Năm tâm tư gan ruột của một tiến sĩ về “lò tiến sĩ”

29/04/2016 06:35
TS. Nguyễn Ngọc Thành
(GDVN) - Cơ sở thực tiễn và khoa học của 350 tiến sĩ/chỉ tiêu/năm cho Học viện có thuyết phục không, khi mà các hiện tượng cứ diễn ra “dài dài mãi”?

LTS: Liên quan tới sự việc được dư luận quan  tâm trong thời gian vừa qua về việc đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam),

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được quan điểm của giảng viên chính, TS. Nguyễn Ngọc Thành – Giảng viên đã có hàng chục năm giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, về “sự kiện” này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Trước hết, xin chân thành cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội được chia sẻ quan điểm của mình trước sự kiện đào tạo tiến sĩ tại Học viện Khoa học Xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). 

Tôi xin được chia sẻ quan điểm của mình qua 05 vấn đề sau:

Thứ nhất, tôi tha thiết đề nghị Bộ GD&ĐT và các cơ quan chức năng liên quan hết sức khẩn cấp vào cuộc và đi đến cùng sự kiện “Sự thật bất ngờ bên trong Học viện "mỗi ngày 1 tiến sĩ” để làm rõ trách nhiệm và kết luận, xử lí nghiêm khắc, đúng theo quy định của pháp luật đối với cá nhân (nếu phát hiện sai phạm).

Thứ hai, nếu căn cứ vào những gì như truyền thông phản ánh trong thời gian qua, tôi nhận thấy sự kiện đào tạo tiến sĩ tại Học viện này có dấu hiệu vi phạm quy trình đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT. 

Ví dụ, trong nội dung bài báo: “ Vụ “lò tiến sỹ”: Học viện khoa học xã hội đã vi phạm quy chế đào tạo?” đã đưa ra giải thích của ông Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện về việc luận án tiến sĩ không được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Học viện từ trước khi bảo vệ theo quy định.

Ông Vinh cho rằng: “Điều này nhằm bảo vệ bản quyền của người viết”. Nếu đúng giải thích này là của ông Vinh, thì tôi thấy không thuyết phục và có dấu hiệu vi phạm quy trình đào tạo  của tiến sĩ của Bộ GD&ĐT. 

Bởi vì, chỉ những luận án có nội dung liên quan đến bí mật, an ninh quốc gia, thì mới được phép không công bố công khai theo quy định đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT.

Theo đề nghị của các chuyên gia, lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội cần có cơ sở khoa học về số chỉ tiêu 350 tiến sĩ/năm. Ảnh chụp GS. Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện trong buổi họp báo về nội dung liên quan vừa qua. Ảnh Xuân Trung
Theo đề nghị của các chuyên gia, lãnh đạo Học viện Khoa học Xã hội cần có cơ sở khoa học về số chỉ tiêu 350 tiến sĩ/năm. Ảnh chụp GS. Võ Khánh Vinh - Giám đốc Học viện trong buổi họp báo về nội dung liên quan vừa qua. Ảnh Xuân Trung

Bài báo “Tóm tắt luận án tiến sĩ bằng tiếng Anh từ “lò đào tạo tiến sĩ” dở hơn... Google Translate” đăng trên tờ Lao động ngày 24/4 có đề cập nội dung phản ánh ý kiến chia sẻ của TS. Trần Vinh Dự, cho thấy việc bảo vệ luận án tiến sĩ có dấu hiệu vi phạm quy trình bảo vệ (ông Dự cho biết: “ Trên mạng thì chưa thấy có bản luận án nào được công bố. 

Chỉ có bản tóm tắt một trang vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh”; hay ông Dự còn “phàn nàn” chất lượng luận án (với đề tài: "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã") rằng: “… không thấy được cái luận án nghiên cứu và kết luận cái gì.”, và về tiếng Anh, ông Dự nhận xét: “tiếng Anh quá dở ”, thậm chí ông còn nhấn mạnh: “Dở không thể chấp nhận được! Dở tệ hại! …”.

Năm tâm tư gan ruột của một tiến sĩ về “lò tiến sĩ” ảnh 2

"Nhiều tiến sĩ dở nên dân bức xúc là đúng"

(GDVN) - Đó là nhận định của GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về thực trạng đào tạo tràn lan tiến sĩ, thạc sĩ như hiện nay.

Điều thứ ba, sự việc này đã thu hút sự quan tâm của dư luận đã đặt ra và buộc lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cùng các cơ quan và các nhà lãnh đạo, quản lý liên quan, không thể ngồi yên!

Nếu không “nhanh tay” vào cuộc giải quyết, xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, sẽ rất dễ làm cho lòng tự trọng, danh dự của các nhà giáo, nhà khoa học bị tổn thương nghiêm trọng; dó đó, tất yếu kéo theo nhiều hệ lụy xấu khác rất không tốt cho xã hội chúng ta.   

Thứ tư, tôi đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn cấp, tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện ngay việc thanh tra tổng thể, toàn diện về công tác đào tạo sau đại học của Học viện này, trên cơ sở: Quy chế đào tạo sau đại học của Bộ GD&ĐT; Thông tin phản ánh truyền thông đã nêu; Rà soát hàng trăm ý kiến bình luận sau các bài báo đã đăng tải này.  

Thứ năm, sự bức xúc và nóng lên rất không bình thường của dư luận xã hội đã buộc các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục phải thường xuyên, nghiêm túc xem xét, rà soát lại mọi điều, khoản được quy định trong quy chế đào tạo sau đại học (kể cả các trình độ đào tạo khác).

