Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và 23 đại học tự chủ sẽ còn rất vất vả

06/11/2019 11:59
Ngọc Quang
(GDVN) - Thiếu tinh thần “liêm chính - kiến tạo – hành động” như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thì giáo dục đại học khó mà phát triển.

Sau khi Quốc hội ban hành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học” (Luật số 34/2018/QH14), các cơ sở giáo dục đại học đang chờ đợi Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để phát huy được giá trị thật sự của Luật.

Từ đó, các trường mới có thể phát huy được giá trị, thế mạnh riêng của mình; giúp đại học Việt Nam sớm đạt đẳng cấp quốc tế.

Công bằng mà nói những năm vừa qua, giáo dục đại học đã có những chuyển biến tích cực khi nhiều cơ sở giáo dục đã bắt đầu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, về nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Nhờ thế, chúng ta đã có 3 đại học được xếp hạng Top 1000 đại học tốt nhất thế giới (Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) và 1 đại học Top 1000+ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) trong 2 bảng xếp hạng danh giá nhất (ARWU, THE).

Tuy nhiên, để các trường tự chủ tiếp tục thành công, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, cần có sự đồng bộ trong các văn bản pháp luật.

Tức là những gì gây khó khăn cho tự chủ phải được tháo gỡ hết.

Chỉ có như vậy thì giáo dục đại học của Việt Nam mới thật sự phát triển đúng nghĩa và có tương lai.

Mặc dù Luật được thông qua từ 19/11/2018 nhưng cho tới nay, gần 1 năm trôi qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa thể hoàn thiện được Dự thảo Nghị định (bản cuối cùng) để trình Chính phủ.

Bản dự thảo này sau nhiều lần điều chỉnh vẫn còn quá nhiều các lỗi cả về hướng dẫn nội dung Luật cho tới các yếu tố mang tính kỹ thuật.

Và nếu những điều này không được nghiêm túc mổ xẻ, để làm lại cho đúng thì đến một ngày nào đó Nghị định thông qua, như vậy “quả bóng trách nhiệm” bị đẩy lên Chính phủ chứ không còn nằm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Quốc hội đã thông qua “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học” từ kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2018), nhưng đến nay việc soạn thảo hướng dẫn thi hành luật vẫn "rối như canh hẹ". Với cách làm việc như vậy của cấp dưới thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và 23 đại học tự chủ sẽ còn nhiều khó khăn. ảnh: quochoi.vn
Quốc hội đã thông qua “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học” từ kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2018), nhưng đến nay việc soạn thảo hướng dẫn thi hành luật vẫn "rối như canh hẹ". Với cách làm việc như vậy của cấp dưới thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và 23 đại học tự chủ sẽ còn nhiều khó khăn. ảnh: quochoi.vn

Đã có nhiều ý kiến góp ý về việc triển khai thực hiện “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học” (Luật số 34/2018/QH14), chủ yếu xoay quanh một số vấn đề lớn:

Thứ nhất, vấn đề nhân sự: Điều cốt lõi là cấp có quyền quyết định nhân sự phải là cấp quyết định quy trình lựa chọn nhân sự trong đó bao gồm làm quy hoạch, xác định tiêu chuẩn, thủ tục lựa chọn nhân sự; và cụ thể ở đây phải là Hội đồng trường.

Nếu có một cấp bên ngoài cơ sở giáo dục đại học nào khác (chẳng hạn cơ quan chủ quản) lại quyết định qui trình nhân sự (bao gồm quy hoạch, tiêu chuẩn, thủ tục lựa chọn nhân sự...) thì quyền quyết định nhân sự của Hội đồng trường chỉ còn là hình thức; nghĩa là hội đồng chỉ được bầu con người do một cơ quan bên ngoài cơ sở giáo dục lựa chọn.

Hội đồng trường lúc đó trở thành "bù nhìn" và việc này lập tức sai với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 19-NQ/TW.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội Khóa 13 nêu quan điểm: Quy hoạch, quy trình thủ tục  lựa chọn nhân sự lại là khâu quan trọng nhất để đưa ra hội đồng lựa chọn nhân sự.

