Cùng là giáo viên sao lại phân biệt người chính, người phụ?

05/03/2019 07:04
Vũ Ninh
(GDVN) - Giáo viên bị học sinh, phụ huynh phân biệt đã đành, ngay cả Ban giám hiệu, đồng nghiệp cũng phân biệt môn chính, môn phụ, hợp đồng, biên chế.

Thiệt thòi phận giáo viên dạy hợp đồng

Công tác ở trường gần chục năm nhưng chưa được vào biên chế, thầy Hoàng Văn Nghĩa (Hải Dương) vẫn chấp nhận cảnh giáo viên hợp đồng.

Làm công tác giảng dạy bộ môn toán lớp 5 thầy Nghĩa luôn tìm tòi, thay đổi phong cách giảng dạy, tự nâng cao chuyên môn, kỹ năng cho bản thân.

Chuyên môn tốt, nghiệp vụ giỏi, yêu trò, quý mến đồng nghiệp nhưng thầy Nghĩa vẫn không thoát khỏi cái bóng của giáo viên hợp đồng.

Cùng là giáo viên sao lại phân biệt người chính, người phụ? ảnh 1Thời lượng môn học trong chương trình mới có phân biệt môn chính, môn phụ không?

Theo thầy Nghĩa giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế có những khoảng cách mà không ai nói ra cũng có thể tự cảm nhận được:

"Chuyện lương thưởng là một phần.

Ai cũng biết giáo viên hợp đồng thì lương thấp, thưởng ít, không thể bằng giáo viên biên chế.

Điều này ai cũng biết tuy nhiên tôi chỉ đề cập đến một khía cạnh đó là văn hóa giữa đồng nghiệp.

Ở trường tôi giáo viên hợp đồng luôn có những khoảng cách nhất định với giáo viên được biên chế.

Đó có thể là rào cản tâm lý. Nhiều bạn trẻ mới ra trường dạy hợp đồng luôn chấp nhận vị thế thấp hơn, thiếu tự tin trước những đồng nghiệp.

Công việc trong trường nhiều khi không muốn nói thẳng ra giáo viên hợp đồng như chân sai vặt, công việc chân tay gì cũng đến chúng tôi.

Bên cạnh đó trong các hoạt động lễ Tết, liên hoan...giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế có những khoảng cách và phân chia thứ bậc rõ rệt".

Chuyện quà cáp, quỹ hoạt động giáo viên hợp đồng cũng được "ưu tiên" hơn so với giáo viên biên chế.

"Mỗi lần lễ tết đến nhà các lãnh đạo. Anh em chúng tôi thường đi riêng.

Nhiều lần chúng tôi phải hỏi các đồng nghiệp đóng góp bao nhiêu và thường giáo viên hợp đồng phải đóng góp cao hơn.

Tâm lý chung của anh em là sợ mất lòng sếp, sợ mất lòng đồng nghiệp.

Về chuyên môn ngoài sự phân công của lãnh đạo chúng tôi cũng không được phép tự ý vượt mặt các thầy cô trong trường.

Sợ nhất là bị nói xấu rồi dèm pha. Tâm lý của giáo viên hợp đồng là luôn lo sợ bị cắt hợp đồng cho nên chúng tôi chọn cách im lặng, không muốn va chạm và luôn nhận thiệt thòi về phần mình".

Bùi Thu Thảo, sinh viên Đại học Sư phạm tốt nghiệp tháng 6/2018 và được ký hợp đồng tại một trường cấp 2, Nam Định bắt đầu một ngày làm việc  thật dài.

Ngày nào cũng vậy Thảo thường đến trường sớm hơn khoảng 30 phút so với các đồng nghiệp.

Thảo đun nước, pha trà, dọn dẹp phòng họp, phòng hiệu trưởng...và làm nhiều công việc lặt vặt, không tên.

Những ngày lễ, Tết đồng nghiệp được nghỉ Thảo vẫn phải đến trường xử lý nhiều công việc. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ Thảo dám kêu đến nửa lời:

"Ở trường các anh chị bảo gì thì mình làm nấy. Mình cũng xác định là người mới về trường nên phải ngoan ngoãn và nghe lời.

Nếu chẳng may mọi người phật lòng, đánh giá thì cơ hội được ký hợp đồng dài hạn hoặc vào biên chế là rất thấp".

Giáo viên vì học sinh vì nhà trường đều đáng trân trọng như nhau (Ảnh: Vũ Ninh)
Giáo viên vì học sinh vì nhà trường đều đáng trân trọng như nhau (Ảnh: Vũ Ninh)

Khi được hỏi có khi nào Thảo thấy ấm ức không? Cô giáo viên trẻ này giãi bày:

"Ấm ức là có nhưng chưa bao giờ mình dám phản ứng. Nhất là những khi các anh chị làm gì sai hoặc vô lý.

Tâm lý người mới thường im lặng cho qua và nhận hết lỗi về mình.

Trước đây có một bạn cũng mới về như mình bày tỏ quan điểm, các anh chị và lãnh đạo ghi nhận tuy nhiên sau lưng mình nghe thấy mọi người bảo rằng bạn ấy hỗn, tự kiêu.

Nên bài học mình rút ra đó là im lặng, không bày tỏ".

Nỗi niềm của giáo viên "môn phụ"

Không biết từ khi nào trong suy nghĩ của phụ huynh, học sinh và thậm chí từ chính các giáo viên chia ra làm môn chính, môn phụ.

