Thưa các thầy cô, hay là ta đấu tranh để công nhận dạy thêm là một nghề?

26/03/2019 07:03
NHẬT KHOA
(GDVN) - Chúng ta không thể để tồn tại giáo viên “chân trong, chân ngoài”, không thể để tồn tại việc “chạy” để trở thành giáo viên sau đó tìm mọi cách dạy thêm.

LTS: Tiếp tục đưa ra những chia sẻ về vấn nạn dạy thêm, học thêm - một vấn nạn gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho ngành giáo dục cũng như xã hội, thầy giáo Nhật Khoa đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Việc dạy thêm, học thêm tràn lan gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, tiền bạc, thời gian, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục, biến môi trường giáo dục trở nên méo mó, bất công.

Một môi trường giáo dục mà học sinh ngày đêm lao đầu vào những buổi học thêm chỉ để lấy những điểm số, để được giáo viên nuông chiều, để ý, học thêm chỉ để đi thi, học thêm thậm chí cho có phong trào...

Bên cạnh đó, giáo viên là người làm việc giờ hành chính, là người dạy học sinh học trên lớp, nay lại xuất hiện tình trạng sáng dạy trên lớp, chiều dạy học sinh ở nhà để thu tiền thì giáo viên rất dễ vi phạm quy định về thời gian và đạo đức công vụ.

Nhiều giáo viên không còn quan tâm đến việc dạy trên lớp, dạy trên lớp là “phụ” thu nhập cũng là “phụ” việc chính là dạy thêm bên ngoài, thu nhập từ dạy thêm cũng là thu nhập chính nên sẽ có học sinh bị phân biệt đối xử, bị “đì” vì không học thêm.

Việc dạy thêm xuất hiện rất nhiều tiêu cực, bất cập, bất công…chính vì lý do nó được dạy bởi chính thầy cô trên lớp, mà giáo viên vừa dạy trên lớp vừa dạy thêm thì không thể có sự công bằng, không thể có việc dạy với tâm trong sáng, lương thiện.

Nhiều giáo viên dạy thêm chủ yếu giải đề kiểm tra nên kết quả học tập có thể cao nhưng học sinh học tập ngày càng yếu, ỷ lại, thậm chí coi thường giáo viên...

Muốn hạn chế việc dạy thêm rất nhiều chuyên gia, nhà giáo và nhân dân mong muốn chấm dứt dạy thêm hay ít nhất là dạy thêm chính khóa.

Nhưng sự thật ngoài những cá nhân dạy trong nhà trường làm méo mó môi trường dạy thêm, có nhiều học sinh và gia đình các em có nhu cầu được học thêm, nâng cao kiến thức, được học nhiều điều hay lẽ phải.

Muốn giải quyết được những hạn chế, bất cập của dạy thêm, vừa để dạy thêm mang lại hiệu quả tôi xin mạnh dạn nêu ra 2 giải pháp.

Thứ nhất, mạnh dạn cấm dạy thêm từ giáo viên ăn lương

Đây là điều mà ai cũng nhận thấy rằng, việc cấm giáo viên ăn lương là việc cấp thiết, cần giải quyết ngay để hạn chế những bất cập, tiêu cực, méo mó hiện nay.

Chúng ta không thể để tồn tại giáo viên “chân trong, chân ngoài”, không thể để tồn tại việc “chạy” để trở thành giáo viên sau đó tìm mọi cách dạy thêm để “lấy lại những gì đã mất”.

Có người nói chỉ cần cấm giáo viên chính khóa dạy học sinh là đủ, nhưng thực tế tại trường học lại chứng minh nếu cấm dạy thêm giáo viên chính khóa là chưa đủ, lúc đó sẽ có tình trạng giáo viên dạy lớp này liên kết giáo viên lớp khác dạy thêm để cùng hưởng “lợi”, nên việc cấm giáo viên hưởng lương dạy thêm là hợp lý nhất.