 Vậy quy hoạch như thế nào?

Thủ tục quy trình lựa chọn như thế nào từ cấp dưới trở lên. Cái đó phải do cấp quy hoạch nhân sự làm ra, cụ thể là phải thuộc quyền của Hội đồng trường – đây là vấn đề cốt lõi để chọn nhân sự, cũng là nền tảng vô cùng quan trọng của một trường đại học.

Trường đại học cần được tham gia quá trình xây dựng luật
Trường đại học cần được tham gia quá trình xây dựng luật

Cần phải khẳng định rằng, nhân sự lãnh đạo như Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường đại học phải do Hội đồng trường thực hiện chứ không phải cấp nào khác làm việc này, thì mới bảo đảm được thực quyền của hội đồng; từ đó bảo đảm được chất lượng của các hoạt động điều hành, chuyên môn.

Như vậy, khi mà Luật 34 quy định Hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng; thì Hội đồng trường phải là cấp làm quy trình, quy hoạch chứ không phải cơ quan nào khác.

Vấn đề tồn tại hiện nay là một vài cơ quan chủ quản vẫn tiếp tục muốn nắm cái quyền này, viện dẫn quy định này quy định khác của Đảng; nhưng người ta quên mất một điều là tất cả các quy định có liên quan đến công tác cán bộ của Đảng đều phải ở dưới Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương.

Trong Nghị quyết 19 đã định hướng rất rõ, đã cởi trói, xóa bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu để tiến tới những điều phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.

Đó là điều rất tuyệt vời ở Nghị quyết 19.

Như vậy tất cả các quy định sau này khi ban hành phải tuân theo chỉ đạo của Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương.

Nếu ai nói trái Nghị quyết thì chỉ là bao biện, nói không đúng đường lối, chủ trương; sai cả về kỹ thuật và nội dung.

Tại Hội thảo khoa học “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập- Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19/3/2019, Tiến sĩ Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu rất thẳng thắn: “Vấn đề tự chủ đại học hiện nay chủ yếu được tiếp cận từ góc độ tài chính mà chưa chú trọng đúng mức tới việc thực hiện các nội dung khác trong tự chủ như về tổ chức, nhân sự và học thuật”. (1)

Thứ 2, về quản trị, sử dụng tài chính – tài sản: Trong Luật 34 nói rất rõ "Tất cả những nguồn đầu tư nào xuất phát từ Ngân sách nhà nước thì áp dụng theo Luật đầu tư công; còn những nguồn đầu tư nào ngoài ngân sách nhà nước mà Nhà trường huy động để có thêm nguồn lực phát triển thì không áp dụng theo Luật đầu tư công, Luật đấu thầu".

Xóa cơ chế chủ quản phải đấu tranh lâu dài, vì dịch chuyển quyền lực không dễ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và 23 đại học tự chủ sẽ còn rất vất vả ảnh 3

(GDVN) - Có cơ quan còn yêu cầu, can thiệp trực tiếp vào quá trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức danh ở các trường khiến cho việc tự chủ nhân lực không được đảm bảo.

Chỉ phải tuân thủ Luật xây dựng khi triển khai dự án hiển nhiên và hoàn toàn phù hợp với thực tế phát triển.

Ngân sách nhà nước dành cho các trường khó mà có thể đủ cho phát triển.

Đặc biệt có những cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên từ nhiều năm qua, thì nhà trường phải được quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới sử dụng tài chính tự có.

Nếu đã tự chủ hoàn toàn về tài chính, không sử dụng Ngân sách nhà nước trong đầu tư; mà còn bị bó buộc bởi những rào cản chẳng khác gì cơ sở giáo dục được bao cấp, được ngân sách nhà nước tài trợ đầu tư và chi thường xuyên; thì rõ ràng là không hợp lý; giáo dục đại học không thể phát triển được vì chẳng Hiệu trưởng nào còn muốn làm.

