toàn xa lạ, không những không đúng, mà còn cố tình chơi chữ, dùng những từ ngữ mà giới khoa học không dùng, không biết đến, để đánh giá về hoạt động khoa học và công bố quốc tế.

Với tư cách người làm nhân sự, tôi thấy có mấy vấn đề.

Người không làm khoa học mà đọc qua những nhận định này thì quả là sẽ phải cảm thấy “rất thất vọng”; nhất là khi tác giả của những nhận định đó lại có học vị tiến sĩ.

Tuy nhiên, bình tĩnh mà luận, bình tâm mà xét thì những nhận định trên là chỉ là một kiểu chơi chữ, hoặc “đánh tráo khái niệm”. Từ “đánh tráo” là tôi mượn lại của chính người đã dùng nó.

Thứ nhất, “khai man nhiệm sở để thăng hạng đại học” là thế nào? Có 2 nội hàm: a) khai man, b) nhiệm sở. “Khai man” có nghĩa là khai không đúng nơi mình công tác.

Tùy cách mà người nói cố tình hiểu và/hoặc cố tình dẫn dắt dư luận hiểu theo mình, chỉ những người sống vào thập niên 90 trở về trước, thì mới có quan niệm rằng mỗi nhà khoa học chỉ cơ hữu ở một chỗ duy nhất và được bao cấp ở chỗ đấy. Đấy là “nhiệm sở”. Nếu khai địa chỉ làm việc của mình ở một chỗ thứ 2 không phải “nhiệm sở” này, thì đều là “khai man”.

Từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước trở về sau, khi mà cả trong giáo dục lẫn khoa học tại Việt Nam đều chấp nhận cho nhân sự của mình có thể làm việc kiêm nhiệm với một đến một vài cơ quan khác ngoài cơ quan bao cấp/nhiệm sở của mình, thì việc một nhà khoa học được tài trợ từ một đơn vị bên ngoài để làm nghiên cứu và công bố của ông/bà này phải để tên đơn vị/”nhiệm sở” tài trợ lên đầu tiên là điều bình thường.

ảnh minh họa: Nguồn Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

ảnh minh họa: Nguồn Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Các cơ quan khoa học nước ngoài đã xem điều này là phổ thông từ rất nhiều năm về trước. Việt Nam có chậm hơn nhưng cũng đã đi đúng hướng trong khoảng 30 năm qua.

Vậy mà nói rằng một nhà khoa học khai tên một đơn vị đã tài trợ cho họ làm khoa học vào công bố của họ là “khai man” thì thật sự đang sống ở quá khứ mà chê bai hiện tại.

Công bố khoa học trên các tạp chí khoa học thì phải có địa chỉ rõ ràng và địa chỉ này được ghi theo qui ước giữa nhà khoa học và đơn vị /"nhiệm sở” đã tài trợ cho hoạt động khoa học của họ. Khi đánh giá các đại học, các tổ chức xếp hạng căn cứ vào địa chỉ mà ghi nhận công bố khoa học cho đơn vị/nhiệm sở nói trên.

Việc nhà khoa học thực hiện nghiên cứu theo hợp đồng tài trợ thì phải làm cho đúng các các điều khoản trong đó; nếu họ mà làm sai thì vi phạm hợp đồng và có khi còn bị kiện ra tòa. Vậy việc họ khai tên đơn vị/”nhiệm sở” đã tài trợ cho họ làm khoa học (theo đúng thỏa thuận giữa 2 bên) thì “khai man nhiệm sở” ở chỗ nào?

Cách nói này rõ ràng là mang tính suy diễn và nguy hiểm cho sự phát triển của khoa học!.

Thứ hai, câu nói “không khai nhiệm sở chính”: là một kiểu tư duy cổ hủ khác.

Một khi nhà khoa học tự nguyện ký và thực hiện một hợp đồng nghiên cứu/nhận tài trợ nghiên cứu hợp pháp với một đơn vị khoa học khác, họ phải thực hiện các điều khoản một cách chính xác. Việc ghi địa chỉ “nhiệm sở” nào? Bao nhiêu “nhiệm sở”? là tùy thuộc vào điều khoản của hợp đồng nghiên cứu này.

Nếu trong hợp đồng, đơn vị tài trợ không đồng ý cho nhà khoa học ghi địa chỉ “nhiệm sở chính” của ông ta, nhà khoa học có thể đồng ý hoặc không đồng ý (tùy vào qui định của “nhiệm sở chính” của ông). Nếu ông không đồng ý, mọi việc không có gì để bàn.

Nếu ông đồng ý, thì có nghĩa “nhiệm sở chính” của ông ta không cấm đoán việc này, và/hoặc ông có quyền tự do riêng để thực hiện những hợp đồng nghiên cứu như thế mà “nhiệm sở chính” của ông không có qui định phải can thiệp.

Cứ nhắc đến chữ “nhiệm sở” là Tôi không khỏi buồn cười bởi tính lạc hậu của nó. Nhưng Tôi phải dùng vì vị tiến sĩ kia đã nói thế.

Một nhà báo “cơ hữu” cho báo này thì có thể viết và đăng bài cho “báo khác” với cùng bút danh hoặc có thể đổi bút danh. Thành tích của bài viết sẽ thuộc về tác giả và tờ báo đã trả thù lao cho nhà báo viết bài. Không ai có thể nói tờ báo trả thù lao cho nhà báo viết bài cho báo mình đã “khai man” vì anh không phải là “nhiệm sở chính” của nhà báo nọ.