Thưa các thầy cô, hay là ta đấu tranh để công nhận dạy thêm là một nghề? ảnh 2Học thêm càng nhiều, gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng lớn

Giáo viên khi đã bước chân vào ngôi trường thì chỉ có nhiệm vụ thiêng liêng là giảng dạy, giáo dục và yêu thương học sinh hết mực, luôn cố gắng hết lòng vì học sinh, không có chuyện giáo viên “ép” học sinh học thêm thu tiền.

Vấn đề này trước khi thực hiện phải nghĩ đến việc tăng lương cho nhà giáo, mọi giáo viên phải được trả tương xứng với vị thế là một nghề “cao quý”, khi đã trả lương tương xứng, giáo viên đủ sống và một phần chăm lo cho gia đình thì không còn bất kỳ lý do gì để biện minh cho việc dạy thêm trái phép.

Lúc đó ai còn dạy thêm lén lút, trái phép chỉ có thể nói là lòng “tham”, mà tham lam thì khó có thể trở thành người giáo viên tốt, phải bị loại khỏi ngành càng sớm càng tốt.

Thứ hai, nên công nhận dạy thêm là một nghề

Như đã phân tích, có nhiều học sinh có nhu cầu học tập để củng cố, nâng cao kiến thức và nhiều gia đình cũng có nhu cầu cho học sinh được học thêm vì môi trường học cũng là môi trường tốt nhất để con cái ít bị hư hỏng, tệ nạn hiện nay.

Do đó, thay vì tìm mọi cách để cấm, chúng ta nên mở rộng và công nhận dạy thêm bên ngoài nhà trường là một nghề hợp pháp, có thu nhập hợp pháp và đóng thuế đầy đủ theo quy định.

Có thể thành lập công ty dạy thêm hoặc trung tâm dạy thêm dưới sự giám sát của Phòng/ Sở giáo dục.

Lực lượng giáo viên giảng dạy tại các trung tâm dạy thêm là những người giáo viên nhưng không hưởng lương từ ngân sách và đang dạy từ các trường học.

Lực lượng giáo viên dạy thêm ở các trung tâm có thể là các giáo viên về hưu, các giáo viên chưa đi dạy (có giấy phép của Sở giáo dục), các giáo viên không còn dạy ở các trường học công lập, thậm chí giáo viên nước ngoài.

Thưa các thầy cô, hay là ta đấu tranh để công nhận dạy thêm là một nghề? ảnh 3Bạn có bất ngờ khi giáo viên thích nhận lớp dạy có sĩ số đông?

Khi đó, giáo viên đang giảng dạy ở các trường công lập đang hưởng lương từ ngân sách, nếu cảm thấy việc dạy thêm bên ngoài có thu nhập tốt hơn, môi trường làm việc ổn định hơn có thể xin nghỉ dạy để chuyển sang dạy thêm bên ngoài.

Khi đó, học sinh có nhu cầu học thêm sẽ được lựa chọn được các giáo viên tốt, giỏi có uy tín để học thêm nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ.

Các trung tâm dạy thêm phải được tổ chức một cách khoa học, đóng đầy đủ thuế theo quy định, tiến tới đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường.

Làm tốt được việc này cũng là cách hạn chế sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho các giáo viên khác và tạo môi trường dạy thêm công bằng, hợp lý.

Phụ huynh lúc này hoàn toàn có thể yên tâm về kết quả học tập trên lớp của con em mình khi học trên lớp và học thêm, khi đó kết quả của học sinh là sự đánh giá chất lượng thật không phải từ điểm số do học thêm mà có.

Tiến tới việc bảo mật việc ra đề kiểm tra, đề thi một cách tuyệt đối, tránh tình trạng giáo viên liên kết với giáo viên dạy thêm “lọt” đề ra ngoài, tiến tới việc thi, kiểm tra năng lực trên máy sẽ hạn chế tối đa tiêu cực.

Tôi tin rằng, nếu thực hiện tốt vấn đề trên không chỉ hạn chế tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, trả lại nghề giáo là một nghề thanh cao, cao quý và giáo viên sẽ dạy hết mình, yêu thương hết mình.

Còn bằng không, tự mình chống mãi chả nổi thì chúng ta hò nhau cùng đấu tranh để công nhận dạy thêm là một nghề vậy?

NHẬT KHOA