Giáo viên phản ánh module 9 trên ETEP nhiều môn lấy 'râu ông nọ cắm cằm bà kia'

19/06/2022 07:02
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một nhóm giáo viên bậc phổ thông phản ánh, nội dung bồi dưỡng module 9 nhiều môn có sự lẫn lộn thuật ngữ khiến thầy cô gặp trở ngại trong quá trình học.

Vừa qua, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được phản ánh của một nhóm giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông phản ánh, nội dung bồi dưỡng module 9 của nhiều môn học có sự lẫn lộn thuật ngữ, khái niệm lẫn lộn nhau khiến thầy cô gặp trở ngại trong quá trình học tập.

Cụ thể, đó là các môn Toán, Lịch sử và Địa lí, Mỹ thuật (trung học cơ sở), Lịch sử, Vật lí, Giáo dục thể chất (trung học phổ thông).

Module 9 có nội dung: "Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh" (trung học cơ sở, trung học phổ thông).

Nội dung bồi dưỡng module 9 của một môn học chương trình ETEP. (Ảnh: Hương Ly)

Nội dung bồi dưỡng module 9 của một môn học chương trình ETEP. (Ảnh: Hương Ly)

Bậc trung học cơ sở

Nhóm giáo viên cho biết, các môn Toán; Lịch sử và Địa lí; phân môn Mỹ thuật; phân môn Âm nhạc sử dụng một số thuật ngữ không phù hợp với đặc điểm của các môn, phân môn đó.

Các môn, phân môn này đều có chung nội dung: "Trên bình diện chung nhất, có thể phân tích các nội dung dạy học theo các nhóm: khái niệm, cấu trúc - chức năng - tính chất; hiện tượng - bản chất - quá trình; quy luật - nguyên lí; ý nghĩa - ứng dụng...".

Riêng phân môn Mỹ thuật còn xuất hiện một số thuật ngữ, khái niệm rất lạ như: "loại nội dung này mang tính chất cấu tạo, cấu trúc, hình thái, chức năng, tính chất của đối tượng". Hay "loại nội dung này mô tả trình tự phát triển, diễn biến của sự vật, hiện tượng...".

Nhiều môn học sử dụng chung một thuật ngữ không phù hợp. (Ảnh: nhóm giáo viên cung cấp)Nhiều môn học sử dụng chung một thuật ngữ không phù hợp. (Ảnh: nhóm giáo viên cung cấp)

Bậc trung học phổ thông

Đối với môn Lịch sử, trong quá trình học tập, thầy cô cảm thấy lo lắng vì không hiểu một số nội dung trên hệ thống ETEP.

Chẳng hạn, khi đề cập đến "mối quan hệ giữa nội dung dạy học với dạng học liệu số" thì phần lí thuyết và bài tập đều ghi quan hệ giữa các loại nội dung dạy học bằng các từ ngữ: "cấu tạo", "cấu trúc", "hiện tượng", "hình thái", "chức năng"... với dạng học liệu số để phù hợp với nội dung ấy.

Những thuật ngữ (khoanh màu đỏ) có phù hợp với môn Lịch sử? (Ảnh: nhóm giáo viên cung cấp)

Những thuật ngữ (khoanh màu đỏ) có phù hợp với môn Lịch sử? (Ảnh: nhóm giáo viên cung cấp)

Với cách hướng dẫn như vậy, thầy cô cho biết đang gặp hai vấn đề cần trao đổi với lãnh đạo chương trình ETEP:

Thứ nhất, đối tượng và nội dung dạy học của môn Lịch sử hoàn toàn không gắn với các thuật ngữ "cấu tạo", "cấu trúc", "hiện tượng", "hình thái", "chức năng"... Trong khi đó, những thuật ngữ này phù hợp với nội dung dạy học môn Sinh học hơn.

"Vậy, căn cứ vào đâu mà chương trình ETEP đưa những thuật ngữ "cấu tạo", "cấu trúc", "hiện tượng", "hình thái", "chức năng"... vào tài liệu bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử?", nhóm giáo viên thắc mắc.

Thứ hai, theo yêu cầu của bài tập cuối khóa, thầy cô phải xây dựng học liệu số phù hợp với nội dung dạy học. Tuy vậy, thầy cô không hiểu những thuật ngữ (trái ngành) như đã dẫn nên không biết phải làm bài tập thế nào cho đúng.

Đối với môn Giáo dục thể chất, nội dung bồi dưỡng hướng dẫn: "Việc xác định nội dung dạy học có thể dựa vào tính chất của nội dung dạy học cần thực hiện trong kế hoạch bài dạy... Trên bình diện chung nhất, có thể phân tích các nội dung dạy học theo các nhóm: khái niệm, cấu trúc - chức năng - tính chất; hiện tượng - bản chất - quá trình; quy luật - nguyên lí; ý nghĩa - ứng dụng...".

"Theo chúng tôi, phải viết là: 'đặc điểm' (không phải tính chất) của nội dung dạy học", nhóm giáo viên góp ý sửa lại khái niệm.

Thầy cô còn khẳng định, với cách phân loại nội dung dạy học theo nhóm như trên, chỉ có thể phù hợp với những môn như Sinh học, Hóa học, chứ không phải là môn Giáo dục thể chất.

Bởi, môn Giáo dục thể chất trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT cho biết:

"Môn Giáo dục thể chất góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, trọng tâm là: trang bị cho học sinh kiến thức và kĩ năng chăm sóc sức khoẻ; kiến thức và kĩ năng vận động; hình thành thói quen tập luyện, khả năng lựa chọn môn thể thao phù hợp để luyện tập nâng cao sức khoẻ, phát triển thể lực và tố chất vận động...".

"Như thế để thấy rằng, module 9 môn Giáo dục thể chất không đề cập đến bất kì đến nội dung nào theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", nhóm giáo viên nói thêm.

Liên quan đến việc thầy cô phản ánh đối tượngnội dung dạy học của môn Lịch sử hoàn toàn không phù hợp với các thuật ngữ như "cấu tạo", "cấu trúc", "hiện tượng", "hình thái", "chức năng"... mà chỉ phù hợp với môn Sinh học hơn.

Thông qua diễn đàn của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhóm giáo viên mong muốn được tiếp nhận nội dung bồi dưỡng module 9 các môn học đảm bảo tính khoa học, phù hợp với đặc thù bộ môn.

"Chúng tôi mong Tạp chí phản ánh những ý kiến này đến ban lãnh đạo chương trình ETEP nhằm rà soát, chỉnh sửa lại nội dung bồi dưỡng module của các môn học như đã nêu.

Không biết vì sao từ giảng viên đại học đến giáo viên cốt cán đều không phát hiện những sai sót trên?. Với cách làm việc như vậy, liệu việc bồi dưỡng module Chương trình giáo dục phổ thông mới có đạt hiệu quả như những báo cáo trên các phương tiện truyền thông chưa?", thầy cô băn khoăn.

Hương Ly