Thực hiện tự chủ mà các quy định cứ bó buộc, để rồi phải xin-cho; để rồi có thể bị buộc tội bất cứ lúc nào; thì chắc chắn là chẳng ai muốn làm; tốt nhất là giữ thân mình cho yên.

Khi mà những điều vô lý không được sửa; vẫn tồn tại để bó buộc các đại học như thế, thì tự chủ sẽ không bao giờ thành công trong thực tế.

Trong Lễ khai khóa 2019 và làm việc với Ban lãnh đạo của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/10/2019, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018 có 3 quan điểm mới, đáng chú ý về đổi mới, nâng cao tự chủ đại học gồm trao quyền hạn rất lớn cho đại học, trường đại học tự chủ học thuật, tự chủ tổ chức nhân sự và tự chủ tài chính.

Luật cũng quy định nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Đổi mới quản trị đại học, tăng cường vai trò của Hội đồng trường.

Nhà nước thực hiện chiến lược, đặt ra quy định, quy trình, thực hiện giám sát, kiểm tra và không điều hành. (2)

Với các đại học và trường đại học, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị bên cạnh các nguồn thu truyền thống, "cần có kế hoạch huy động nguồn lực đóng góp về trí tuệ và tài chính từ hội cựu giáo chức, cựu sinh viên, các doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ phát triển giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại nhà trường…";

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với đề xuất đại học được vay vốn ngân hàng khi dự án đầu tư được ngân hàng thẩm định và chấp nhận cho vay.

Phó Thủ tướng nhắc Bộ Tài chính lưu ý nội dung này trong sửa đổi Nghị định 16/2015/NĐ-CP, bảo đảm nhu cầu thực tế, khách quan của các đơn vị, tổ chức liên quan chứ không chỉ căn cứ hoàn toàn vào mức độ tự chủ. (3).

Một khi cơ sở giáo dục đại học tự chủ đã sử dụng vốn tự huy động, vốn vay thương mại ngân hàng để tự đầu tư (dự án đã được ngân hàng thẩm định và chấp nhận cho vay) mà còn có cơ quan chủ quản yêu cầu rằng đã là đơn vị công lập, có chữ “công” trong đó thì thủ tục-quy trình triển khai dự án lại “bị” quản lý theo Luật đầu tư công.

Như vậy, coi như chủ trương tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học bị phá sản.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội khóa 13 nói rằng, đối với cơ chế tài chính cũng phải hết sức rõ ràng, lâu nay chúng ta kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cho giáo dục, nhưng cứ loay hoay mãi không rõ ràng khiến nhiều nhà đầu tư e ngại.

Rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho hoạt động giáo dục nhưng số tiền họ bỏ ra phải được bảo toàn. Đây là vấn đề phải hết sức rõ ràng, vì nó khác hoàn toàn với chuyện chia lợi nhuận.

Bảo toàn vốn ở đây tức là khi người ta bỏ ra một khoản tiền đầu tư thì hàng năm người ta phải được nhận về một khoản tương đương lãi suất bình quân/năm của các ngân hàng thương mại.

Đó là chi phí vốn chứ không phải lợi tức.

Nếu như đánh đồng chi phí vốn với lợi tức, thì sẽ là điều hết sức vô lý và tiếp tục là rào cản hạn chế các nhà đầu tư bỏ tiền để mở rộng cơ sở vật chất, phát triển hệ thống giáo dục tư nhân, giáo dục phi lợi nhuận.

Không cho phép nhà đầu tư được lấy chi phí vốn thì họ sẽ vay vốn ngân hàng để đầu tư thay vì dùng tiền túi.

Khi vay vốn ngân hàng, họ sẽ phải trả tiền lãi/năm vì đó là chi phí vốn và được hạch toán công khai vào chi phí (chứ không phải phần thặng dư).

Vay ngân hàng thì không phải lúc nào cũng dễ và nhanh chóng, trong khi dùng tiền túi để đầu tư thì nhanh hơn, dễ dàng hơn, bảo đảm cơ hội cho trường hơn.