Để xem còn chỗ nào chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tiễn xã hội, để kịp thời có sự điều chỉnh, bổ sung, nhằm làm “cân bằng”, từ đó hạn chế các “luồng tư tưởng” mà chúng ta không mong muốn. 

Lâu nay, mỗi khi giải quyết các sự cố, để thanh minh cho cách giải quyết của mình là đúng, các nhà lãnh đạo, quản lý thường hay đưa ra lập luận rằng - “vụ việc đó đã được giải quyết theo đúng quy định, đúng quy trình.”, .v.v. 

Điều này, xét theo khía cạnh pháp luật, xem ra “có vẻ” đúng, vững chắc, nhưng nếu xét theo cách nhìn nhận của Khoa học Triết học và những diễn biến tư tưởng bất thường của dư luận, trước những vụ việc tiêu cực vừa qua, thì chúng ta không nên cứ “bám khư khư” và cho rằng - đã là quy chế, quy định, quy trình do cấp trên ban hành - luôn luôn đúng. 

Điều này thật tai hại và thực tế khách quan đã chứng minh việc “bám khư khư” này đã gây ra hậu quả về nỗi “ấm ức”, bức xúc và diễn biến tư tưởng bất ổn của dư luận xã hội!

Vì vậy, tôi xin mạnh dạn nêu ra một số vấn đề và đề nghị dưới đây, mong được Bộ GD&ĐT và mọi người quan tâm.

Đề nghị Bộ GD&ĐT và Học viện Khoa học Xã hội khẩn trương tổ chức rà soát lại chất lượng và tính hiệu quả của từng luận án tiến sĩ đã được bảo vệ thành công tại Học viện này trong giai đoạn 2015-2016, cho dù đó là một “núi” công việc!

Học viện Khoa học Xã hội là một cơ sở nghiên cứu giáo dục, đào tạo với 44 mã ngành liên quan đến rất nhiều hiện tượng, hoạt động của xã hội.

Vậy hiệu quả ứng dụng hay sự tác động tích cực của các luận án đã bảo vệ thành công đến đâu đối với hàng loạt vấn đề xã hội nổi cộm, tồn tại dai dẳng, gây khó chịu cho cộng đồng suốt nhiều năm qua? 

Ví dụ: Hiện tượng nhốn nháo, lộn xộn, phản cảm và văn hóa kém thường xảy ra hàng năm tại rất nhiều lễ hội của rất nhiều địa phương trong cả nước, đã được báo chí, truyền hình “nói nhiều”, phản ánh, phê phán “mãi”, nhưng hầu như không giảm, không có tác dụng.

Năm tâm tư gan ruột của một tiến sĩ về “lò tiến sĩ” ảnh 3

Bộ Giáo dục thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở ta chưa được như các nước

(GDVN) - “Đánh giá chất lượng không thể căn cứ vào số luận án được tổ chức bảo vệ trong một thời gian mà phải trên cơ sở các điều kiện đảm bảo chất lượng…”

Tương tự, hàng loạt các hiện tượng tiêu cực khác đang hàng giờ, hàng ngày hiện hữu và gây nhức nhối cho xã hội, thì các luận án tiến sĩ vừa qua, có “vào cuộc” tham gia giải quyết một cách khoa học và bài bản hay không? 

Có thể nêu ra rất nhiều hiện tượng tiếp theo sau đây, đó là: “Hiện tượng thực phẩm bẩn?”, “Hiện tượng buôn lậu tràn lan qua biên giới và ngay cả trong nội địa?”, “Hiện tượng văn hóa giao thông thấp kém?”, “Hiện tượng “phong bì” khi ai đó chạy chức, chạy quyền, hay khi người dân cần giải quyết các nhu cầu dân sự? ”;

"Hiện tượng đám ma, đám cưới linh đình tốn kém?”, “Hiện tượng cá chết hàng loạt vừa qua tại nhiều tỉnh miền trung?”, “Hiện tượng rất nhiều người dân phản ánh, tố cáo tiêu cực, sai phạm, bị kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời, nhưng vẫn vô vọng; thậm chí còn rước họa vào thân?”...

Học viện đã có cách nào (quy định hay luận án nào giải quyết) để đưa các kết quả nghiên cứu của những luận án này vào thực tiễn đời sống xã hội nêu trên hay không?  

Từ đó, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên ngành đối với Học viện và với mọi ngành GD&ĐT khác, do Bộ quy định đã phù hợp với thực tiễn chưa? Cơ sở thực tiễn và khoa học của chỉ tiêu 350 tiến sĩ/năm cho Học viện có thuyết phục không, khi mà các hiện tượng trên cứ diễn ra “dài dài mãi”? 

Một trong những mấu chốt gây ra sự bức xúc, nóng lên từng giờ, từng ngày của dư luận về vụ việc đào tạo tiến sĩ của Học viện, đã xảy ra vừa qua là ở chỗ đó.    

Những đề nghị, vấn đề nêu ra trên đây, nếu được “Tư lệnh” của Bộ GD&ĐT và các ngành liên quan thực sự quan tâm và có đủ dũng cảm, quyết tâm ra tay thực hiện giải quyết triệt để (và phải làm thường xuyên, điều chỉnh, chấn chỉnh kịp thời, không lơ là), cùng với sự ủng hộ, chia sẻ của xã hội, của các nhà giáo, nhà khoa học, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ có bước chuyển biến đột phá tích cực, sẽ làm “yên lòng” người dân.       

TS. Nguyễn Ngọc Thành