Thứ ba, nhận định rằng “nhiều tác giả nước ngoài nên nội lực yếu” thể hiện người nói không hiểu rằng tính quốc tế hóa hay hợp tác là yêu cầu bắt buộc để có những nghiên cứu lớn và lâu dài. Cách hiểu hoặc cố tính hiểu như thế một lần nữa cho thấy sự lạc hậu.

Khoa học không có khái niệm biên giới quốc gia hay đại học. Bất cứ nước nào cũng đều được hưởng những tiện ích nhất định của các cuộc cách mạng công nghệ 3.0 rồi 4.0 mặc dù không phải tất cả các nước đều có đóng góp. Chỉ có mở cửa và hợp tác thì mọi nước mới có cơ hội phát triển, cùng tiến lên và cùng thắng.

Một đại học mà tuyển dụng toàn cầu thì trong thành phần nhân sự của họ phải có nhiều quốc tịch, chứ không chỉ mỗi quốc tịch Việt Nam. Do đó, nếu cứ thấy có nhân sự nước ngoài nhiều, mà phán ngay nội lực kém là kiểu nói rõ ràng là kiểu suy nghĩ lạc hậu.

Một đại học muốn có khả năng quy tụ được những nhà khoa học tinh hoa trên khắp thế giới đến làm việc phải là một đại học:

Có môi trường làm việc không khác với nước họ nhiều để họ có thể dễ dàng sáng tạo;

Có chế độ thu nhập tốt;

Có những hỗ trợ nghiên cứu (như hội thảo, hội nghị quốc tế, hợp tác quốc tế liên ngành, chính sách tài trợ nghiên cứu, nhóm nghiên cứu, nghiên cứu sinh và cao học hỗ trợ...) phù hợp.

Có thể thấy rằng chỉ có những đại học mạnh và đạt đẳng cấp quốc tế mới làm được những điều này. Mà đã là đại học đẳng cấp quốc tế và mạnh, lại bảo rằng họ có “nội lực yếu” khi số lượng nhà khoa học nước ngoài tham gia nhiều thì thật là khôi hài. Nghĩa là người nói chỉ đếm số lượng người để nhận định, không quan tâm đến hợp tác quốc tế, hợp tác nghiên cứu và đồng tác giả đang là điều kện cần để có khoa học.

Hãy nhìn những đại học đứng đầu các bảng xếp hạng trên thế giới, xem giảng viên của họ thế nào, duy nhất một quốc tịch hay đa quốc tịch?. Không có đại học top thế giới nào mà nhà khoa học của họ chỉ đứng tên công trình cho duy nhất 1 nước.

Do đó, loại dư luận hay quan điểm này hoặc là rất phù hợp với thời kỳ đóng cửa mà đa số các công trình nghiên cứu đều kết thúc bằng sản phẩm “cây nhà-lá vườn” và không có nhiều đóng góp được thế giới ghi nhận; hoặc là không muốn cho khoa học phát triển phù hợp với xu thế quốc tế bởi mình không theo kịp; hoặc là xuất phát từ sự đố kỵ không thể giải thích được.

Thứ tư, “tráo nhiệm sở trong công bố khoa học” là thế nào? Dùng cách nói này để công kích một giáo sư nổi tiếng là sự chưa hiểu biết hết về liêm chính khoa học.

Khi công bố một công trình khoa học thì việc cập nhật thông tin vào bản thảo trước khi xuất bản là chuyện hết sức bình thường. Tạp chí họ để cho nhà khoa học tự chịu trách nhiệm, thì tác giả có quyền lựa chọn địa chỉ công bố nào là quyền của họ và vì đó là sản phẩm của họ.

Hơn nữa, việc phản biện công trình gửi đăng tạp chí phải là quá trình kín, mật; người được mời phản biện phải giữ bí mật, phản biện chỉ dựa trên bài báo, không quan tâm đến tên tuổi hay nhiệm sở của tác giả; không được tiết lộ bất kỳ thông tin gì về việc này. Đó chính là tính liêm chính và cũng là đạo đức trong công bố khoa học.

Việc “tung tin” về thông tin phản biện của một công trình lên một tờ báo đại chúng thì chứng tỏ người phản biện đó đã vi phạm nghiêm trọng tính liêm khiết và đạo đức khoa học. Một người phản biện đứng đắn, đúng nghĩa là nhà khoa học không ai làm thế.

Nếu cộng đồng khoa học quốc tế mà biết hành vi sai trái này thì họ có thể sẽ thiếu thiện cảm đối với các nhà khoa học Việt Nam, và đương nhiên người tung tin như thế sẽ khó mà được các tạp chí tiếp tục mời phản biện.

Tôi thiết nghĩ, cơ quan báo chí khi đưa tin cần cẩn trọng, vì nếu không, từ một việc tưởng chừng là nhỏ nhưng sẽ đánh đổi lại là sự mất uy tín của một tập thể lớn và tốt nhất là các báo nên thực hiện theo đúng Tôn chỉ của mình, như thế sẽ có sự chính xác và tiếng nói khách quan hơn trong việc đưa tin.

Nam Sơn