Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai

28/06/2016 08:26
TS. Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Nói về tự chủ trong các trường phổ thông hiện nay, trước hết các nhà trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức và tài chính.

LTS: Dân chủ là sản phẩm tinh thần, sản phẩm đỉnh cao của văn hóa nhân loại, chỉ có xã hội văn minh thật sự được điều hành bởi một hệ thống pháp luật chặt chẽ, nhân văn mới có dân chủ. 

Viết tiếp bài trước, trong bài viết này, TS. Nguyễn Tùng Lâm sẽ trao đổi với bạn đọc về những yếu tố có thể đổi mới từ cơ chế tự chủ và đề cao dân chủ trong giáo dục. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.

TS. Nguyễn Tùng Lâm viết: Chỉ có xã hội dân chủ mới đáp ứng được sự phát triển nhu cầu bậc cao của con người them Maslow.

Con người không chỉ có nhu cầu sống, nhu cầu an toàn, nhu cầu giao tiếp mà người ta đều mong muốn tự khẳng định mình, được tôn trọng và được cống hiến làm một con người tự do theo đúng nghĩa. 

Chỉ sống trong một môi trường dân chủ con người mới đáp ứng được nhu cầu cao đẹp đó. Đặc biệt trong giáo dục, dân chủ là thể hiện cao nhất sự tôn trọng con người.

Giáo dục không trên cơ sở tôn trọng con người, không khuyến khích con người cống hiến, con người tự tin, tự trọng, tự chủ trong mọi việc làm của mình, nền giáo dục đó không thể coi là nền giáo dục có chất  lượng. 

Chất lượng giáo dục là chất lượng cuộc sống của con người được đáp ứng, được thỏa mãn những nhu cầu bậc cao. Nói đến chất lượng cao của giáo dục trước hết học sinh phải được giải phóng về tinh thần, được tự do phát triển nhân cách theo cách riêng của mỗi người.

Cán bộ quản lý của mỗi nhà trường phổ thông hiện nay phải nhận thức sâu sắc vấn đề này để chuyển hóa thành những phương pháp quản lý dựa trên dân chủ và quản lý để đạt yêu cầu của dân chủ.

Mặt khác, sản phẩm của giáo dục bao giờ mang tính xã hội cao. Quá trình đào tạo là quá trình tham gia của nhiều lực lượng: giáo viên, công nhân viên, cha mẹ học sinh và cả bản thân mỗi học sinh. Trường học không thể là một vương quốc riêng của bất cứ ai. 

Hiện nay quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo, Đảng, nhà nước, Bộ Giáo dục đào tạo đã có nhiều văn bản để phát huy dân chủ trong các nhà trường. Nhưng thực hiện không được là bao.

Ngay cả trong cơ chế, các tập đoàn, công ty cho dù lớn đến đâu người ta thấy vẫn phải quản lý theo cách phân quyền và dân chủ mới tập hợp trí tuệ sức mạnh nguồn lực của các lực lượng tham gia.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm - Tác giả bài viết.
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm - Tác giả bài viết.

Vậy lỗi ở đâu mà dân chủ không thực hiện trong các nhà trường? Trước hết các cấp quản lý giáo dục đào tạo chưa coi đây là biện pháp quan trọng để buộc các nhà trường  tự thay đổi theo đúng nhu cầu nguyện vọng người học, do đó không chỉ đạo đến nơi đến chốn. 

Hệ thống quản lý trong các nhà trường không thấy được cái lợi của quản lý theo dân chủ, chỉ quen quản lý theo mệnh lệnh, không thấy được chỉ có quản lý dân chủ các cơ sở giáo dục đào tạo mới tạo ra được động lực cho thầy, trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập. 

Đồng thời mỗi nhà trường phổ thông hiện nay phải xây dựng được “Văn hóa học đường”. Muốn có “Văn hóa học đường” trước hết phải có dân chủ trong mỗi nhà trường.

Vậy “quản lý theo hướng dân chủ hóa” ở đây là phải quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo như thế nào? Không thể khác là phải công khai minh bạch mọi hoạt động của nhà trường. Cán bộ giáo viên, học sinh được quyền tham gia xây dựng kế hoạch, tham gia đánh giá kết quả của quá trình đào tạo.