Theo đó nhiều người quan niệm rằng: Môn chính là các môn như Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Anh Văn còn lại đa số là những môn phụ đặc biệt những môn công nghệ, giáo dục công dân, thể chất, mỹ thuật.

Cùng là giáo viên sao lại phân biệt người chính, người phụ? ảnh 3Chúng tôi đã đi trốn ngày 20/11 như thế

Những ngày Lễ, tết đặc biệt là 20-11 trong nhà của các thầy cô chủ nhiệm hoặc dạy những "môn chính" luôn đầy ắp hoa, quà, học sinh nô nức kéo nhau đến chơi, đến thăm.

Thậm chí có những khóa học sinh ra trường đến vài chục năm cũng kéo nhau về thăm thầy dạy Toán, cô dạy Văn... chứ mấy ai nhớ đến những thầy cô dạy thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục công dân.

Cô Nguyễn Thị Thu, một giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân tại trường cấp 2, Nam Định.

Cô vốn yêu nghề và nhiệt tình với học sinh. Bản thân cô cũng tự biết được những điểm thiếu sót của môn mà mình đang dạy.

Chính vì thế cô thường dành nhiều thời gian tìm hiểu thêm kiến thức, sưu tầm nhiều câu chuyện, bài học, tự bỏ tiền ra mua những cuốn sách hay về dạy học sinh.

Thế nhưng mặc dù tâm huyết là vậy nhưng cứ đến giờ cô dạy, học sinh lại mang sách Toán, sách Văn ra ngồi học.

Đừng để sự phân biệt môn chính, môn phụ đẩy giáo viên đến sự cô đơn, tách biệt (Ảnh: Vũ Ninh)
Đừng để sự phân biệt môn chính, môn phụ đẩy giáo viên đến sự cô đơn, tách biệt (Ảnh: Vũ Ninh)

"Trong mắt của chính những học sinh mình đang dạy, những tiết học môn phụ là thời gian mà các em lôi bài tập ra làm.

Nhiều em còn chẳng thèm học. Trong khi đó có những tuần chỉ có một tiết giáo dục công dân học sinh còn chẳng tha thiết.

Mình có nhắc nhiều em cũng có ý thức học bài còn lại thì nước đổ lá khoai".

Cô Thu phân tích: Bản thân trong tư tưởng của học sinh đã có sự phân chia môn chính và môn phụ rõ ràng.

"Đối với những em có ý thức học việc các em học môn phụ cũng chỉ cốt để lấy điểm cao chứ hoàn toàn không nhập tâm, đào sâu để hiểu cái hay, cái nhân văn của môn học đó.

Nhiều giáo viên dạy môn phụ cũng tâm sự với tôi cứ đến tiết dạy của họ, học sinh lại lên để xin tiết, ôn thi, làm bài tập các môn chính.

Nếu không cho thì học sinh phàn nàn thầy cô khó tính. Còn cho nghỉ thì sẽ thành thói quen cứ đến tiết dạy là các em lên xin".

Khi được hỏi các thầy cô dạy môn phụ có khi nào thầy tủi thân hay không? Cô Thu tâm sự:

"Càng yêu nghề bao nhiêu mình lại càng tủi thân bấy nhiêu.

Tất nhiên việc chọn môn, chọn con đường đi như thế nào là do mình chẳng trách ai.

Những dịp lễ, Tết, ngày 20-11 nhìn các đồng nghiệp xúng xính quần áo đẹp, học trò chen nhau chúc tụng, giáo viên môn phụ như chúng tôi lại thấy chạnh lòng. Nhiều khi còn chẳng mong có ngày 20-11".

Phụ huynh, học sinh có suy nghĩ phân biệt môn chính, môn phụ thì có thể hiểu được nhưng theo cô Thu ngay cả đồng nghiệp và ban giám hiệu cũng có suy nghĩ trên điều đó càng đẩy những giáo viên môn phụ vào sự cô đơn.

"Có đồng nghiệp mới về, tuổi đời hay tuổi nghề nhỏ hơn tôi đến cả 20 tuổi nhưng cứ đến giờ tôi là lại lên xin cho học sinh làm bài tập.

Điều này cũng tốt cho học sinh thôi. Nhưng chính đồng nghiệp còn cư xử như vậy bảo sao học sinh họ thiếu tôn trọng giáo viên môn phụ.

Trong việc đối xử của Ban giám hiệu cũng có những sự phân biệt giáo viên chính, giáo viên phụ.

Thứ nhất giáo viên chủ nhiệm ít khi được giao cho những giáo viên dạy các môn phụ mà chủ yếu giao cho giáo viên dạy môn chính.

Thứ hai khi bình xét thi đua, khen thưởng cũng vậy thường thuộc về các giáo viên dạy môn chính trong khi chúng tôi cũng ngày đêm nỗ lực vì nhà trường, vì học sinh".

Mặc dù tủi thân nhưng cô Thu cho biết dù là giáo viên dạy môn gì đi chăng nữa cũng đều hết lòng vì học sinh.

Cô cũng chỉ ra nghịch lý: "Trong khi nền giáo dục của chúng ta đang hướng tới sự đào tạo toàn diện học sinh không những có trí tuệ mà phát triển cân đối nhân cách, thể chất, tâm hồn thì trong chính môi trường sư phạm lại có sự rạch ròi giữa môn chính, môn phụ".

Vũ Ninh