“Cuộc đua khốc liệt” là tiêu đề phụ mà báo Cand.com.vn đặt trong một bài viết về kỳ thi vào lớp 10 công lập thời gian gần đây. [1]
Báo Plo.vn trong bài “Thi vào lớp 10 khốc liệt như thi đại học” viết: “Kỳ thi lớp 10 vẫn được tổ chức ở nhiều địa phương và đang ngày càng trở nên căng thẳng, khốc liệt chẳng khác nào những kỳ thi vào đại học trước đây”. [2]
Có ba luồng ý kiến giải thích về sự “khốc liệt” này:
Một là do chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở, một số học sinh trượt kỳ thi vào lớp 10 công lập hoặc sẽ theo học trường ngoài công lập, học nghề hoặc tìm việc làm.
Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng nhờ quá trình sàng lọc “khốc liệt”, chất lượng giáo dục tại các trường trung học phổ thông công lập được nâng cao, tạo uy tín cho giáo dục công lập so với giáo dục ngoài công lập!
Cuối cùng là ý kiến cho rằng do các địa phương thiếu trường trung học phổ thông công lập nên phải tổ chức thi tuyển nhằm chuyển một số học sinh sang hệ tư thục hoặc dân lập.
Để đánh giá toàn diện, chính xác về sự “khốc liệt” của cuộc đua vào lớp 10 công lập, cần đến số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên tra cứu mục Thống kê trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại tiểu mục “Tờ gấp giáo dục và đào tạo” trong chỉ thấy tờ gấp từ năm 2019 trở về trước, số liệu từ năm 2020 đến nay không thấy công bố.
Bài viết này dựa vào số liệu trong Niên giám thống kê năm 2021 của Tổng cục Thống kê. [3]
Bảng 1: Số trường học và lớp học phổ thông tại thời điểm 30/9/2021 |
Nhìn vào bảng 1, từ năm 2019 đến năm 2022 số lớp học khối trung học cơ sở tăng thêm 7.200 lớp trong khi số lớp học khối trung học phổ thông chỉ tăng thêm 3.400 lớp.
Theo quy định trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, mỗi lớp học ở các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông không vượt quá 45 học sinh - tức là sĩ số học sinh hai cấp này là tương đương.
Điều này có nghĩa là khối trung học phổ thông sẽ thiếu 3.800 lớp học nếu tiếp nhận hết học sinh trung học cơ sở.
Bảng 2: Số lớp học, giáo viên và học sinh phổ thông cả nước tại thời điểm 30/9/2021 |
Cấp trung học cơ sở bao gồm 4 khối lớp 6, 7, 8, 9, lấy tổng số học sinh trung học cơ sở theo bảng 2 chia cho 4 ta có số lượng bình quân học sinh lớp 9 (gần đúng) như bảng 3.
Bảng 4 thống kê số lượng học sinh lớp 9, số học sinh không tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập và tỷ lệ phần trăm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tỷ lệ học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh bình quân 4 năm là 15,81%.
Giả thiết rằng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước số học sinh lớp 9 không dự kỳ thi vào lớp 10 có tỷ lệ tương đương Thành phố Hồ Chí Minh (làm tròn là 15%). Như vậy, số học sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập (gần đúng) cho trong bảng 4.
Năm |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Số học sinh lớp 9 cả nước (bình quân) |
1.363.975 |
1.399.975 |
1.477.600 |
1.481.850 |
Số thí sinh thi lớp 9 sẽ thi vào lớp 10 (85%) |
1.158.838 |
1.189.978 |
1.255.960 |
1.259.572 |
Số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT |
887.173 |
900.152 |
1.014.972 |
989.863 |
Bảng 3: Số học sinh lớp 9 thi vào 10 và số thí sinh thi đại học cùng năm
Năm |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Số học sinh lớp 9 |
100.000 |
96.000 |
99.569 |
108.291 |
Số học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 |
19.673 |
14.000 |
16.000 |
14.000 |
Tỷ lệ học sinh không thi vào lớp 10 |
19,67 |
14,58 |
16,07 |
12,93 |
Nguồn tham khảo |
[4], [5] |
[6] |
[7] |
[8] |
Bảng 4: Số học sinh lớp 9 không dự kỳ thi vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh
Từ bảng 4, không khó để thấy số lượng học sinh lớp 9 tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập lớn hơn nhiều so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (cũng là dự thi đại học).