Tự chủ trong trường phổ thông

Về tự chủ trong các nhà trường (cơ sở giáo dục) là xu thế chung của các nền giáo dục tiên tiến. Trong Nghị quyết 29 TW cũng khẳng định, các cơ sở giáo dục đào tạo phải được trao quyền tự chủ và dân chủ. Tự chủ là các nhà trường được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm xã hội về kết quả giáo dục về thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục…

Theo kinh nghiệm quốc tế (SBM) nhà trường tự chủ là nhà trường phân cấp và được trao các quyền chủ yếu sau:

Thứ nhất, trao quyền hiệu trưởng được dẫn dắt thầy và trò đổi mới để có kết quả đầu ra tốt hơn trong dạy và học.

Thứ hai, trao nhà trường được quyền kiểm soát nguồn lực để thúc đẩy đổi mới phù hợp với quy định về phân cấp quản lý cho mỗi nhà trường.

Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai ảnh 2

Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!

(GDVN) - Thực tế, có vị hiệu trưởng vì một lý do tế nhị không được bổ nhiệm lại khiến họ trở thành giáo viên thì mấy năm liền không có nổi một tiết dạy đạt loại tốt.

Thứ ba, tăng cường quan hệ đối tác với chính quyền và cộng đồng địa phương về đầu tư nguồn lực để nhà trường tự chủ chỉ đạo tốt hơn.

Thứ bốn, tích hợp đổi mới chương trình giáo dục với đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Nói về tự chủ trong các trường phổ thông hiện nay, trước hết các nhà trường phải được phân cấp triệt để về công tác tổ chức và tài chính. Nếu các nhà trường không được tự chủ về 2 khâu then chốt thì không thể gọi là tự chủ. 

Luật tự chủ toàn diện không chỉ có ở các trường đại học mà mỗi cơ sở Giáo dục đào tạo vẫn phải có quyền tự chủ, đều phải được tự chủ theo đúng phân cấp của Chính phủ. Còn các trường không đủ điều kiện để giao tự chủ lại là vấn đề khác, chúng ta phải đào tạo, huấn luyện để các trường làm đúng vai trò của mình.

Về tài chính các nhà trường phải được kiểm soát và tính đếm đến hiệu quả của nó và phải được quản lý theo hướng “công khai minh bạch” mới bảo vệ quyền lợi người học; có vậy họ mới có thể yêu cầu các nhà trường phải đáp ứng chất lượng tương xứng với đồng tiền đóng góp của dân và nhà nước đầu tư.

Để quản lý nhân sự tài chính công khai, minh bạch, các cơ sở giáo dục đào tạo phải tiến hành đầy đủ các bước:

Thứ nhất, xây dựng quy chế chi tiêu, quy chế quản lý tài chính quy chế tổ chức của mỗi nhà trường. Quy chế này phải được thông qua Hội đồng giáo dục, công khai trước cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường đầu năm học.

Thứ hai, xây dựng kế hoạch tài chính, kế hoạch sử dụng nhân sự theo phân bổ tài chính hàng năm đã được cấp trên phê duyệt. Kế hoạch này cũng phải được công khai trước Hội đồng sư phạm mỗi nhà trường.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch thu chi phần ngân sách cha mẹ học sinh đóng trong năm học. Kế hoạch này phải được công khai trước Hội đồng sư phạm và đại diện cha mẹ học sinh.

Thứ bốn, hàng năm hệ thống thanh tra tài chính của nhà trường do thanh tra nhân dân mỗi nhà trường phải hoạt động thường xuyên và cứ 3 năm phải có kiểm toán nhà nước kiểm tra một lần, cấm tuyệt đối giáo viên chủ nhiệm không được đưa ra bất cứ một khoản thu nào khác ngoài các khoản thu đã thống nhất giữa Ban giám hiệu và Hội cha mẹ học sinh đầu năm.

Đây là hai yếu tố quan trọng trong quản lý. Các nhà trường phổ thông hiện nay cần được tự chủ, không hình thành nề nếp quản lý này sẽ không có chất lượng bền vững.

Dân chủ và tự chủ liệu có gì đối lập? phối hợp như thế nào? Tự chủ phải tập trung quyền lực cho bộ máy lãnh đạo, nêu cao vai trò trách nhiệm cá nhân nhưng dân chủ không phải để phân tán quyền lực mà nó đảm bao cho quá trình tập trung quyền lực được đúng đắn nhất, có đủ thông tin mọi phía để người lãnh đạo quyết đáp được nhanh chóng, chính xác vì đằng sau nó đã có bộ lọc trí tuệ của nhiều người, nhiều cấp.

Tóm lại tự chủ ở các trường phổ thông là phải làm được việc cốt yếu “trao quyền hiệu trưởng được quyền dẫn dắt thầy và trò đổi mới để có đầu ra tốt hơn trong dạy và học”, “được quyền kiểm soát mọi nguồn lực để thúc đẩy đổi mới phù  hợp với phân cấp quản lý của nhà nước trao”.

