Hai Bộ không muốn “lương nhà giáo cao nhất” là thể hiện thái độ gì?

19/03/2018 06:00
Thùy Linh
(GDVN) - Lâu nay, các công việc của Bộ, ngành đều luôn bám sát các Nghị quyết của Đảng. Do đó, các Bộ cần có trách nhiệm với Bộ Giáo dục thực hiện Nghị quyết 29.

Trong dự thảo Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Tuy nhiên, theo tờ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng:

“Nghị quyết 29 của Trung ương đã nêu “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” do đó, các Bộ cần phải có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết thay vì thoái thác”. 

Giải thích thêm về quan điểm của mình, thầy Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục cho rằng, từ trước đến nay các công việc của Bộ, ngành đều luôn bám sát và tuân thủ theo các Nghị quyết của Đảng. Do đó, các Bộ cần có trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết 29. 

Thầy Phạm Minh Hạc cho rằng, từ trước đến nay các công việc của Bộ, ngành đều luôn bám sát và tuân thủ theo các Nghị quyết của Đảng. Do đó, các Bộ cần có trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết 29. (Ảnh: Báo Lao động)
Thầy Phạm Minh Hạc cho rằng, từ trước đến nay các công việc của Bộ, ngành đều luôn bám sát và tuân thủ theo các Nghị quyết của Đảng. Do đó, các Bộ cần có trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Nghị quyết 29. (Ảnh: Báo Lao động)

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Đặng Danh Hướng - giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) cho hay: 

“Thời gian qua, “vấn đề lương của nhà giáo” nhận được nhiều sự quan tâm  không chỉ riêng cá nhân tôi mà dư luận xã hội và của nhiều thầy cô từ bậc mầm non tới bậc trung học phổ thông. 

Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất

Thật tình, như tâm trạng chung của nhiều thầy cô, tôi hụt hẫng khi biết tin Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không đồng thuận với đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp””. 

Nguyên nhân dẫn tới tâm trạng mà thầy Hướng nói tới là do việc không đồng thuận của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ sẽ không tạo động lực cho nhà giáo an tâm công tác và không đáp ứng được sức cống hiến của nhà giáo, không tạo ra được động lực cho nhà giáo phấn đấu.

Thầy Hướng chia sẻ thêm, mức lương khởi điểm trong ngành giáo dục hiện nay, của giáo viên mới ra trường từ 3- 4 triệu đồng/tháng. 

Với mức lương thu nhập này, nhiều giáo viên không đủ trang trải cho nhu cầu cuộc sống tối thiểu hàng ngày do đó buộc nhiều giáo viên phải làm thêm (bán hàng trực tuyến, bán hàng tại nơi làm việc...) hoặc dạy thêm để có thêm thu nhập trang trải trong cuộc sống và hỗ trợ gia đình.

Thầy Đặng Danh Hướng chia sẻ: "Tôi hụt hẫng khi biết tin Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không đồng thuận với đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Đặng Danh Hướng chia sẻ: "Tôi hụt hẫng khi biết tin Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không đồng thuận với đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thời gian qua nhiều ý kiến dư luận cho rằng, giáo viên có khoản thu nhập từ “dạy thêm” rất lớn tuy nhiên theo thầy Hướng, tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội số giáo viên không có khả năng dạy thêm chiếm hơn 70% (đó là giáo viên các môn Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học…). 

Còn lại khoảng 30% giáo viên có khả năng dạy thêm nhưng không phải thầy cô nào muốn dạy thêm là dạy được bởi lẽ nếu không có trình độ, không đổi mới phương pháp dạy học, tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng thấp… thì học trò sẽ không học. 

Từ những lý giải đó, thầy Hướng khẳng định: “Hiện nay cuộc sống của giáo viên từ thành phố tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo nhìn chung còn nhiều khó khăn. 

Đặc biệt, là giáo viên trẻ mới ra trường giảng dạy các bộ môn (Thể dục, Âm nhạc) ở cấp học Mầm non mức lương 3.264.300/ tháng, cao hơn là giáo viên trung học phổ thông (Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục công dân, Công nghệ...) với mức lương 3.954.600 đồng/ tháng bao gồm cả tiền đóng bảo hiểm. 

Với khoản thu nhập này không đủ để giáo viên trang trải các khoản ăn uống, tiền phòng trọ, tiền xăng xe đi lại, tiền sinh hoạt hàng ngày, các khoản quỹ, từ thiện…

“Mức lương thấp ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học và thực hiện đổi mới giáo dục. Bởi vì, không đủ sống giáo viên phải tìm cách có thêm thu nhập, do đó một số địa phương có hiện tượng giáo viên cắt xén chương trình mang về nhà dạy…”, thầy Hướng nêu. 

Thùy Linh