Các con số nêu trên lý giải vì sao kỳ thi vào lớp 10 công lập lại “khốc liệt” hơn rất nhiều so với kỳ thi vào đại học.
Số môn thi vào lớp 10 là từ 3-4 môn tùy địa phương nên thời gian các gia đình phải bỏ ra lo cho con cái đi thi không khác nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Về kinh phí, thí sinh không phải đi quá xa nên chi phí đi lại đỡ tốn kém nhưng số lượng thí sinh lại rất đông nên tổng chi phí của toàn xã hội cho kỳ thi vào lớp 10 công lập có thể sẽ cao hơn so với kỳ thi đại học.
Vậy là sau nhiều lần cải cách giáo dục và đổi mới chương trình, sách giáo khoa, người dân và đặc biệt là học sinh đã có thêm một kỳ thi tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước là thi vào lớp 10 công lập với mức độ “khốc liệt” chẳng kém gì thi đại học.
Tình trạng nêu trên dẫn tới một vài câu hỏi cần phải giải đáp:
Thứ nhất, phải chăng chuyện thi vào lớp 10 công lập trở nên “khốc liệt” là nằm ngoài dự kiến của cơ quan quản lý và bộ phận tham mưu chiến lược?
Thứ hai, vì sao tồn tại tình trạng các trường trung học phổ thông công lập không đủ chỗ đón nhận học sinh lớp 9 trung học cơ sở mà phải dùng kỳ thi vào lớp 10 để gạt một số sang hệ tư thục hoặc dân lập?
Thứ ba, chính sách thi tuyển vào lớp 10 có bảo đảm công bằng trong giáo dục với học sinh và cha mẹ học sinh khối trung học cơ sở cả nước?
Một bài viết trên trang của Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, Ban Công tác Đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “Bảo đảm công bằng trong giáo dục là trách nhiệm của Nhà nước”. [9]
“Công bằng trong giáo dục” nghĩa là chế độ, chính sách của một quốc gia, địa phương phải bảo đảm sự bình đẳng cho mọi người ở các vùng, không phân biệt dân tộc, tầng lớp, độ tuổi, giới tính với ba đặc trưng sau đây:
- Công bằng về cơ hội giáo dục;
- Công bằng trong quá trình giáo dục;
- Công bằng trong kết quả giáo dục. [9]
Muốn đạt được “công bằng trong quá trình giáo dục” thì trước hết phải được “công bằng về cơ hội giáo dục”.
Không do học lực kém, điểm thi thậm chí là khá cao nhưng lại trượt kỳ thi vào lớp 10 công lập bởi quy định “chỉ tiêu” của địa phương có thuộc về lĩnh vực “công bằng về cơ hội giáo dục”?
Học sinh lớp 10 ngoài công lập phải đóng góp nhiều hơn so với học sinh các trường công lập ngay trong cùng một địa phương có thuộc về lĩnh vực “công bằng trong quá trình giáo dục”?
Tùy thuộc vào việc chính quyền địa phương xây được nhiều trường hay ít trường mà tỷ lệ chọn học sinh lớp 9 vào lớp 10 công lập sẽ thay đổi. Nếu lấy số học sinh đỗ kỳ thi vào lớp 10 công lập để đánh giá kết quả giáo dục của các trường trung học cơ sở liệu có công bằng?