Tuy nhiên, không cho phép nhà đầu tư lấy về chi phí vốn vì nhầm lẫn nó với lợi tức, nghĩa là trực tiếp hạn chế việc xã hội hóa đầu tư cho giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất nỗ lực để thúc đẩy quá trình tự chủ của các trường đại học, nhưng ông và các trường tự chủ sẽ còn phải rất vất vả vì cách làm ăn hời hợt của cấp dưới. ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã rất nỗ lực để thúc đẩy quá trình tự chủ của các trường đại học, nhưng ông và các trường tự chủ sẽ còn phải rất vất vả vì cách làm ăn hời hợt của cấp dưới. ảnh: quochoi.vn

Thứ 3 là quyền tự chủ về chuyên môn: Phải được làm rõ càng chi tiết càng tốt, bởi nhiều chuyên gia khẳng định trong Luật đã viết khá rõ, nhưng trong dự thảo nghị định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thì có những vấn đề không ổn, rất mù mờ.

Thí dụ như tiêu chí được đặt ra để nâng một trường đại học trở thành trường nghiên cứu là trường đó phải đạt số sinh viên chính quy 15 nghìn.

Vậy thì lấy tiêu chí nào để xác định ra con số 15 nghìn? Con số này có nghiên cứu nào không hay đặt ra theo cảm tính?

Thí dụ Đại học Princeton (Top 10 của Mỹ) chỉ có 6.000 học viên, sinh viên; Đại học Hasselt, Bỉ (Top 500 thế giới) có 6.333 học viên, sinh viên; Đại học hóa-công nghệ Prague, Czech (Top 300 thế giới) có 3.606; Đại học Waihato, New Zealand (Top 500 thế giới) có 9.763 học viên, sinh viên.

Vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra con số 15 nghìn?

Nếu cứ theo tiêu chí trong dự thảo mà Bộ đang xây dựng thì 4 đại học danh tiếng này không bao giờ được công nhận là đại học nghiên cứu.

Một vấn đề khác được Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục đặt ra là mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật để áp dụng cho các trường nhưng chưa dành đủ thời gian để lấy ý kiến từ các trường một cách bài bản. Qua bản dự thảo mời nhất cũng cho thấy chưa có sự ghi nhận chính xác ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia giáo dục và các trường.

Như vậy là ngay từ đầu cách tiếp cận vấn đề đã không ổn, bởi vì việc xây dựng Nghị định hướng dẫn luật là để các trường thực hiện sao cho tốt nhất và mang lại hiệu quả đào tạo cho hàng vạn, hàng triệu sinh viên, chứ không phải là làm ra để quản lý, để tạo ra những điều vô lý khiến các trường sau này không biết làm thế nào cho đúng? và có lẽ muốn đúng được thì lại phải “chạy đến xin hướng dẫn”?

Đó là những vấn đề tồn tại và đang tiếp tục là rào cản cho sự phát triển không chỉ riêng đối với ngành giáo dục mà ở nhiều lĩnh vực khác hiện nay vẫn còn, dù ít nhiều cũng đã có sự tháo gỡ.

Với hàng loạt vấn đề “bất thường” trong bản dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật, có lẽ rồi đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ còn rất vất vả vì cách làm ăn hời hợt của cấp dưới.

Như ông Lê Như Tiến khi còn ở cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” hay “trên nóng dưới lạnh”.

Cách duy nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng này là các bộ-ngành phải làm việc đúng với tinh thần liêm chính – kiến tạo – hành động mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo; đúng vai trò và nhiệm vụ.

Tài liệu tham khảo:

(1). http://baokiemtoannhanuoc.vn/giao-duc/nhieu-kho-khan-vuong-mac-trong-thuc-hien-co-che-tu-chu-doi-voi-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-140608

(2) (3). http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Tu-chu-dai-hoc-khong-co-nghia-la-cac-truong-phai-tu-tuc-tu-boi/376726.vgp

Ngọc Quang