Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) sửa đổi bổ sung đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Những điều chỉnh, sửa đổi bổ sung trong Luật mới được đánh giá là khá mạnh dạn nhằm gỡ các nút thắt đối với lộ trình tự chủ đại học của Việt Nam.
Theo đó, Luật khẳng định quyền tự chủ đại học là quyền của cơ sở giáo dục đại học, được tự xác định mục tiêu, cách thức thực hiện và có trách nhiệm giải trình trên cơ sở pháp luật và năng lực cơ sở đại học.
Luật cũng đã quy định trao quyền tự chủ cho hội đồng trường. Hội đồng trường là đơn vị thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và lợi ích các bên liên quan.
Có mặt trong top 1000 của THE là kết quả đến sớm hơn kỳ vọng |
Được biết, hiện nay các trường tự chủ được tự quyết học phí trước hết đã tuân theo đề án thí điểm tự chủ đại học được Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, bên cạnh những lợi ích mà tự chủ tài chính đem lại thì còn một số bất cập, cần chỉnh sửa, điều chỉnh trong thời gian tới.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, các trường công lập không có lợi ích nào khác ngoài phục vụ tốt nhất cho xã hội, đất nước. Tự chủ tài chính gồm nhất nhiều phần, không chỉ riêng học phí. Có mấy vấn đề còn vướng mắc đối với các trường đó là về cơ chế tài chính.
“Mong Nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách rõ, để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào trường đại học”, Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn bày tỏ. (Ảnh: Thùy Linh) |
Ông Hoàng Minh Sơn nêu cụ thể: “Thứ nhất, trong Luật ghi rõ các cơ chế đầu tư của Nhà nước, chính sách về tài chính đặt hàng của Nhà nước, thông qua cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, cơ chế cạnh tranh, các trường có năng lực tốt, sử dụng quỹ có hiệu quả thì sẽ được cấp kinh phí. Chúng tôi mong muốn cơ chế này sớm được triển khai.
Thứ hai, cơ chế khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, xã hội. Ví dụ ở trường chúng tôi hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp mong muốn được hợp tác đầu tư trong đào tạo, nghiên cứu bằng việc hợp tác xây dựng những phòng thí nghiệm, giảng đường, khu vực nghiên cứu phát triển.
Nhưng quy trình thủ tục này chưa được hướng dẫn nên kéo dài lâu, gây nản lòng các nhà đầu tư. Việc tài trợ phải có cơ chế khuyến khích để các nhà hảo tâm, doanh nghiệp được hưởng lợi ích rõ ràng”.
Vị Hiệu trưởng này nói thêm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Nhà nước đầu tư rất tốt, trong thời gian tới có dự án từ Ngân hàng thế giới với tổng kinh phí 50 triệu USD cùng dự án với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Thế nhưng Nhà nước chỉ đầu tư ban đầu, việc vận hành tiếp theo cần sự chung tay của toàn xã hội.
Việc đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ đó là nguồn lực rất lớn với trường. Sinh viên học trong trường không chỉ học tập, mà được gắn với nghiên cứu, sáng tạo, trải nhiệm. Như vậy, hợp tác với doanh nghiệp là vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của nhà trường.
“Mong Nhà nước sớm có những cơ chế, chính sách rõ, để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào trường đại học”, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn.
Số trường đại học trọng điểm quốc gia không nên vượt quá 25 |
Trong khi đó, vướng mắc lớn nhất là Phó giáo sư Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận thấy là phải làm rõ được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường trong lĩnh vực tài chính, làm rõ bản chất của tiền học phí có phải nguồn ngân sách hay không, quản lý nó như thế nào.
Thế nào là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Tự chủ chúng ta hiểu rõ, nhưng tự chịu trách nhiệm thì như thế nào, chúng ta lại chưa có quy định chặt chẽ, để nhà trường tự chịu trách nhiệm một cách công khai, minh bạch, thuận lợi.
Đó là những cái chúng ta cần hoàn thiện, bởi trong đào tạo cũng cần nhanh nhạy như kinh doanh, khi có những xu hướng, chương trình, kỹ thuật mới thì cần cập nhật để đào tạo, để cập nhật được chi phí không nhỏ, mà lại cần phải nhanh.
“Đối với các trường công lập lớn, có uy tín, đúng quy mô, quy củ thì nên có cơ chế cho phép các trường tự chịu trách nhiệm lớn hơn, minh bạch hơn, từ đó bảo đảm chúng ta có khả năng xây dựng những trường đại học tầm cỡ quốc tế”, thầy Chương nhấn mạnh.
Dưới vai trò quản lý nhà nước, Phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay:
Trong thời gian tới, khi các trường tự xác định mức học phí, để hài hòa giữa nhà trường và sinh viên đồng thời không gây sức ép quá lớn về tài chính cho các trường thì Nhà nước cần sớm ban hành quy định về định mức kinh tế kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí giáo dục đào tạo làm căn cứ để các trường ra được quyết định đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội có căn cứ để giám sát việc thực hiện của các trường về vấn đề này.