Phải chăng vì thế nên xuất hiện tình trạng “ép” học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 công lập với mục đích không làm ảnh hưởng đến uy tín của trường? [10]
Năm 2022 Hà Nội quy định điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ văn) x 2 + Điểm bài thi môn Ngoại ngữ (tương đương 05 môn thi). Điểm trúng tuyển của các trường trung học phổ thông: Bắc Lương Sơn, Bất Bạt, Minh Quang lần lượt là 15; 17; 17, chia cho 5 thì bình quân mỗi môn chỉ cỡ 3 – 3,4 điểm là đỗ vào lớp 10 công lập.
Cũng tại Hà Nội có trường học sinh thi đạt điểm trung bình 8,2 vẫn bị trượt.
Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp nhận 70% học sinh lớp 9 vào trường công lập nhưng Hà Nội lại chỉ khoảng 55,8% [11] . Sự chênh nhau gần 15 % giữa hai thành phố là do đâu
Để đảm bảo ba tiêu chí công bằng trong giáo dục, một cuộc cải cách giáo dục toàn diện, triệt để là cần thiết mà trước hết là cải cách tư duy giáo dục ở thượng tầng.
Với giáo dục phổ thông, cần phải sửa Luật Giáo dục theo hướng:
1. Nhà nước bảo đảm mọi điều kiện cho giáo dục mầm non, giáo dục bắt buộc (tiểu học) và giáo dục phổ cập (trung học cơ sở).
2. Toàn bộ khối trung học phổ thông chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, xã hội hóa.
3. Với giáo dục trung học phổ thông, Nhà nước tổ chức hoặc đặt hàng một số trường chuyên, lớp chọn đào tạo những học sinh xuất sắc.
4. Nhóm học sinh trung học phổ thông thuộc diện nghèo, vùng có khó khăn về kinh tế, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí, sách giáo khoa và có thể bổ sung thêm một số nhu cầu khác như đồng phục, dụng cụ học tập,...
Làm được điều này sự tốn kém của hàng triệu gia đình và nỗi ám ảnh của hàng triệu học sinh lớp 9 cho kỳ thi vào lớp 10 công lập sẽ không còn.
Lợi nhiều như thế liệu có nên làm ngay bây giờ hay để nhiều năm nữa?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://cand.com.vn/giao-duc/chi-khoang-55-7-hoc-sinh-lop-9-tai-ha-noi-duoc-vao-lop-10-thpt-cong-lap-i686534/
[2] https://plo.vn/thi-vao-lop-10-khoc-liet-nhu-thi-dai-hoc-post480496.html
[3] https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2022/08/Sach-Nien-giam-TK-2021-1.pdf
[4] https://tuoitre.vn/tuyen-sinh-lop-10-tai-tp-hcm-ve-dau-hon-30-000-hoc-sinh-lop-9-20190312081435632.htm
[5] https://tuoitre.vn/tp-hcm-cong-bo-dap-an-cac-mon-thi-tuyen-sinh-lop-10-20190606100831505.htm
[6] https://vnexpress.net/gan-900-thi-sinh-o-tp-hcm-bo-thi-lop-10-4132074.html
[7]https://tuoitre.vn/vi-sao-hon-16-000-hoc-sinh-lop-9-khong-thi-vao-lop-10-o-tp-hcm-20210514114227288.htm
[8] https://plo.vn/tphcm-hon-14000-thi-sinh-khong-dang-ky-thi-vao-lop-10-post682910.html
[9] http://tailieu.ttbd.gov.vn:8080/index.php/tin-tuc/tin-tuc-ho-tro-boi-duong/item/1073-dam-bao-yeu-to-cong-bang-trong-giao-duc
[10]https://thanhnien.vn/tai-dien-ep-hoc-sinh-khong-duoc-thi-vao-lop-10-185230425220241494.htm
[11]https://vnexpress.net/ha-noi-cong-bo-chi-tieu-vao-lop-10-cong-lap-4596630.html