Đổi mới cán bộ quản lí

Mỗi trường học muốn thành công đều có những cách đi riêng trong việc tổ chức quản lý nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo, tập hợp lực lượng, xây dựng nguồn lực cho mỗi nhà trường… song quan sát những mô hình giáo dục thành công trong nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay, mỗi hiệu trưởng đều phải đững vững và giải quyết đồng bộ cả 3 yếu tố cơ bản. 

Đó là: Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; Tổ chức và quản lý chất lượng giáo dục; Vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục, khoa học quản lý để bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương thức giáo dục, phương pháp quản lý.

Xây dựng đội ngũ chỉ là một yếu tố cơ bản; Yếu tố tổ chức quản lý, vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục cùng với điều kiện cơ sở vật chất cũng phải được trang bị, hoàn thiện đồng bộ với những yêu cầu khác của đổi mới giáo dục, hiệu trưởng mới phát huy hết vai trò và đảm bảo thành công.

Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai ảnh 3

Giáo dục sinh ra để làm gì?

(GDVN) - TS.Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ về câu chuyện đổi mới quản lí giáo dục tại Việt Nam hiện nay. Trong bài viết này, ông sẽ đề cập tới đội ngũ quản lí và cơ chế.

Vai trò hiệu trưởng ở đây không chỉ là nhà quản lý đơn thuần mà trước hết họ còn phải là nhà giáo dục, vận dụng thành thạo cả khoa học quản lý lẫn khoa học giáo dục, hiệu trưởng không chỉ đóng vai trò thủ lĩnh dẫn dắt hội đồng sư phạm mỗi nhà trường, mà còn là người biết truyền lửa, khích lệ đội ngũ như một vị huấn luyện viên tài năng của những đội bóng danh tiếng.

Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, để mỗi cơ sở giáo dục đào tạo có “thương hiệu”, người hiệu trưởng còn phải biết xây dựng văn hóa tổ chức (văn hóa học đường) của mỗi nhà trường. 

Hiệu trưởng chỉ trên cơ sở tổ chức mọi hoạt động của nhà trường, của cả thầy và trò đều trong bầu không khí tôn vinh các giá trị cốt lõi, bằng những việc làm gắn kết, tạo nên sự phát triển bền vững của cả nhân cách của thầy và trò. 

Sản phẩm cuối cùng của mỗi hiệu trưởng không chỉ là những quy định của công tác quản lý hành chính của mỗi nhà trường mà còn là nhân cách của học trò, những năng lực phẩm chất mà mỗi nhà giáo đã mang lại cho mỗi học sinh là như thế nào? 

Học sinh không chỉ biết được gì khi rời khỏi nhà trường, mà quan trọng các em phải làm được những gì từ những điều đã biết cho những điều xã hội đang yêu cầu; phải có đủ 4 trụ cột “học để biết, học để làm, học để cùng chung sống và học để làm người”. 

Muốn có kết quả đó, hiệu trưởng phải giúp mỗi nhà giáo cũng phải có đủ phẩm chất, năng lực; Nhân cách của nhà giáo phải đủ lớn để làm tấm gương dẫn dắt học trò; đồng thời họ cũng phải là người nắm được những phẩm chất, năng lực cần có của học sinh của mình ở mỗi cấp học; từ đó họ phải có khẳ năng vận dụng thành thạo trong quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh.

Để mỗi nhà giáo trong mỗi nhà trường hoàn thành trọng trách của mình, hiệu trưởng, chứ không ai khác trong nhà trường phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. 

Đặc biệt, Hiệu trưởng và các cán bộ quản lý trường chất lượng cao phải thấm nhuần những yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ quản lý trường học thế kỷ 21 (Theo tài liệu của giáo sư Roger Moltzen, trưởng Khoa giáo dục đại học Waikato).

Nói đến đổi mới công tác quản lý trong các nhà trường phổ thông hiện nay, chúng ta phải giải quyết rất nhiều vấn đề.

 Song với tư cách là người làm công tác nghiên cứu giáo dục phổ thông và được lăn lộn trong thực tế giáo dục phổ thông nhiều năm qua, chúng tôi tha thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, trực tiếp Bộ trưởng mới hãy quan tâm nhiều hơn nữa để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm mà chúng tôi trình bày trong bài viết này. 

Đây là những vấn đề quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu chúng ta tháo gỡ đúng theo quy luật của mỗi vấn đề, chúng ta sẽ có nền giáo dục phát triển bền vững.


TS. Nguyễn Tùng Lâm